Không chỉ xa hoa, lộng lẫy, những căn phòng khách sạn này còn tiêu biểu cho vẻ đẹp của kiến trúc và nội thất. Những món đồ cổ từ những Thế kỷ XVI, XVII, những công trình biểu tượng của các thành phố nổi tiếng ở Châu Âu, những căn phòng này không chỉ được biết đến với sự tráng lệ, những căn phòng được thiết kế chỉ dành cho bậc vương giả xa xưa mà còn bởi cách thiết kế, bài trí nội thất khiến bất kỳ vị khách khó tính nào cũng trầm trồ khen ngợi.

1. ST. REGIS ROME ROYAL SUITE

Khách sạn St. Regis Rome toát lên phong cách kiến trúc hoàng gia với quầy bar Negroni, câu lạc bộ nhạc jazz nguyên bản và dịch vụ quản gia trứ danh. Nằm ngay sát Điện Quirinal Palace, chỉ cách quảng trường Piazza della Repubblica vài bước chân, bản thân khách sạn 161 phòng này đã là một công trình kiến trúc mang tính bước ngoặt với bộ sưu tập những bức tượng bán thân bằng đá cẩm thạch, đèn chùm Murano cùng các chi tiết trang trí mang phong cách tân cổ điển. Sở hữu những món đồ cổ từ thời Vua Louis XVI, nội thất Piedmont và thảm trải sàn Aubusson, Royal Suite hai phòng ngủ của St. Regis Rome được xem là không gian tráng lệ nhất thành phố. Bên cạnh thư viện và nhà bếp riêng, Royal Suite còn có một hầm rượu 100 chai để khách thưởng thức.

www.stregisrome.com

2. GRAND BRETAGNE ROYAL SUITE

Là công trình biểu tượng tại Athens từ năm 1874, khách sạn Grande Bretagne nổi tiếng với món cổ vật, dịch vụ quản gia đặc trưng và một danh sách những vị khách nổi tiếng. Nhưng điểm khác biệt của khách sạn 320 phòng này là vị trí trên quảng trường hình chiếc lá Syntagma với tầm nhìn bao quát thành cổ Acropolis. Phòng Royal Suite được tô điểm bằng những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, đàn dương cầm, và nội thất mạ vàng. Dù bạn đang thưởng thức bữa tối hay đang tập luyện tại phòng gym, tầm nhìn hướng ra quảng trường Syntagma và thành cổ Acropolis không bao giờ bị che khuất.

www.grandebretagne.gr

3. FOUR SEASONS ATIK PASHA SUITE

Khách sạn Four Seasons chính thức mở cửa hoạt động tại cung điện Atik Pasha, Istanbul vào năm 2008. Là sự pha trộn giữa phong cách kiến trúc Ottoman truyền thống với vẻ sang trọng hiện đại, khách sạn 170 phòng này sở hữu một không gian spa rộng hơn 2000 mét vuông và một bể bơi lớn.

Với diện tích rộng 310 mét vuông, phòng Atik Pasha Suite chiếm gần nửa tầng hai của cung điện cũ với nhiều vị trí ngắm cảnh đẹp nhất khách sạn. Bên trong cũng không kém phần lộng lẫy với phòng tiếp khách được trang trí dàn đèn chùm thủy tinh Murano từ trần cao 4,5m. Chất liệu vải cao cấp và nội thất bằng gỗ dái ngựa được sử dụng chủ đạo trong thiết kế; phòng ngủ với nhà tắm bằng đá cẩm thạch, bồn tắm hình quả trứng và phòng tắm hơi riêng.

Chiêm ngưỡng cảnh đẹp của Bosphorus qua cửa sổ chống đạn cao từ sàn đến trần trong khi thưởng thức các món ăn Địa Trung Hải trong không gian hoàn toàn riêng tư của phòng Atik Pasha Suite.

www.fourseasons.com

4. HOTEL D’ANGLETERRE ROYAL SUITE

Sau thời gian trùng tu, công trình trọng điểm 90 phòng này đã tái khẳng định vị thế của một khách sạn hàng đầu tại thủ đô Copenhagen, và giờ đây còn có cả sự hiện diện của nhà hàng của bếp trưởng được gắn sao Michelin Ronny Emborg và Champagne bar đầu tiên tại Đan Mạch. Riêng phòng Royal Suite vẫn được giữ nguyên như vốn có kể từ thời điểm khách sạn mở cửa lần đầu vào năm 1755. Bên trong không gian rộng gần 150m2 này là dàn đèn chùm nguyên bản đồ sộ với nội thất cổ. Cuộc trùng tu gần đây đã bổ sung vào Royal Suite những chiếc ghế sô-pha tông màu vàng và kem, đệm Dux và các thiết bị công nghệ Bang & Olufsen.

www.dangleterre.com

5. BRISTOL VIENNA PRINCE OF WALES SUITE

Một cuộc trùng tu lớn dưới sự chỉ đạo của Pierre-Yves Rochon đã đưa khách sạn Bristol Vienna trở lại với vẻ huy hoàng vốn có của thế kỷ 19. Phong cách art-deco và các chi tiết trang trí gần như được giữ nguyên vẹn. Toàn bộ 150 phòng sở hữu các tác phẩm nghệ thuật và các món đồ cổ của Áo. Những dàn đèn chùm pha lê sáng lấp lánh dưới nền trần đắp nổi tinh xảo của sảnh lớn Brisol Lounge, nơi chuyên phục vụ các món ăn truyền thống của nước Áo.

Prince of Wales Suite là một trong những không gian nghỉ ngơi lớn nhất thành phố với bốn phòng ngủ, năm phòng tắm, một phòng tiếp khách, một thư viện, phòng tập gym và xông hơi khô. Món thịt bê chiên kiểu Vienna – một trong những món ăn mang đặc trưng của nước Áo – đựng trong bộ đĩa sứ Augarten và pha lê Lobmeyr luôn sẵn sàng để phục vụ bạn.

www.bristolvienna.com

6. CONNAUGHT APARTMENT

Connaught là nơi đại diện cho những gì tốt nhất, tiêu biểu nhất của lĩnh vực khách sạn tại nước Anh với 121 phòng nghỉ sang trọng bậc nhất trong chính tòa nhà nguyên bản này. Một cuộc trùng tu vào năm 2008 đã bổ sung thêm 31 phòng theo phong cách đương đại cùng một spa thuộc thương hiệu Aman danh tiếng và Connaught Bar của nhà thiết kế David Collins.

Mang dáng vẻ của một căn hộ Mayfair hơn là một phòng khách sạn hàng đầu, không gian hai phòng ngủ Apartment sử dụng tông màu xanh và tía từ Connaught Bar với cửa gỗ chạm khắc thủ công, nội thất bọc nhung và da với những tác phẩm nghệ thuật mang chủ đề hoa lá theo tông màu đặc trưng của Collins. Ngoài ra, Apartment còn có một phòng ăn, cầu thang riêng và hai sân hiên do nhà thiết kế vườn tược Tom Stuar-Smith phối cảnh.

www.the-connaught.co.uk

7. SHANGRI-LA HOTEL LA SUITE SHANGRI-LA

Chỉ cách sông Seine và tháp Eiffel một quãng ngắn, khách sạn Shangri-La vẫn duy trì phong cách hoàng gia vốn có với 101 phòng lộng lẫy, một nhà hàng Pháp và một bể bơi ngoài trời thuộc hàng lớn nhất Paris.

Phòng La Suite Shangri-La thể hiện trọn vẹn phong cách Pháp của công trình lâu đời này với nghệ thuật trang trí art-deco của Rochon mang dấu ấn của Shangri-La. Giấy dán tường sang trọng Lelievre và rèm cửa Manuel Canovas càng làm tăng thêm điểm nhấn cho gam màu trầm mộc của căn phòng. Cửa sổ cao từ sàn đến trần và ban công trải rộng gần 90m2 càng khiến cho tầm nhìn trở nên ngoạn mục hơn với những góc nhìn cận cảnh tháp Eiffel. Khi đêm xuống, «Người đàn bà thép» của Paris sẽ rực sáng từ mọi góc nhìn trong phòng. ÷

www.shangri-la.com