Vẫn là gốm sứ như muôn đời nay, nhưng qua bàn tay của những nghệ nhân trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết sau đây, nghệ thuật chế tác này một lần nữa lại được tái sinh với diện mạo mới mẻ và độc đáo.

Rất lâu kể từ khi loài người khám phá ra phương thức nung đất sét trong lò lửa để làm ra gốm cho đến nay, những tạo vật đẹp đẽ này vẫn luôn là một lựa chọn yêu thích để tạo điểm nhấn cho không gian sống bên cạnh công năng sử dụng thường nhật. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, nghề làm gốm sứ bị “mắc kẹt” trong những phong cách chế tác dần đi vào lối mòn truyền thống. Ngày nay, nhiều nhà thiết kế trẻ tuổi mang trong mình tinh thần tiên phong thử nghiệm các phương thức mới mẻ tạo nên những chiếc bình đẹp mắt, ấn tượng và cuốn hút, mang hơi thở nghệ thuật của tác phẩm điêu khắc hơn là món đồ trang trí nội thất thông thường.

Alana Wilson

“Mãnh liệt” có lẽ là một từ phù hợp để mô tả quá trình sáng tạo của nghệ sĩ người Úc Alana Wilson. Với niềm say mê với quy luật tự nhiên và sự vận động thay đổi không ngừng của cuộc sống, bao gồm cả hiện tượng phân rã. Để tạo nên những tạo tác ấn tượng mang phong cách riêng biệt này, Wilson đã sử dụng những vật liệu dễ bay hơi như lithium, cryolite và muối để làm cho đất sét bị “gặm nhấm” trong khi vẫn đang được nung ở nhiệt độ 1260 độ C. Mỗi tạo tác đều toát lên vẻ độc đáo và cuốn hút riêng, như vừa được khai quật từ đống đổ nát hoặc xác tàu đắm, với vẻ ngoài bị “tàn phá” bởi thời gian. “Với tôi, mỗi tác phẩm đều là một phép thử, một hành trình khám phá thú vị khi nổi lửa trong lò nung”, nhà thiết kế chia sẻ.

Eny Lee Parker

Từng theo học ngành thiết kế nội thất, Parker lại mong muốn tạo nên những tác phẩm có thể làm đối trọng với những góc cạnh và khối hộp trong thiết kế không gian sống truyền thống. “Tôi muốn làm cho không gian sống trở nên mềm mại hơn bằng những món đồ nội thất, thay vì tăng thêm những đường nét góc cạnh,” nghệ nhân gốm hiện đang sinh sống tại khu Brooklyn chia sẻ, “Đất sét cho phép tôi dễ dàng tạo nên những hình thù độc đáo này”. Không chỉ dừng lại ở những chiếc bình hoặc chậu, các tác phẩm của Parker hướng đến phong cách làm gốm mang đến cảm giác tự nhiên, từ những chiếc đèn, bàn cho đến trang sức và chậu hoa.

Studio Furthermore

“Cách tiếp cận truyền thống nhấn mạnh vào việc làm chủ những kỹ thuật chế tác cổ đại”. Iain Howlett, đồng sáng lập studio thiết kế Furthermore có trụ sở tại London, cùng với Marina Dragomirova, chia sẻ. “Chúng tôi lại không có hứng thú với điều đó”. Bộ đôi nhà thiết kế đã chọn một hướng đi khác biệt, bằng việc kết hợp bọt biển với đất sét để tạo nên một hỗn hợp đặc biệt trước khi nung. Khi vật liệu tạo hình đã được đốt sạch, phần gốm “trần trụi” còn lại tạo nên những hình dáng xốp tự nhiên tựa những rạn san hô và những phiến đá Iceland bị mài mòn bởi thời tiết.

Andile Dyalvane

Với Dyalvane, quá trình làm gốm giống như một nghi lễ thành kính hơn là nghệ thuật tạo tác đơn thuần. Nghệ sĩ người Nam Phi cho biết: “Tôi khởi đầu với một ý niệm hoặc hình ảnh mơ hồ, trước khi cụ thể hóa bằng những nét phác thảo rõ ràng. Ngoài ra, âm nhạc cũng được tuyển chọn để đồng điệu với những ý tưởng này. Tôi còn xông hương tinh dầu để tập trung nguồn năng lượng bên trong.” Song quá trình sáng tạo của Dyalvane không chỉ dừng lại ở một “nghi lễ” mà còn chạm đến những vùng ký ức sâu lắng, đặc biệt là về cha ông, một người thợ hàn. Những hoài niệm đó được hợp nhất và gửi gắm khéo léo trong từng chiếc bình, chén, tác phẩm điêu khắc và nội thất đong đầy tính gợi hình, với chất kim loại được đính kết khéo léo và đầy chủ ý vào lớp đất tươi mới trước khi vào lò nung.