Nước Đức luôn được xem là cái nôi của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu. Việc cầm lái một mẫu xe sang như Mercedes-Benz S-Class, Audi A8 hay BMW Series 7 luôn đem lại sự hoan hỉ cao độ cho bất kỳ ai. Người Đức còn rất tài tình trong việc chế tạo một chiếc xe. Từ những kết cấu đơn giản cho đến các công nghệ tối tân đều hiện diện trên các dòng xe của họ. Tuy nhiên, mọi bức tranh đều có đủ hai gam màu sáng-tối. Ngành công nghiệp xe hơi trứ danh của người Đức cũng gắn với không ít thăng trầm và định kiến dai dẳng.
Một ký giả phương Tây từng nhận xét: Trước đây, Anh là “đối thủ” nặng ký của Đức trong lĩnh vực chế tạo ô tô. Hiện tại, họ trở thành “sân sau” của Đức trong chính ngành này. Quả vậy, ai đó có thể phản pháo rằng Anh vẫn có những thương hiệu lừng danh như Rolls-Royce, Bentley hay MINI. Tuy nhiên, thực tế là cả Rolls-Royce và MINI đều trực thuộc BMW trong khi Bentley là một phần của Volkswagen. Điều này có được là nhờ tư tưởng tiến bộ, tinh thần làm việc chăm chỉ và định hướng công nghiệp hóa của dân Đức sau Thế chiến thứ hai. Khi đó, người Anh vẫn đầy tự mãn và say sưa “ngủ vùi trên chiến thắng” trong khi dân Đức đang vật lộn trong đống đổ nát. Người Anh thậm chí còn cử Thiếu tướng Ivan Hirst sang tiếp quản nhà máy Volkswagen của Đức để rồi biến nó thành một đế chế ô tô hàng đầu thế giới như bây giờ.

Bộ ba Mercedes-Benz, Audi và BMW thay phiên dẫn đầu thị trường xe sang toàn cầu

Xe Đức dĩ nhiên phải sang trọng, mạnh mẽ và cực kỳ an toàn. Tuy nhiên, mua xe Đức cũng giống như tậu một căn biệt thự ở Phú Mỹ Hưng: Chi phí nuôi xe và mức sống đều thuộc dạng cắt cổ. Mua được là một chuyện, duy trì được lại là chuyện khác. Vài vết đâm đụng trên chiếc BMW có thể khiến bạn đi tong cả trăm triệu khi vào garage. Sự hưng phấn ban đầu có lẽ cũng tụt đi ít nhiều.
Ngoài ra, sự phức tạp của xe Đức còn đến từ chính các công nghệ do họ tạo ra. Mỗi chiếc xe đều được trang bị ti tỉ công nghệ tối tân mà không phải ai cũng nắm bắt hết, chưa nói dùng đến. Nhiều công nghệ sẽ kéo theo rất nhiều hỏng hóc phức tạp. Thành ra, chi phí sửa chữa lại tăng lên gấp bội. Có người nói vui: Xe Đức là dạng ô tô bị “làm lố” nhất quả đất. Chúng được trang bị nhiều tùy chọn và công nghệ đến mức phát ngán.

Các hãng xe Đức chưa bao giờ ngừng thử nghiệm công nghệ mới

Đã đắt lại hay hỏng vặt trong khi chi phí sửa chữa quá cao. Điều này khiến cho xe Đức giảm giá rất mạnh theo thời gian. Ở mặt này, xe Nhật luôn là điển hình trong việc “giữ giá”. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, một chiếc xe bình dân với ít trang bị thì…lấy gì để hỏng. Chưa kể, người Nhật thường trung thành với những công nghệ lâu đời trong khi người Đức luôn muốn tìm tòi thử nghiệm công nghệ mới nên rủi ro là chuyện đương nhiên. Mà suy cho cùng, khi người giàu chấp nhận bỏ ra vài tỉ hay vài ba chục tỉ để sắm một chiếc xe, “giữ giá” không phải là chuyện bận tâm của họ, dù chỉ một giây.