Những thiết kế của Công Trí mang đậm cái tình và cái tâm anh dành cho chất liệu bản xứ, thể hiện bằng sự chỉn chu trong từng chi tiết. Với sự điềm tĩnh đầy lạc quan, người “anh cả” trong làng thời trang Việt lao động không ngừng nghỉ để mang đến những mộng tưởng đẹp đẽ cho giới mộ điệu.
Việc vươn ra các sàn diễn quốc tế như Tokyo Fashion Week trong hai năm liên tiếp 2016 và 2017 đã mang tới cho anh nhiều cơ hội hợp tác với các ngôi sao lớn trên thế giới, điều gì đã ngăn cản anh đi “đánh chuông xứ người” sớm hơn?
Thật ra thì cũng muốn sớm hơn, nhưng không được. Chẳng hạn như Tokyo Fashion Week nằm trong khuôn khổ Asia Fashion Meets Tokyo, ban tổ chức sẽ chủ động nghiên cứu lý lịch của nhà thiết kế, thời gian hoạt động trong nghề, số bộ sưu tập đã thực hiện và những thành tựu đạt được. Năm 2016, khi tôi được mời tham dự lần đầu, ban tổ chức đã nghiên cứu thị trường Việt Nam cùng những nhà thiết kế bản địa, rồi dựa theo tiêu chí của họ để lựa chọn, sau đó họ đã bay từ Nhật đến thăm cửa hàng của tôi hai lần để kiểm tra xem có đủ tiêu chuẩn hay không. Kể cả đóng tiền, chưa chắc bạn được tham dự bởi nhiều đánh giá khắt khe như trên 10 năm làm nghề….
Hay như Tuần lễ thời trang Luân Đôn và New York, không phải cứ muốn tham gia là được. Có một lần, tôi may mắn được tham dự Tuần lễ thời trang Luân Đôn qua sự giới thiệu của Đại sứ quán và Hội đồng Anh, nhưng đó cũng chỉ là một buổi trưng bày giới thiệu (hoạt động song song với các buổi biểu diễn chính) chứ không được lên sàn diễn. Nếu muốn được chính thức tham dự hai tuần lễ thời trang đình đám trên, bạn phải có sản phẩm tại thị trường đó, có cửa hàng, văn phòng hoặc công ty. Trong kế hoạch, tôi vẫn xem Việt Nam là thị trường chủ đạo, vì thế vẫn cố gắng cân bằng giữa thị trường nội địa và đầu tư quốc tế. Tất nhiên trong tương lai, sớm thôi, tôi hy vọng sẽ có những bước tiến xảy ra.
Sản xuất một món đồ thửa cao cấp cho khách hàng và quá trình sáng tạo bộ sưu tập riêng, theo anh, cái nào khó hơn?
Khó nhất có lẽ là trang phục biểu diễn dành cho các nghệ sĩ, bởi vì mình phải lắng nghe đạo diễn chương trình, nội dung bài hát, không chỉ riêng với Katy Perry mà với cả nghệ sĩ Việt Nam. Ngày xưa khi làm việc cùng Hồ Ngọc Hà, tôi cũng phải tìm hiểu xem bạn ấy hát bài nào, trong chương trình gì, có sử dụng vũ đạo không, từ đó lên ý tưởng theo yêu cầu của đạo diễn. Đây là một quá trình đầy thử thách nhưng không giới hạn khả năng sáng tạo của người thiết kế. Sáng tạo ở đây là chuỗi mắt xích kết nối nhiều yếu tố xung quanh. Trang phục cũng chỉ là một mắt xích trong cả tổng thể, không thể nào tự do sáng tạo mà may một bộ trang phục khiến người nghệ sĩ không thể biểu diễn được, điều đó thể hiện sự thiếu hiểu biết. Một nhà thiết kế cần sự nhanh nhạy.
Anh từng chia sẻ: “Cách tốt nhất để không bị áp lực chính là đừng đặt mình vào thế khó để làm mất đi cảm xúc”. Thế nhưng qua nhiều bộ sưu tập với các phong cách hoàn toàn khác nhau, cộng thêm những cảm hứng và cách thể hiện rất nguyên bản, hình như anh rất thích thử thách bản thân và vượt qua giới hạn sáng tạo?
Sự khác nhau đó là bởi vì bản thân tôi chưa có kế hoạch marketing tốt để mọi người không bị nhầm lẫn giữa các dòng sản phẩm. Chẳng hạn như dòng Nguyễn Công Trí chính thống sẽ luôn được đánh số, gần đây nhất là No. 10 “Em Hoa”, đó là mười năm với mười bộ sưu tập khác nhau hoàn toàn. Tự bản thân tôi cố gắng đặt ra những thử thách cùng bài học, tự ra đề bài, tự hoàn thành đề bài đó, và kế hoạch cách đây 10 năm vừa được hoàn thành. Có thể sắp tới, tôi sẽ giới thiệu bộ sưu tập mới của dòng sản phẩm này nhưng không đánh số nữa. Đó sẽ là một cuộc chơi độc đáo để đi trình diễn quốc tế. Mà một khi đã dạo chơi thì đâu thể nào chỉ chơi một thứ, mình phải thử hết, tận hưởng cảm xúc để tìm ra điều mình thích nhất. Mặc dù vậy, các bộ sưu tập vẫn sẽ mang đặc trưng phong cách Công Trí ở chất liệu, cách xử lý chất liệu, các chi tiết thủ công cầu kỳ. Giống như họa sĩ vẽ tranh bằng sơn dầu, bằng chì, còn tôi vẽ bằng chất liệu, bằng đặc trưng riêng của mình. Trang phục cũng là một món đồ nghệ thuật. Còn thương hiệu Công Trí thì thiên về thời trang ứng dụng cao cấp được ra mắt theo mùa, dành cho những quý cô, quý bà.

BST Em Hoa gây tiếng vang tại Tokyo Fashion Week hồi tháng 3 vừa qua

Và khi nào người yêu thời trang mới có cơ hội chiêm ngưỡng triển lãm trưng bày 10 bộ sưu tập đúc kết chặng đường 10 năm như anh đã hứa?
Kế hoạch đó đang được chuẩn bị kĩ càng. Mười mẫu thiết kế sẽ được chọn ra trong mỗi bộ sưu tập để trưng bày, tổng cộng là 100 bộ. Tôi rất háo hức được thực hiện buổi triển lãm thời trang này, thực sự ở Việt Nam chưa có ai làm cả. Nếu làm thì tôi nghĩ mình sẽ phải có sự đầu tư công phu, có lẽ vào cuối năm tới thôi. Tầm cỡ thì chắc chắn là không nhỏ rồi.
Luôn phải đóng cả hai vai trò nhà thiết kế và nhà kinh doanh, anh đã bao giờ cảm thấy bị áp lực về doanh thu hay phải hy sinh yếu tố nghệ thuật trên thương trường?
Có chứ, thực ra thì cũng không hẳn là hy sinh, tôi vốn không phải là một nhà kinh doanh giỏi. Tại Việt Nam, chúng ta còn thiếu nhiều tập đoàn, những nhà kinh doanh giỏi kết hợp cùng các nhà thiết kế. Ở đây hầu hết đều là sự tự thân, các nhà thiết kế phải đóng cả vai trò nhà sáng tạo lẫn nhà kinh doanh. Đó là lý do mà chúng ta không thể tạo ra một thị trường thời trang nóng hổi được. Có thể những nhà kinh doanh trong nước không nhìn nhận thời trang như một thị trường béo bở, trái ngược hẳn với nước ngoài. Tôi vẫn đang cố gắng tìm kiếm những cơ hội, những cuộc gặp gỡ để có thể khiến thị trường Việt Nam trở nên sinh động hơn. Thường thì các tập đoàn nước ngoài không để ý đến những thị trường nhỏ lẻ như chúng ta, buộc lòng những nhà thiết kế như tôi phải nỗ lực vươn ra ngoài. Trong năm tới, tôi sẽ cố gắng tiếp cận nhiều thị trường quốc tế hơn nữa.
Anh đã chuẩn bị gì cho kế hoạch thâm nhập thị trường Dubai? Liệu những thiết kế mang đậm dấu ấn truyền thống Việt Nam có phù hợp với sự khác biệt văn hóa tại đây?  
Hiện tại sở thích đó đang được tạm để yên. Khi mà có quá nhiều món ăn bày ra trước mắt, mình phải chọn cái nào ngon ăn trước. Dubai là một thị trường tôi rất thích, có thể mọi người sẽ ngạc nhiên và thấy lạ. Một nhà thiết kế không nhất thiết phải làm những thứ liên quan đến văn hóa truyền thống nước nhà, nếu vươn ra thị trường quốc tế, bạn phải thay đổi và chuyển mình rõ nét, cái đó tùy vào tài năng của mỗi nhà thiết kế, chứ không phải lúc nào cũng đem những thứ gọi là truyền thống đất nước giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Hầu hết các thương hiệu lớn đều có những dòng sản phẩm dành riêng cho thị trường mới, nơi bạn được thỏa sức thể hiện mức độ chuyển biến, nhanh nhạy của mình, nhưng vẫn giữ được những đặc trưng riêng trong thiết kế. Đó mới là cái hay. Tất nhiên khi đã lên sàn hay vươn ra quốc tế, bạn vẫn phải tính đến hiệu quả kinh doanh. Trong khi đó các nhà thiết kế và những người làm công việc sáng tạo thường là những kẻ mộng tưởng, với suy nghĩ rằng trang phục là những bài thơ, những nốt nhạc, những thứ đẹp đẽ.
Khi các thương hiệu thời trang fast-fashion đổ bộ, anh có chia sẻ về việc sẽ thay đổi định hướng của thương hiệu KIN concept, theo anh, sự hội nhập quốc tế trong ngành thời trang lợi nhiều hơn hại hay ngược lại?
Tôi thì thấy lợi, bởi vì thời trang thực chất là sự thay đổi mỗi ngày, nếu chúng ta đóng cửa ngăn cản các thương hiệu ngoại, các nhà thiết kế trong nước sẽ bị trì trệ và không có tinh thần cầu tiến. Cạnh tranh giúp các nhà thiết kế tiến lên phía trước, đồng thời là cách gián tiếp để định hướng thẩm mỹ cho người tiêu dùng, điều đó rất quan trọng. Tiếng nói của các nhà thiết kế trong nước thường ít được lắng nghe, nhưng khi có nhiều dòng hàng quốc tế tràn vào, người tiêu dùng mới nhận ra, mới có sự so sánh và đó là tín hiệu rất tốt. Khi càng có nhiều người cùng tham gia cuộc chơi, người chơi tồi sẽ bị đào thảo. Tôi nghĩ chẳng có gì hại cả vì đó là xu hướng chung của thế giới, người ta đã đi trước mình rất lâu, chỉ cần quan sát và nhìn vào tốc độ phát triển của họ, chúng ta sẽ nhận thấy ngay. Đến một lúc nào đó, xã hội sẽ có những thứ mà dù muốn hay không bạn cũng phải đón nhận.

“Khác với họa sĩ, họ vẽ tranh bằng sơn dầu, bằng chì, còn tôi vẽ bằng chất liệu, bằng đặc trưng riêng của mình. Bởi vì thời trang cũng là một sản phẩm của nghệ thuật”

Anh có nghĩ rằng đội ngũ thợ thủ công của chúng ta hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm cao cấp như các thương hiệu quốc tế?
Tay nghề thì có nhưng cần phải được huấn luyện một cách kĩ lưỡng. Người Việt mình rất khéo tay, tuy nhiên nguyên vật liệu, quy trình cũng như thái độ làm việc còn nhiều hạn chế, những yếu tố này rất quan trọng khi sản xuất những sản phẩm thủ công cao cấp. Thái độ của người thợ đóng vai trò quan trọng nhất, họ phải thực sự yêu nghề, làm việc với tâm thế của một người sáng tác. Ngay cả những người thợ của tôi cũng được huấn luyện để hiểu những điều đó. Việc đính kết một bộ áo đầm cũng giống như quá trình kiến tạo nên tác phẩm nghệ thuật của một nghệ sĩ, chứ không chỉ đơn giản là một người đính cườm. Nếu bạn không say mê công việc và những thứ mình làm, sản phẩm bạn tạo ra sẽ rất vô hồn. Nhiều lúc chỉ cần so sánh hai chiếc đầm kết cườm của hai người thợ, bạn có thể nhận thấy được độ chân thực của chúng, cũng giống như tranh thêu vậy.
Hiện nay có rất nhiều chương trình được tổ chức liên quan chặt chẽ đến thời trang như Tuần lễ thời trang, truyền hình thực tế về người mẫu và nhà thiết kế, theo anh đây có phải là một tín hiệu đáng mừng cho ngành thời trang trong nước?
Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, nhiều chương trình đồng nghĩa với nhiều sân chơi cho nhà thiết kế, nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Nếu không làm, chúng ta sẽ không có kinh nghiệm, ngay từ những bước cơ bản đầu tiên. Việt Nam không phải là đất nước có nền tảng về thời trang, không có những tuần lễ thời trang đình đám được cả thế giới chú ý đến. Nhưng nếu không làm bây giờ thì đến bao giờ, dù sơ khai cũng phải làm để học hỏi, sai ở đâu ta sửa ở đó, từ từ rồi sẽ tốt hơn. Vì vậy tôi rất hoan nghênh các đơn vị tổ chức. Đặc biệt, nhiều người mẫu từ các chương trình này đã ít nhiều tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Các nhà thiết kế trẻ cũng vậy, tay nghề khá và chắc hơn xưa rất nhiều.
Nghĩa là chúng ta có thể hy vọng về những thương hiệu thời trang Việt danh tiếng trong tương lai?
Thì cứ làm thôi chứ hy vọng để làm gì, hy vọng nhiều rồi lại thất vọng, nhưng mà tôi nghĩ trong tương lai các bạn trẻ sẽ rất giỏi với điều kiện họ chịu khó lao động. Tài năng nào cũng vậy, xuất phát điểm của bạn là số 5 hay số 10 thì bạn cũng phải nỗ lực làm việc, chứ không nên có suy nghĩ rằng mình chỉ mới có số 5, bao giờ mới đến được số 10 và rồi bỏ cuộc, không được như vậy!
NTK Công Trí luôn được chọn mặt gửi vàng để mở màn Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam, người mộ điệu nên mong chờ điều gì mới lạ ở bộ sưu tập Thu Đông 2017 sắp tới?
Đây là lần thứ 2 tôi trở lại Hà Nội, mở màn cho Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam, với bộ sưu tập của thương hiệu Công Trí. Năm ngoái là Cô gái của kẻ lạ và tôi, năm nay cũng là bộ sưu tập Thu-Đông, vẫn quanh quẩn các cô gái thôi. Ý tưởng chủ đạo lần này cũng rất dễ thương, lấy từ nét đẹp và cuộc sống xung quanh của các cô gái làm việc trong môi trường công sở. Nơi đó sẽ có những cô làm sếp, có cô làm nhân viên, mỗi cô một phong cách, một nhiệm vụ, và thậm chí một quyền lực trong xã hội. Dù gì đi nữa, họ đều là phụ nữ, đều khao khát được làm đẹp, được là người phụ nữ hoàn hảo trong mắt đàn ông. Các bộ trang phục sẽ được cách điệu từ những chiếc áo sơ-mi, những bộ đồ nhàm chán của các cô văn phòng.


Đôi nét về Nguyễn Công Trí
Hiện là tên tuổi hàng đầu trong ngành thiết kế thời trang tại Việt Nam, Nguyễn Công Trí sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng trong một gia đình có 8 anh chị em. Năm 1996, anh theo học khoa Mỹ thuật Công nghiệp thuộc Đại học Kiến trúc TP.HCM và tốt nghiệp vào năm 2001. Anh trở thành ủy viên của Hiệp hội Thời trang châu Á từ năm 2014.
Theo đuổi dòng thời trang cao cấp từ những ngày đầu, đến nay, Nguyễn Công Trí vẫn kiên định với lựa chọn của mình và gặt hái khá nhiều thành công. Anh đều đặn trình làng các bộ sưu tập mỗi năm, luôn gây chú ý ở bất cứ show diễn nào tham gia. Khách hàng của anh bao gồm những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Rihanna, Katy Perry…
Anh còn đảm nhiệm vai trò cố vấn thời trang và giám khảo cho một số chương trình giải trí nghệ thuật, định hình phong cách cá nhân cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong nước.