Được chế tạo bởi những thương hiệu nổi tiếng, các chuyên cơ và trực thăng trong bài viết đều sở hữu thiết kế tối ưu, mang đến trải nghiệm xa xỉ bậc nhất trên bầu trời.

Trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang làm mưa làm gió, từ khóa gây sốt của ngành hàng không dân dụng năm nay hẳn là những chiếc máy bay cất/hạ cánh lên thẳng thuần điện (electric Vertical Take Off and Landing – eVTOL).

Khởi nguyên từ năm 1947, thế nhưng phát kiến này tỏ ra “quá tầm” so với trình độ công nghệ đương thời cho đến khi xu hướng điện hóa bất ngờ ập đến khoảng một thập kỷ trước, cuộc chơi mới thực sự bắt đầu. Những cỗ máy vận hành thuần điện này sở hữu các lợi thế rất hợp thời: nhẹ hơn, “sạch” hơn, “im ắng” hơn
trực thăng hàng trăm lần, mà lại dư thừa biện pháp an toàn nếu chẳng may một bên động cơ gặp trục trặc. Năm qua, cuộc đua càng gay gắt hơn. “Theo quan sát của chúng tôi, chỉ vỏn vẹn 260 thiết kế mới ra đời trong 3 năm qua”, Mike Hirschberg, giám đốc Vertical Flight Society, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ phát triển VTOL, cho hay.

“Giờ thì mỗi tuần đều có ít nhất một thiết kế ra đời. Điện năng là cuộc cách mạng thứ ba trong lịch sử ngành hàng không”. Với sự xuất hiện của các cỗ máy tương lai này, thị trường hàng không bỗng hóa “mỏ vàng” thu hút nhiều tay chơi lớn nhỏ. Các “gã khổng lồ” của ngành chế tạo máy bay thương mại lần lượt ra mắt concept eVTOL, các hãng ôtô Á Đông cũng rót đầu tư không nhỏ. Nielsen dự đoán tỉ lệ tăng trưởng thường niên sẽ khoảng 15% trong 6 năm tới, với giá trị thị trường ước tính 524 triệu USD vào năm 2025. Ngoài eVTOL, thị trường vẫn có các đại diện truyền thống không thể không nhắc đến sau đây.

Chuyên cơ

Với G700, mỗi số đo đều thể hiện một sự cách tân cao độ. Không gian cabin nhỉnh hơn 3 mét so với mẫu G650 trước đó đồng nghĩa khách bay sẽ thư giãn với buồng tắm riêng trong phòng ngủ trên chuyến bay xuyên đại dương. Kệ bếp dài 3 mét được chất đầy “đồ nghề” cũng như cho phép các đầu bếp riêng mặc sức chuẩn bị các bữa tiệc thịnh soạn giữa chín tầng mây.

Ngoài ra, sự sang trọng lại toát lên từ các chi tiết nhỏ trong chiếc chuyên cơ Gulfstream này: những vân gỗ hài hòa, mũi khâu tỉ mỉ, đường cong hoàn mỹ trong ca-bin. Chỉ với thao tác đơn giản trên ứng dụng smartphone, khách có thể đóng mở rèm che trên ô cửa sổ ô-van lớn thu trọn nắng trời, trong khi đang ngả lưng thư giãn trên ghế ngồi bọc da trắng có thiết kế công thái học hoàn hảo, dưới ánh sáng dịu nhẹ của đèn LED có công suất nhỏ nhất chỉ 2 watt.

Trải nghiệm tiêu khiển cũng được nâng lên một tầm cao mới với màn hình 43 inch cùng âm thanh đỉnh cao tạo nên bởi bộ chuyển đổi năng lượng thành thanh âm được giấu kín sau vách máy bay. Đèn mô phỏng nhịp sinh học đồng bộ múi giờ nhanh chóng, mang đến giấc ngủ sâu nếu phải bay đêm. Chưa kể, cặp động cơ Rolls-Royce Pearl 700 “thửa riêng” mang đến khả năng cải thiện 5% hiệu suất đốt nhiên liệu.

Siêu chuyên cơ cỡ trung

Là phiên bản cải tiến “từ đầu đến đuôi” của Legacy 500, Praetor 600 sở hữu những món “đồ chơi” thú vị, đáng chú ý là hệ thống điện tử giúp phi công “dễ thở” hơn trong khoang lái. Hệ thống này giúp máy bay chuyển hướng mượt mà, góp phần tối ưu khí động học, đồng nghĩa với việc hiệu năng đốt nhiên liệu được đẩy lên tối đa trong khi rung lắc trong chuyến bay lại ở mức tối thiểu.

Với lượng nhiên liệu mang theo nhỉnh hơn 20%, cặp động cơ Honeywell HTF7500E của Praetor 600 cho lực đẩy tốt hơn Legacy 500, cùng tầm bay xa ấn tượng nhất: gần 6.500km. Cabin mới nâng cấp với sàn khoang bếp lát đá sang trọng, bộ ghế ngồi khâu chỉ tỉ mỉ, dễ dàng ngả phẳng, mang đến trải nghiệm thoải mái nhất cho hành khách.

Chuyên cơ hạng nhẹ

Pilatus PC-24

Xưa nay, khả năng “cày” đường băng off-road không phải là yếu tố chính để thu hút các vị khách lắm của nhiều tiền có ý định sắm chuyên cơ. Pilatus PC-24 lại là một câu chuyện khác.

Chuyên cơ 6 chỗ ngồi của thương hiệu Thụy Sĩ có thể cất cánh từ bất kỳ đường băng nào dù chỉ dài vỏn vẹn 900m, trước khi “tung hoành” giữa trời xanh ở tốc độ hơn 800km cho quãng đường tối đa 3.300km. Khả năng cơ động đáng kinh ngạc này quả là tin tốt lành đối với hàng ngàn khách bay cá nhân ở địa thế xa xôi, khoảng cách đến sân bay gần nhất cũng ngót trăm dặm. PC-24 cũng sở hữu khoang lái hiện đại, thiết kế tối ưu, còn cabin tiện nghi xứng tầm bậc nhất. Quả là một đối thủ đáng gờm đối với bất cứ chiếc chuyên cơ nào trong phân khúc hạng nhẹ.

Trực thăng

Airbus ACH130 Aston Martin Edition

ACH130 Aston Martin Edition toát lên một thần thái riêng với DNA của thương hiệu Anh quốc “chảy” trong từng chi tiết. Những sắc màu đặc trưng – xanh Stirling Green, đen Jet Black và bạc Skyfall Silver – phủ bên ngoài ngoại thất khí động học của trực thăng – một cỗ máy cơ khí quyến rũ đến mức đã “chốt” ngay được một vị chủ nhân chỉ sau vài tuần ra mắt.

Nội thất theo kiểu xe thể thao đã tiêu tốn cả năm trời hợp tác giữa các nhà thiết kế Aston Martin và nhóm hoàn thiện tại tổng hành dinh Airbus Helicopter ở Anh quốc. Ghế ngồi bọc da Oxford Tan mô phỏng DB11, trong khi phần còn lại bọc da lộn ultra-suede. Cửa sổ rộng từ trần xuống sàn thu vào những quang cảnh vô cùng ngoạn mục, trong lúc trực thăng vun vút ở tốc độ tối đa gần 250km/h.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Mười Hai mang chủ đề “Best Of The Best”)