Trải qua quá trình tuyển chọn và rèn luyện khắc nghiệt với tỷ lệ trúng tuyển chỉ 0,065%, các ứng viên mới có cơ hội trở thành những phi hành gia thực thụ, bay vào không gian và mở rộng chân trời khám phá của con người.

Tiêu chí cơ bản mà NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) đặt ra đối với các ứng viên phi hành gia là họ phải có bằng Thạc sĩ trong lĩnh vực STEM, gồm Kỹ thuật, Khoa học sinh học, Khoa học vật lý, Khoa học máy tính từ một tổ chức được công nhận. Tiếp theo đó, các ứng viên phải đạt ít nhất 2 năm kinh nghiệm chuyên môn liên quan đến ngành học, hoặc 1.000 giờ lái máy bay phản lực. Cuối cùng, ứng viên được chọn phải vượt qua được bài kiểm tra thể chất của NASA.

Năm 2016, số lượng đơn ứng tuyển gửi về NASA đã đạt con số kỷ lục: 18.300 ứng viên, và chỉ có 12 người trong số đó được chọn.

12 ứng viên được NASA lựa chọn năm 2017 (Ảnh: NASA)

Được ngắm nhìn Trái Đất từ không gian là một “đặc quyền” không dễ gì có được, hãy cùng tìm hiểu một vài điều thú vị về cuộc sống của các phi hành gia khi họ đang “trôi nổi” ngoài không gian:

1. Astronaut (phi hành gia) là một từ được NASA tạo ra, với nguồn gốc từ các từ trong tiếng Hy Lạp – Asitron (ngôi sao) và Nautes (thủy thủ). Cơ quan Vũ trụ Liên Xô sử dụng một thuật ngữ tương tự – Cosmonaut, có nghĩa là “thủy thủ ngoài vũ trụ”.

2. Bộ quần áo vũ trụ của các phi hành gia nặng khoảng 127kg, với một đường ống dài 90m để điều chỉnh toàn bộ hệ thống làm mát. Đây không chỉ đơn thuần là một bộ quần áo mà các phi hành gia mặc trên các chuyến du hành mà còn được trang bị đầy đủ như phi thuyền một người để bảo vệ phi hành gia khỏi những nguy hiểm khi ở ngoài không gian. Tên chính thức của bộ quần áo vũ trụ được sử dụng trên tàu con thoi và Trạm vũ trụ quốc tế là Extravehicular Mobility Unit (tạm dịch: Đơn vị di động ngoại vi).

Ảnh: NASA

Bộ quần áo vũ trụ cũng cung cấp oxy cho các phi hành gia để thở khi họ di chuyển trong chân không. Chúng chứa nước để họ uống trong các chuyến đi bộ ngoài không gian, và bảo vệ họ khỏi bị thương trước tác động của những hạt bụi nhỏ không gian. Bụi không gian nghe có vẻ không nguy hiểm lắm, nhưng khi một vật thể nhỏ bé di chuyển với tốc độ nhanh gấp nhiều lần một viên đạn, nó hoàn toàn có thể gây thương tích. Bộ quần áo vũ trụ cũng bảo vệ các phi hành gia khỏi bức xạ trong không gian và có kính che mặt để bảo vệ mắt của họ khỏi ánh nắng.

Ảnh: NASA

3. Trái tim của các phi hành gia có thể bị giảm kích cỡ sau một thời gian dài du hành không gian, và hình dạng của nó có thể trở nên giống hình cầu hơn. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do tiếp xúc với vi trọng lực (microgravity) và điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tim.

Ảnh: NASA

4. Các phi hành gia có thể cao thêm khoảng 3% trong thời gian sống ngoài không gian. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng khi cột sống không tiếp xúc với lực hút Trái đất, các đốt sống có thể mở rộng và giãn ra, khiến các phi hành gia thực sự cao thêm. Tuy nhiên khi quay trở lại Trái Đất, chiều cao của họ sẽ trở lại bình thường sau vài tháng. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể kiểm tra cột sống của phi hành gia khi nó chịu tác động của vi trọng lực.

Ảnh: NASA

5. Các phi hành gia không giặt quần áo trong khi thực hiện nhiệm vụ ngoài không gian, họ mặc quần áo của mình cho đến khi chúng quá bẩn rồi bỏ ra ngoài để chúng cháy rụi trong khí quyển. Quần áo mới được tàu chở hàng mang lên từ Trái Đất cùng các hàng hóa khác.

Mới đây, NASA và Procter & Gamble, chủ sở hữu của thương hiệu bột giặt Tide, đã hợp tác để tìm giải pháp giặt quần áo trên Trạm Không gian Quốc tế (International Space Station – ISS). Chuyến hàng đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2022, được đặt tên là Mission PGTide. Nó sẽ vận chuyển chất tẩy rửa được kiểm tra tính ổn định của các thành phần trong điều kiện vi trọng lực và tiếp xúc bức xạ.

Ảnh: NASA

6. Tập thể dục trong không gian là điều cần thiết để ngăn ngừa các bệnh về xương và cơ ở các phi hành gia khi họ sống trong khoảng thời gian dài ở môi trường vi trọng lực. Thời gian tập thể dục trung bình của mỗi người là 2 giờ/ngày trên các thiết bị được thiết kế đặc biệt.

Ảnh: NASA

7. Muối, tiêu và đường không được phép mang lên tàu vũ trụ. Những thực phẩm dạng hạt này có thể gây ra nhiều “rắc rối” trong môi trường vi trọng lực, vì vậy các phi hành gia sử dụng chúng ở dạng chất lỏng trong thời gian họ sống ngoài không gian.

8. Để làm sạch cơ thể, phi hành gia sử dụng một miếng vải ẩm có xà phòng để lau người. Toàn bộ lượng nước tiêu thụ trên tàu đều được chuyển từ Trái Đất và “món hàng xa xỉ” này được chia khẩu phần cho mỗi thành viên của phi hành đoàn.

Ảnh: NASA

9. Các phi hành gia cần phải học tiếng Nga. Kể từ khi chương trình Tàu con thoi của NASA chấm dứt vào năm 2011, tàu vũ trụ Soyuz của Nga là phương tiện duy nhất để du hành tới Trạm Không gian Quốc tế. Tất cả bảng điều khiển được viết bằng tiếng Nga, vì vậy mọi thành viên của phi hành đoàn đều phải biết ngôn ngữ này.

10. Trạm Không gian Quốc tế quay quanh Trái Đất 90 phút một lần, vì thế các thành viên của phi hành đoàn được chứng kiến 16 lần bình minh và 16 lần hoàng hôn mỗi ngày.

Trạm Không gian Quốc tế (Ảnh: NASA)