Với Giám đốc nghệ thuật Reed Krakoff, quá khứ chỉ là khởi đầu cho một chương mới tại Tiffany & Co. Robb Report đã có cuộc trò chuyện thú vị với NTK tại Triển lãm Tiffany & Co Vision & Virtuosity ở Thượng Hải.
Khiêm tốn với đôi chút ngượng ngùng, Reed Krakoff chỉ diện áo thun polo xanh navy và chiếc quần denim, hoàn toàn trái ngược với hình dung ban đầu của tôi về một nhà thiết kế tự tin và có phần ngạo nghễ khi sở hữu những “chiến tích” ấn tượng: hồi sinh thành công thương hiệu Coach vào những năm 2000 và hiện đang mang đến một thời kỳ phục hưng cho Tiffany & Co.
Thái độ nhã nhặn của ông trái ngược với những “ồn ào” mà các thương hiệu trên đang tạo ra, đồng thời bộc lộ lối xử lý thông minh và chừng mực trong cách ông tiếp cận mọi vấn đề của sự nghiệp. Gia nhập Tiffany & Co vào năm 2017 trong vai trò Giám đốc Nghệ thuật, ông được trao sứ mệnh giám sát toàn bộ khía cạnh về hình ảnh thương hiệu, từ các thiết kế phụ kiện và trang sức cho đến các chiến dịch quảng bá, với mục tiêu hồi sinh “ngôi sao đang lụi tàn” của ngành kim hoàn Hoa Kỳ, đưa nó trở lại thời hoàng kim trong quá khứ.
Hai năm qua chứng kiến những nỗ lực không ngừng của thương hiệu nhằm tiếp cận lớp khách hàng Millennial bằng những thiết kế ấn tượng và bắt nhịp xu hướng mới của thời đại; kết nối với các đại sứ thương hiệu trẻ, thực hiện các chiến dịch truyền thông mạng xã hội sâu rộng và theo đuổi một chiến lược kinh doanh bền vững – hướng đến các mục tiêu đó nhưng không phá bỏ những dấu ấn di sản của Tiffany & Co, tất cả được thể hiện rõ nét tại Vision & Virtuosity – triển lãm về lịch sử thương hiệu lần đầu tiên được tổ chức tại trung tâm triển lãm Fosun Foundation ở Thượng Hải (Trung Quốc).

Đến với sự kiện, quan khách như lạc vào một hành trình khám phá lịch sử huy hoàng của Tiffany & Co qua những bộ sưu tập đương đại đan xen với các món trang sức được lưu giữ qua thời gian. Đáng chú ý phải kể đến trải nghiệm tại phòng “Kim cương: Phép màu từ Thiên nhiên”, trưng bày các món trang sức ra đời vào giai đoạn đầu những năm 1900, đặt cạnh những dấu ấn đương đại của thương hiệu. Nếu không có các bảng ghi chú, khó vị khách nào phân biệt được những tuyệt tác xưa và nay, cho thấy tính nhất quán trong thiết kế mà thương hiệu đã kiên định duy trì, bất chấp những tác động của thời gian.
Trong không gian đó, Krakoff đã chia sẻ về những thay đổi của tiêu chuẩn thiết kế trang sức tại Hoa Kỳ và chiến lược phát triển mới của Tiffany & Co trong tương lai.
Thưa ông, BST Tiffany & Co Blue Book đã tác động như thế nào đến các tiêu chuẩn thiết kế trang sức tại Mỹ?
Có thể nói, Blue Book đã định nghĩa lại ngành trang sức xa xỉ ở Mỹ. Các sản phẩm vừa rực rỡ, vừa thể hiện ý tưởng độc đáo mà Tiffany đang theo đuổi: trang sức cao cấp không nhất thiết chỉ dành cho các sự kiện black-tie hay thảm đỏ trang trọng. Thay vào đó, chúng phải thể hiện phong cách riêng của chủ nhân, giảm bớt tính bảo thủ và truyền thống.
Theo ông, làm sao để thay đổi quan niệm của công chúng về việc sử dụng trang sức cao cấp trong các dịp không quá mang tính lễ nghi?
Đầu tiên là tạo ra những món trang sức phù hợp với khách hàng. Đối với một người đã có tất cả, khi sắm trang sức cao cấp, họ sẽ muốn những loại đá quý hiếm nhưng đồng thời thích cảm giác bất ngờ. Dù các thiết kế trang sức cao cấp thường có tính bảo thủ, song vẫn có “đất” dành cho những sáng tạo khác biệt. Chúng tôi đã bán thành công mẫu vương miện tiara trong BST Paper Flowers. Đó cũng là chiến dịch quảng cáo đầu tiên tôi thực hiện: hình ảnh một thiếu nữ (do Elle Fanning hóa thân) đội chiếc vương miện có thiết kế đương đại, thích thú ngắm nghía các sản phẩm qua vách kính của một cửa tiệm Tiffany.
Tôi cũng rất thích chiến dịch đó, rất ấn tượng!
Cảm ơn lời khen của bạn. Chiến dịch đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Khi nhắc đến Tiffany, tôi thường liên tưởng đến hình ảnh minh tinh Audrey Hepburn đang diện một bộ váy đen, tay cầm túi giấy và một ly cà phê – rất thú vị, hài hước. Đó là hình ảnh được tạo nên bởi các đạo diễn điện ảnh và là một trong những khoảnh khắc đã đóng khung trong tư tưởng của giới kim hoàn Mỹ.

Ông chia sẻ rằng luôn hướng về phía trước nhưng vẫn nhìn lại quá khứ. Đó có phải là thử thách với bản thân ông?
Cuộc sống không có gì dễ dàng, nhưng mọi việc sẽ dễ xử lý hơn khi bạn có được phương pháp làm việc nhất quán. Tôi thường xem xét và tìm hiểu kỹ lưỡng mọi khía cạnh của vấn đề. Vì sao nên đặt ở đây mà không phải vị trí khác, và các sản phẩm cần thay đổi ra sao để phù hợp với hình ảnh của Tiffany. Tôi cho rằng, khó có thể tách khỏi quá khứ khi cứ mãi hướng về nó. Bạn phải nỗ lực nắm vững các luật lệ, rồi can đảm đặt chúng sang một bên, để nghe theo bản năng và tin vào bản thân.
Thật thú vị! Những trực giác đó thường đến từ đâu, thưa ông?
Chúng hình thành từ chính cuộc sống của nhà thiết kế. Cả đời tôi gắn liền với mọi khía cạnh của ngành thiết kế: nội thất, kiến trúc, nhiếp ảnh, trang sức, thời trang, sách… Đó là sự nhận thức, cảm giác tò mò và khao khát được nhìn ngắm mọi thứ, từ văn hóa đại chúng, các viện bảo tàng, lịch sử, đến cả những người lướt qua trên phố. Tôi nghĩ rằng, nếu để tâm quan sát, thì trực giác chính là sự nhận thức của mỗi người về sự vật xung quanh. Thiết kế chính là đưa ra các quyết định. Cách tốt nhất là sở hữu một nền tảng vững chắc và thấu hiểu mối quan hệ giữa chủ thể với phần còn lại, tác động của nó với những xu hướng trên thế giới, lấy ví dụ thị trường trang sức, thời trang và văn hóa – tất cả đều kết nối với nhau. Tôi hiếm khi phải suy nghĩ vì hầu như các quyết định thiết kế đã nằm trong bản năng.
Sẽ không gì thay thế được kinh nghiệm và sự uyên bác?
Không hẳn. Tôi luôn biết những điều mình nắm vững, nhưng chẳng phải lúc nào cũng thế. Những điều tôi thích và không thích thường thay đổi theo thời gian. Tôi không có một phong cách cố định, và luôn nỗ lực tạo ra những điều thú vị. Đôi lúc tôi chọn sự tối giản nhưng thỉnh thoảng lại tiên phong sáng tạo. Là một NTK, sự thay đổi luôn hấp dẫn tôi. Nên nhớ rằng, dù luôn thay đổi và phát triển, nhưng bạn phải đảm bảo luôn kể lại câu chuyện về thương hiệu một cách nhất quán.