Trong những ngày truy lùng các mẫu thử còn lại của những hương phẩm huyền thoại trong lịch sử thế giới mùi hương, tôi gặp lại Poison – cơn ám ảnh bạo liệt của những năm 80. Một cú kích hương tình cờ, vị thần tiềm thức được giải thoát khỏi quả táo độc sau gần 3 thập niên quên lãng, và cả một Kỷ Disco hào nhoáng chợt hiển linh…

Năm 1985, giữa cuộc đương trào của mốt tua ngù sĩ quan, những cặp pads độn vai to bản, những món trang sức diêm dúa quá khổ và những dòng hương nồng nực khoa trương, nhà thời trang trứ danh với trường phái haute couture lịch duyệt Christian Dior bất chợt tung vào giữa tâm bão choáng lộn ấy quả bom màu thạch anh tím mệnh danh Độc Dược (Poison).

feat_39christian-dior_4

Christian Dior

Như một trò bóng nước tai ác, thứ hợp hương táo tợn sặc mùi nhục cảm ấy đã bốc đồng nhuộm cả thế giới thời trang trong những note huệ, cẩm chướng và một vệt xạ hương nhức nhối khoan sâu vào khứu giác, để vĩnh viễn đầu độc một thế hệ perfumista.

Quả bom thương mại ấy đã gây ra một vụ nổ ồn ào giữa những kẻ yêu và ghét. Đó là một thứ hương chỉ có thể khiến người ta tôn thờ mê muội hoặc dị ứng dữ dội. Một thứ mùi của con thú mạnh lấn át toàn bộ đám đông vốn đã quá ồn ào nhưng vẫn khát khao hiện tượng.

Như những cô ả Alice ngốc nghếch trong xứ sở thần tiên, các tín đồ đâm sầm vào những chiếc lọ hình quả táo tẩm độc tím sẫm với thông điệp to và rõ: “Độc đấy! Cấm uống!” Các cô nàng Alice ngửa cổ, tưới hàng gallons thứ hợp hương Poison lên người, và họ tin rằng họ đã biến thành những nữ hoàng bi kịch đầy hào nhoáng canh cánh những nỗi u sầu sang trọng diễm tình. Bài học xưa cũ nhất của nhân loại vẫn liên tục được lặp lại, từ quả táo của con rắn vườn địa đàng đã thành nguồn cơn của lạc thú và thống khổ, cho đến cô nàng Bạch Tuyết háu ăn.

Một cú chơi khăm độc địa tầm cỡ toàn cầu!

Có một lí do hiển nhiên vì sao Poison có quá nhiều tín đồ nhưng cũng cùng lúc gây ra những phản ứng ồn ào đến vậy. Giữa một thời cuộc hào nhoáng và đa sắc, Poison là một tuyên ngôn ngạo nghễ được tung ra, đủ mạnh mẽ để khiến cả đám đông im bặt: phải là một nữ nhân thật sự đặc sắc và cá biệt để có thể xứng tầm với thứ mùi hương ngạo mạn cực đoan ấy.

Điều oái oăm là khi những perfumista sành sỏi vẫn trung thành tuyệt đối với sự cơn mộng mị sang cả của Opium hay note trầm đài các Champagne của nhà Yves Saint Laurent, thì Poison, như một hiện tượng cá biệt ồn ào, lại trở thành sự lựa chọn đại đồng của thị phần trung lưu cho đến những cô nàng wannabe hạng vỡ lòng.

Khi nhảy xổ vào vai diễn “diva phố lớn”, điều nguy hiểm đối với các perfumista và fashionista non tay đó là họ không hề ý thức được rằng đó là thứ hương phẩm đủ mạnh để lấn lướt cá tính thời trang của nữ chủ nhân kém vía. Sự chuệch choạc giữa tính cầu kì của một tuyệt tác mùi hương và một cá tính nhạt nhòa luộm thuộm trong trò đua đòi phi nghĩa khiến cả một tổng thể ngoại hình trở thành bức biếm họa khôi hài về đẳng cấp của nữ chủ nhân tội nghiệp. Poison đòi hỏi người ta phải thông minh, trau chuốt, thừa can trường để dám tỏa hương một cách ồn ào bạo liệt, đủ ngạo mạn để bắt khiến mọi ánh nhìn hướng trực chỉ về nữ nhân lẫy lừng vừa xuất hiện. Hẳn nhiên, ảo ảnh này hiện ra trên các poster trong chiến dịch quảng cáo thứ hàng thượng phẩm nọ, trong khi trên thực tế, người ta lại ngửi thấy note huệ phong tình của Poison nhiều nhất trên những cô gái mới hôm qua còn xức Cacharel LouLou, đánh đồng ranh giới giữa bậc nữ lưu thượng hạng với một bà nội trợ trung lưu.

feat_39maxresdefault_2

Độc Dược (Poison)

Mặc nhiên với tag giá kiêu kỳ, Poison trở thành thứ thần dược nâng cấp cho mọi cá tính nhạt nhòa mà người ta ngỡ có thể mua được bằng tiền, và kết cục là tự hoàn thiện cho mình một bức chân dung khôi hài, xộc xệch.

Những ả “wannabe” bốc mùi Độc Dược nhan nhản khắp nơi, sự phù phiếm trở thành rẻ tiền xa cạ, và đẩy khứu giác thị trường đến độ ngán ngẩm bão hòa. Những lọ Poison màu thạch anh tím trở thành dư vị cổ điển, trải qua một cuộc cải cách công thức và hầu như biến mất trong bảng phong thần của trào lưu. Nhưng Nàng để lại phía sau một vệt lưu hương ám ảnh qua các hậu duệ với những mỹ danh Thôi Miên, Linh Đơn, Tinh Khiết, Bán Dạ, v.v… như những phiên bản thỏa hiệp dành cho những bản lĩnh perfumista muốn độc địa nửa vời.

Những ả wannabe tuyệt vọng ăn cắp những bộ cánh diva, hí hửng choàng vội lên phần số còi cọc của tâm hồn, và hiện nguyên chân tướng khôi hài nhếch nhác. Họ nhanh chóng rũ bỏ bộ cánh quá rộng, quá hào nhoáng, và lại lao vào cuộc vay mượn miên man để đi tìm một bộ da khác.

Poison biến mất khỏi thị trường, dho đến ngày tôi bất ngờ gặp lại Nàng, khi mà haute couture chỉ còn là trò phi nghĩa của công nghệ thời trang thực dụng, và những dòng hương lưỡng tính lên ngôi. Giữa buổi dạ tiệc đông người, giữa những note hương tân trào hợp mốt, Nàng ở đó, ủy mị, tàn độc và bất hủ. Nàng lấn át và ngạo nghễ, một lần nữa biến tất cả những hương phẩm đương trào trở thành thứ mùi nước lã pha trái cây không hơn không kém. Tôi chợt nhận ra đẳng cấp một giai nhân chính thống nổi bật mặn mòi nhất, khi Nàng kiêu hãnh bước ra khỏi lề trào lưu đại chúng, không ồn ào suy tôn hoài cổ, nhưng cao ngạo, cách biệt, và chí tôn tự tại.

Khuynh đảo địa cầu trong làn hương gây nghiện để rồi tài tình cự tuyệt thảm họa bình dân, note lưu hương cuối cùng của một dòng hương thượng phẩm đã đợi đến gần ba thập niên để kiêu hãnh minh chứng một bản lĩnh couture.

Vào thời điểm ra mắt, đó đã là một trong những hương phẩm đắt giá nhất trên thị trường, nhưng thứ người ta mua về được chỉ là một lọ dầu thơm thượng hạng. Cốt cách chính thống của Poison là thứ không thể vay mượn, ăn cắp, hoặc mua bằng tiền – đó chính là lòng kiêu ngạo bất biến của thuộc tính Haute Couture.

* wannabe là từ lóng trong khẩu ngữ tiếng Anh, dùng để chỉ những tính cách, cá nhân luôn là bản sao hình thức của những hình mẫu trào lưu mà họ khao khát vươn tới.