Phải là một người phi thường lắm, bạn mới có thể mua được những món đồ trang sức mang lại trải nghiệm thú vị.

Đối với giới sưu tầm thì cổ vật luôn có sức hút đặc biệt, nhất là đồ kim hoàn. Việc sở hữu những món đồ trang sức cổ sẽ cho bạn biết đẳng cấp của chủ nhân. Thông tin về xuất xứ càng ít, món đồ càng được ưa chuộng trong dòng thời trang hoài cổ.
Kể từ khi bất cứ vật gì nguyên vẹn còn sót lại sau chiến tranh đều được mang đổi lấy bánh mì, có thể nói rằng mỗi viên kim cương trong lịch sử đều chứa đựng nỗi đau nhân thế. Và bất cứ ai tìm kiếm “lịch sử” của chính mình trong các cửa hàng cổ vật đều phải khắc ghi điều đó. Những món đồ gia bảo thường được mua trong nhiều dịp khác nhau nhưng cùng chung mục đích là lưu lại những thời khắc hạnh phúc trong cuộc đời người sở hữu chúng, và chỉ được bán đi khi xảy ra một trong ba biến cố: phá sản, ly hôn, qua đời. Mỗi phương án trong đó đều chứa đựng vẻ u sầu, nhưng nếu xét từ góc độ thực tế, chúng đã tạo ra nguồn cung cho thị trường thứ cấp.

Ghim cài áo đính kim cương của Cartier, ra đời năm 1913

Nhìn chung, giá chào bán những món trang sức qua đã sử dụng tương đối thấp. Ở các cuộc đấu giá hay xuất hiện những món đồ quen thuộc, dù có là chiếc ghim cài áo của Nữ hoàng Victoria thì giá cũng sẽ rẻ hơn một món đồ mới. Trên khắp thế giới, những cửa hàng danh tiếng nhất không chỉ bán, mà còn mua đồ trang sức. Nếu muốn bán chiếc nhẫn Cartier của mình ở Paris, bạn hãy đến rue de la Paix.
Tất nhiên, nếu chiếc nhẫn đó có giá trị đặc biệt về lịch sử, nghệ thuật, hay đơn giản là được nạm đá quý. Lúc nào cũng có người sẵn sàng mua những món đồ cũ đó – nhờ nguồn gốc quý phái và quan niệm chung rằng “ngày xưa, mọi thứ đều tốt hơn”: các nghệ nhân làm việc cẩn thận hơn, mặt trời chiếu sáng hơn, nhờ đó mà những viên kim cương dường như cũng tinh khiết hơn. Tất nhiên là không phải vậy. Khi kỹ thuật phát triển với sự xuất hiện của nhiều công cụ mới như máy tính, tia laser, nghề kim hoàn vươn tới những đỉnh cao mà các nghệ nhân trước đây không thể với tới được. Thế nhưng, bên trong món đồ vật xưa cũ luôn ẩn giấu những giá trị mà trang sức hiện đại không thể nào sánh được: cá tính, lịch sử, tâm hồn, sự trớ trêu, tinh thần tự do – các tiêu chuẩn không mang tính vật chất, nhưng rất quan trọng đối với ai thật sự bị cuốn hút bởi loại hình nghệ thuật này.

Ghim cài áo “Bông hồng Vanderbilt” ra đời năm 1855

Các nhà sưu tầm đồ cổ hàng đầu thế giới quen biết nhau cả. Họ là bạn bè, mà cũng là đối thủ của nhau, như những thợ săn thực thụ vậy. Vì có truyền thống lâu đời nên đa số các nhà kim hoàn đều hiểu rằng, điều quan trọng nhất trong nghề này là niềm tin của khách hàng. Chẳng hạn, Gary Collins – một người Anh – tự hào rằng, kể từ năm 2000, ông đã trở thành nghệ nhân kim hoàn riêng của Nữ hoàng Elizabeth II, chuyên thực hiện những đơn đặt hàng liên quan đến việc định giá, thay đổi và sửa chữa đồ trang sức của Hoàng gia. Ông sở hữu tất cả, từ những món đồ kim hoàn thời Victoria và Edward, cho đến những thứ tối giản mang phong cách hiện đại của hãng Georg Jensen.

Vòng tay bằng bạc và vàng gắn sapphire cỡ nhỏ hiệu Cartier, sản xuất năm 1940

Người được xem là có uy tín nhất trong giới sưu tầm đồ cổ có lẽ là Lee Siegelson ở New York. Là một học giả vĩ đại trong lĩnh vực của mình, ông sở hữu nhiều tác phẩm nghệ thuật kim hoàn đỉnh cao – những món đồ trang sức của những quý bà nổi tiếng nhất. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, những báu vật của Siegelson đã được trưng bày tại 15 bảo tàng. “Khóa bọ hung” trở thành một trong những hiện vật chủ chốt của triển lãm “Cartier và nước Mỹ” diễn ra tại San Francisco, còn “Bông hồng Vanderbilt” bằng kim cương được trưng bày tại Toronto, Huston và Chicago trong cuộc triển lãm “Bản chất của kim cương”. Van Cleef & Arpels đã chọn mặt dây chuyền trong bộ sưu tập của mình cho cuộc triển lãm tại Tokyo, còn Bulgari kết hợp ngọc lam với kim cương trong cuộc triển lãm kỷ niệm 125 năm ngày ra đời thương hiệu này.

Mẫu vòng cổ trứ danh gắn hồng ngọc và ngọc berin được Cole Porter mua tặng vợ

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bộ sưu tập của Lee Siegelson là ở Basel. Gian hàng khiêm tốn nằm trong góc khuất lúc nào cũng chật ních khách tham quan. Tôi đến đó mỗi ngày, như thể đến chốn hẹn hò vậy. Và tôi lập tức nhận ra rằng, không thể có thứ gì hoàn hảo hơn những gì được trưng bày tại đây. Và trong tương lai cũng không thể có. Không chỉ nhớ rõ mỗi mẫu vật qua những cuốn sách đã đọc, mà trí nhớ còn nhắc tôi từng cái tên của những người phụ nữ nổi tiếng trong quá khứ mà hình ảnh đã được các nhiếp ảnh gia lưu lại: nữ công tước xứ Winsor với sợi dây chuyền mã não của nhà kim hoàn Susan Belperon, Linda Porter với sợi dây đai thắt hờ trên cổ bằng lục ngọc bảo, quý bà Cornelius Vanderbilt III với bông hồng…  Tất cả những báu vật đó giờ đây đều thuộc sở hữu của một người: Lee Siegelson.
Trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất, ông nói với tôi rằng đã tìm được người mua cho “Bông hồng Vanderbilt”… Quý ông trung tuổi với mái tóc màu nâu sáng này không vội vã để lộ con át chủ bài của mình. Trước tiên, ông trò chuyện và thăm dò. Nhưng sau khi nghe người đối diện thốt lên những “mật khẩu” nào đó, ông tỏ ra thoải mái hẳn. Ông lấy từ trong két ra những món đồ trang sức của nữ công tước xứ Winsor. Dây chuyền và những chiếc vòng đeo tay được chế tác dựa trên thiết kế của Susan Belperon. Mã não, ngọc bích, một ít kim cương, bạch kim. Không một chi tiết thừa. Hoàn toàn không phải là thứ khiến các quý cô mê những món đồ lấp lánh ngày nay đổ xô đến. Một trong những món đồ nổi tiếng nhất thế kỷ XX. “Đúng vậy, ở đây gần như không có kim cương”, Siegelson nói, “nhưng có thứ mà người ta không thể mua được bằng bất cứ giá nào: đam mê”. Ông cho rằng, chỉ những người đặc biệt mới đủ khả năng đánh giá vẻ đẹp của những sản phẩm như thế này. Trên khắp thế giới, chỉ có một vài người muốn mua những món trang sức ở cấp độ này. “Chẳng hề gì, chúng đã quen chờ đợi, bởi chúng mang trong mình những giá trị vĩnh hằng!”.