Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Amrita, Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan là ba “ngôi sao đang lên” ở châu Á. Tại các thị trường này, người tiêu dung có xu hướng mua hàng hiệu trực tuyến và chi tiêu nhiều cho hàng xa xỉ khu đi du lịch ở nước ngoài.

Một năm lặng sóng

Theo báo cáo hàng xa xỉ trên toàn cầu của Bain & Company, năm 2016 có thể được xem là một năm lặng sóng đối với ngành công nghiệp xa xỉ toàn cầu với mức tăng trưởng 4%, tương đương 1.08 nghìn tỷ euro giá trị bán lẻ. Sự sụt giảm giá trị tiền tệ tại các thị trường chủ chốt như Anh (đồng bảng Anh mất giá 10% do hiệu ứng Brexit), Nga (đồng rúp Nga mất giá 11%), Brazil (đồng real mất giá 7%), và Trung Quốc (đồng Nhân dân tệ mất giá 6%) là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên hiện tượng này.Năm 2016, trong số các hạng mục hàng xa xỉ có doanh số bán hàng tốt, xe hơi cao cấp chiếm vị trí đầu bảng (tăng trưởng 8%), theo sau là mảng kinh doanh dịch vụ du ngoạn cao cấp, bao gồm lưu trú khách sạn (tăng 4%), các chuyến du ngoạn bằng du thuyền cao cấp (tăng 5%), nhà hàng sang trọng; trong khi mảng phụ kiện xa xỉ chiếm thế thượng phong về cả thị phần lẫn tỷ lệ tăng trưởng (10%/năm); còn mảng làm đẹp (chủ yếu là sản phẩm trang điểm và nước hoa), rượu vang cao cấp vẫn giữ được “phong độ” của mình với mức tăng trưởng 4%. Riêng thị trường máy bay, du thuyền cá nhân đang chững lại, trong khi mảng đồng hồ cao cấp lại giảm mạnh tới 8%, đặc biệt, mảng kinh doanh này đang phải vật lộn để tồn tại ở thị trường châu Á.

2016 cũng là năm cho thấy rằng người tiêu dùng hàng hiệu trên toàn cầu đang có xu hướng mua sắm hàng hiệu thông qua các kênh trực tuyến, và doanh số bán hàng xa xỉ từ phân khúc thương mại điện tử chiếm tới 8% thị phần toàn cầu. Các kênh kỹ thuật số đang trở thành thị trường lớn thứ ba thế giới trong việc tiêu thụ hàng xa xỉ cá nhân, chỉ sau Hoa Kỳ và Nhật Bản nếu xét về doanh số.

Các thị trường trưởng thành: ì ạch vượt bão

Hoa Kỳ và châu Á (trừ Nhật Bản) – hai thị trường chủ lực của ngành công nghiệp xa xỉ – đang bị thu hẹp lại với mức giảm 3% trong năm qua. Thị trường hàng hiệu châu Âu giảm 1% do sự sụt giảm số lượng du khách, tuy nhiên, doanh số bán hàng xa xỉ tại thị trường Anh lại tăng lên do đồng Bảng mất giá từ hiệu ứng Brexit.

Ở châu Á, thị trường hàng hiệu Trung Quốc cho thấy sự suy giảm nhẹ 1% dù mãi lực đang dần quay trở lại, tuy nhiên, sức mua nội địa chưa thể so sánh được với sức mua của người dân nước này khi đi du lịch ở nước ngoài. Các giao dịch mua sắm của người tiêu dùng hàng hiệu ở Trung Quốc chiếm tới 30% tổng giao dịch trên toàn cầu, tuy nhiên, mức chi trong năm 2016 ở nước này là giảm nhẹ. Còn nếu so với mức tăng 19% trong giai đoạn hoàng kim 2007-2014, thị trường Trung Quốc năm qua khá ì ạch. Tuy nhiên, xét về dài hạn, Trung Quốc vẫn được xem là thị trường chủ chốt đối với các thương hiệu xa xỉ nhờ sự gia tăng không ngừng của tầng lớp người giàu ở nước này. Sức mua của người tiêu dùng hàng hiệu ở Trung Quốc có xu hướng tăng ở phân khúc xe sang, du ngoạn và đồ nội thất cao cấp. Riêng phân khúc hội hoạ từng làm mưa làm gió ở quốc gia đông dân này cũng cho thấy một năm lặng sóng, trong khi doanh số bán rượu vang và đồ uống cao cấp lại giảm xuống nếu so với thời hoàng kim vài năm trước.

Sức hút châu Á và các thị trường “tí hon” tiềm năng

Theo báo cáo Amrita Banta of Agility Research, Ấn Độ được xem là một trong những thị trường sáng sủa nhất trong lĩnh vực hàng xa xỉ tại châu Á năm qua nhờ mức tăng trưởng kinh tế ổn định. Cứ 1 trong 2 tín đồ hàng hiệu người Ấn Độ chi tiền cho các sản phẩm xa xỉ khi đi du lịch ở nước ngoài, trong khi tỉ lệ này ở Thái Lan và Việt Nam là 2/5.

Hẳn nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất châu Á đối với các thương hiệu xa xỉ, trong khi cũng có những thị trường với tỉ lệ tiêu dùng hàng xa xỉ không quá lớn như Hàn Quốc, hay hai thị trường “tí hon” nhưng đầy tiềm năng như Việt Nam và Thái Lan.Xu hướng mua hàng xa xỉ qua các kênh trực tuyến đang nổi lên tại một số thị trường lớn và truyền thống như Ấn Độ, Nhật Bản hay Trung Quốc, bên cạnh các thị trường trẻ và mới nổi như Indonesia, Việt Nam và Thái Lan, trong đó, Indonesia là thị trường hàng hiệu trực tuyến lớn nhất châu Á với doanh số bán hàng tăng 84% theo chỉ số hàng xa xỉ châu Á 2016 (Asia Luxury Index). Túi xách hàng hiệu được tiêu thụ mạnh qua các kênh trực tuyến ở châu Á, chiếm 62% các giao dịch trực tuyến. Ở Indonesia, túi xách hiệu Balenciaga, Fendi và Longchamp rất được ưa chuộng.

Giày hiệu cũng cho thấy sự tăng trưởng về doanh số bán hàng với 87%, trong khi mức này chỉ là 39% trong mảng đồng hồ cao cấp. Cũng cần nhắc đến một sự dịch chuyển trong hành vi mua sắm với mức gia tăng tới 30% doanh số bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng (chủ yếu là túi xách và giày), trong đó phải kể đến 4 thương hiệu hàng đầu được ưa chuộng nhất là Chanel, Hermès, Louis Vuitton và Prada.