Những bức tranh và BST hội họa trong bài viết đều chốt phiên với những con số kỷ lục tại các sự kiện do 2 nhà đấu giá nổi tiếng tổ chức.

Bộ sưu tập nghệ thuật của George Michael

Phiên đấu giá George Michael Evening Auction do nhà Christie’s tổ chức vào tháng Ba 2019 đã đem đến cho giới mộ điệu cơ hội sở hữu những tác phẩm ấn tượng nằm trong bộ sưu tập nghệ thuật của cố danh ca kiêm nhạc sĩ nổi tiếng George Michael, với tổng giá trị đấu giá lên đến 9,2 triệu bảng Anh, một con số vô cùng ấn tượng. Đây là một chương trình nằm trong chuỗi hoạt động vì cộng đồng của nam nghệ sĩ tài hoa này. Bộ sưu tập nghệ thuật của Michael thể hiện sự kết nối với những tên tuổi của phong trào Nghệ thuật Trẻ Anh quốc (Young British Art) gồm những tài năng như Damien Hirst, Tracey Emin và Sarah Lucas. Nổi bật trong số những tác phẩm nghệ thuật là bức Careless Whisper của nghệ sĩ thị giác đương đại Scotland Jim Lambie, chốt phiên với giá 175.000 bảng Anh, cao gấp 10 lần dự đoán ban đầu và thiết lập một kỷ lục đấu giá mới.

Bộ sưu tập của Drue Heinz

Trong suốt ba thập kỷ ở vai trò phu nhân của HJ Heinz II—CEO công ty HJ Heinz—Drue Heinz, nữ diễn viên người Mỹ gốc Anh, một tín đồ cuồng nhiệt của nghệ thuật thị giác và văn chương, đã thu thập một bộ sưu tập mỹ thuật ấn tượng, nổi bật với các tác phẩm của những danh họa như Picasso, Giacometti, Monet, Magritte và Matisse. Trong số các tác phẩm đặc biệt được đem ra đấu giá tại sự kiện “Impressionist and Modern Art Evening Sale” ở Christie‘s New York vào tháng Năm 2019, bức sơn dầu trên vải bố “Lunia Czechowska” do danh họa Amedeo Modigliani vẽ vào năm 1919, đã được chốt thành công với giá 25.245.000 USD.

Kỷ lục mới dành cho các bức tranh của Picasso

Là một trong số các tác phẩm thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới mộ điệu tại buổi đấu giá Impressionist & Modern Art Evening Sale của Sotheby’s diễn ra vào giữa tháng Năm 2019, bức tranh Femme au Chien vừa thiết lập kỷ lục đấu giá thế giới dành cho các tác phẩm của danh họa Picasso trong thập niên 60, với con số 54,9 triệu USD. Không giống tranh của các họa sĩ theo đuổi trường phái hiện thực khác vốn thường sử dụng những người mẫu chuyên nghiệp, có quan hệ quen biết hoặc đôi khi cả những người lạ mặt tình cờ bắt gặp trên phố, những mẫu vẽ trong tranh của Picasso luôn xoay quanh những nhân vật gắn bó sâu sắc với cuộc sống cá nhân của ông. Trong bức tranh khổ lớn này, hình ảnh Jacqueline Roque – người vợ thứ hai của danh họa Picasso – ngự trên một chiếc ghế bành trong khi đang vuốt ve Kaboul, một chú khuyển thuộc loài chó săn Afghanistan.
Được vẽ vào cuối năm 1962, tác phẩm phảng phất nét hài hước này thể hiện tình cảm chân thành dành cho các nhân vật được chọn làm chủ thể cũng như sự tôn sùng của Picasso dành cho loài khuyển. Cách phối màu độc đáo cùng với sự tinh vi phức tạp và vẻ hoàn mỹ là những dấu ấn minh chứng cho một tuyệt tác ra đời vào giai đoạn sau trong sự nghiệp của Picasso.