Với sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo, liệu virtual influencer có trở thành công cụ marketing cho các thương hiệu xa xỉ?
200 năm trước, có ai nghĩ rằng con người có thể trò chuyện trực tiếp với người khác cách nửa vòng trái đất? Và có ai tin được rằng một cô người máy như Sophia lại được một quốc gia giàu có như Saudi Arabia trao quyền công dân để có thể “kết hôn” và “sinh nở” giống như người thực?
Tất cả những điều này đang cho thấy tác động mạnh mẽ của công nghệ đến cuộc sống của con người. Thuyết singularity (điểm kỳ dị công nghệ) đang cho thấy một thực tế rằng, công nghệ có thể phát triển mạnh mẽ đến mức tạo ra trí thông minh nhân tạo vượt qua cả trí tuệ và khả năng kiểm soát của nhân loại.
Kỷ nguyên fembot và virtual influencer
Fembot là thuật ngữ chỉ những người máy trong hình dạng nữ giới. Năm 2014, cộng đồng mạng dậy sóng với sự xuất hiện của That Poppy, một cô gái có mái tóc vàng, đôi mắt nâu to tròn cùng trang phục màu hồng pastel yêu thích. Tò mò, phấn khích và hoang mang là trạng thái chung của công chúng khi tận mục sở thị một cô gái vô cùng xinh đẹp nhưng lại có giọng nói bí ẩn như robot với cấu trúc câu đơn giản và thường xuyên lặp lại – những yếu tố được cho là bất bình thường trong cuộc sống thực.

Đầu năm 2016, Louis Vuitton bắt đầu khởi sự một xu hướng mới không liên quan đến kiểu dáng váy áo, túi xách hay giày dép, mà là với người mẫu ảo. Hãng thời trang danh tiếng này đã khai thác một nhân vật hoạt hình có tên gọi Lightning Farron cho chiến dịch quảng cáo Xuân/Hè của mình. Cùng với các người mẫu Rianne Van Rompaey, Sarah Brannon, Jean Campbell, Fernanda Ly, Doona Bae và Jayden Smith, Lightning xuất hiện trên các billboard quảng cáo trong trang phục thanh thoát cùng những chiếc túi xách sang trọng. Người mẫu ảo trong chiến dịch này được Giám đốc sáng tạo của hãng Nicolas Ghesquière gọi là “biểu tượng hoàn hảo của người phụ nữ toàn cầu trong một thế giới, nơi các mạng xã hội và truyền thông kết nối liền mạch vào cuộc sống của con người”.
Cuối năm ngoái, sự kiện Saudi Arabia trao quyền công dân cho người máy Sophia đã gây ra nhiều tranh cãi xoay quanh sự bình đẳng về quyền con người cũng như viễn cảnh sống chung giữa con người và người máy. Được thiết kế để trông giống như minh tinh Audrey Hepburn với vẻ đẹp cổ điển, Sophia thu hút sự chú ý của công chúng khi thường xuyên được mời đến “giao lưu” tại các chương trình truyền hình như CNBC hay thậm chí trở thành khách mời đặc biệt của Diễn đàn cấp cao về 4.0 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 13.07 vừa qua tại Hà Nội.

Tháng 2 năm 2018, thương hiệu mỹ phẩm Fenty Beauty của Rihanna đã chia sẻ một hình ảnh trên Instagram của Shudu, một người mẫu da màu mới xuất hiện đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng xã hội. Trong màu son độc đáo của Fenty Beauty, với vóc dáng mảnh khảnh, làn da tối màu cùng gương mặt rất ấn tượng, Shudu đã khiến cả các tín đồ thời trang lẫn cộng đồng mạng hoang mang vì không thể hình dung được mẫu nữ này chỉ là sản phẩm công nghệ do nhiếp ảnh gia kiêm nghệ sĩ Cameron-James Wilson tạo ra bằng kỹ thuật 3D. Tính đến thời điểm này, trang Instagram của “siêu mẫu công nghệ” này đã thu hút gần 129.000 người theo dõi. Trang BBC gọi tài khoản Instagram của Shudu là một công cụ marketing mới hữu hiệu, đặc biệt là các thương hiệu thời trang, trong việc chinh phục các thị trường mới. Có vẻ như kỷ nguyên của các nhân vật gây ảnh hưởng ảo (virtual influencer) đang bắt đầu.
Cái tên dễ nhận biết nhất trong giới người mẫu ảo này có lẽ là Lil Miquela. Kể từ lần selfie đầu tiên vào năm 2016, cô đã tham gia vào các shoot ảnh quảng bá show thời trang Thu-Đông 2018 của Prada qua Instagram, và làm mẫu cho dòng sản phẩm trang điểm của Pat McGrath. Trong một bộ hình, cô người mẫu này diện quần sa-tanh và áo blouse đen trắng hiệu Chanel. Trong một bức hình khác, Miquela diện áo khoác kẻ sọc phối với ba lô hiệu Burberry, đứng nhìn xa xăm qua hàng rào. Miquela còn tung ra bộ sưu tập trang phục và trang sức riêng, thậm chí giới thiệu cả MV trên Spotify, và xuất hiện trên trang bìa tờ New York Times số 2.2018.
(Đọc phần 2 tại đây)