Những công trình kiến trúc được hy vọng sẽ thay đổi diện mạo của các thành phố sầm uất nhất châu Á trong năm 2018. 
Tháp Leeza Soho
Bắc Kinh, Trung Quốc
Công ty kiến trúc Zaha Hadid Architects chắc hẳn đang nóng lòng chờ ngày khánh thành của nhiều dự án sắp hoàn thiện trong năm 2018, bao gồm cả một vài khách sạn cực kỳ ấn tượng. Tuy nhiên, có lẽ thiết kế được mong chờ nhất chính là tòa nhà chọc trời Leeza Soho cao 207 mét, với điểm nhấn là giếng trời cao nhất thế giới.
Nằm trong khu tài chính Lize, một cửa ngõ kinh tế và đô thị mới nổi lên ở phía Tây Nam Bắc Kinh, tòa nhà 46 tầng Leeza Soho cung cấp 1,4 triệu m2 diện tích mặt sàn dành cho văn phòng, còn lại là khu vực thương mại, trung tâm mua sắm. Được thiết kế bởi chính cố kiến trúc sư Zaha Hadid, tòa tháp bị chia đôi bởi tuyến tàu điện ngầm dưới lòng đất, và được kết nối bởi một giếng trời khổng lồ tại chính giữa. Càng vươn lên cao, thiết kế giếng trời lại xoắn 45 độ để định hướng các tầng cao hơn theo chiều Đông Tây trên trục đường Lize.

Hình dáng độc đáo của hai tòa nhà tạo nên hai phần sườn hở chạy dọc thân tháp, cung cấp ánh sáng tự nhiên một cách dồi dào và cả khung cảnh tuyệt đẹp của thành phố cho mỗi tầng. Những hành lang nối giữa hai tòa nhà sẽ được bắc cầu ở những tầng khác nhau, và toàn bộ tòa tháp được bao bọc bởi một bộ khung kính duy nhất bảo vệ. Với hai lớp kính được đặt xéo nhau để tạo độ thoáng khí, lớp vỏ bên ngoài giúp cho nhiệt độ trong tháp được ổn định mặc cho sự khắc nghiệt của khí hậu tại Bắc Kinh. Được kết nối với hệ thống trung chuyển phía dưới, một khu vực công cộng được bố trí nằm ở tầng dưới cùng của giếng trời, kéo dài từ khu vực phía ngoài bao quanh tòa tháp.
“Trung Quốc có khả năng thu hút những tài năng xuất sắc nhất trên thế giới”, giám đốc điều hành của Soho China, Zhang Xin cho biết. “Điều quan trọng nhất là cơ hội làm việc cùng với những kiến trúc sư có thể hiểu được mong muốn của thế hệ kế tiếp, có thể kết nối được cộng đồng và truyền thống nhờ công nghệ tân tiến để hướng tới tương lai.” Bằng hệ thống vận hành dựa trên điều kiện môi trường trong thời gian thực, Zaha Hadid Architects mong muốn duy trì mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu và hạn chế khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật
Đài Bắc, Đài Loan
Có những công trình cần phải chăm chú quan sát để cảm nhận được sự đặc biệt, và ngược lại, có những kỳ quan như Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật tại Đài Bắc, bạn sẽ choáng ngợp ngay từ giây phút đầu tiên. Cấu trúc của tòa nhà thể hiện sự độc đáo trên cấp độ toàn cầu, thế nhưng điều thú vị của thiết kế này nằm ở việc kiến trúc sư chỉ lựa chọn hai hình dạng cơ bản nhất và kết hợp chúng lại: hình cầu và hình vuông. Không chỉ mang tới cảm giác ngỡ ngàng, thích thú khi khám phá nơi đây, trung tâm còn đem tới nhiều trải nghiệm khác nhau với các cụm rạp đa chức năng. Ắt hẳn người dân Đài Bắc đang rất nóng lòng ngày mở cửa bởi công trình này đã được xây dựng trong suốt gần một thập kỷ qua.

Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật sẽ là nhà của ba khán phòng cao cấp, bao gồm một nhà hát rộng 1.500 chỗ ngồi, một sân chơi phức hợp 800 chỗ ngồi và khán phòng hình cầu khổng lồ. Được thiết kế bởi công ty OMA do kiến trúc sư đại tài Rem Koolhaas thành lập, mỗi thính phòng có thể hoạt động độc lập, nhưng cũng có thể chia sẻ không gian hậu trường và cơ sở vật chất kỹ thuật như ánh sáng, bối cảnh,…. “Sự sắp xếp này cho phép các sân khấu có thể gộp chung lại phục vụ cho những bối cảnh và mục đích sử dụng bất ngờ. Thiết kế này mang lại những ưu điểm của tính cụ thể cộng với khả năng ứng biến tự do,” Koolhaas giải thích. “Trung tâm biểu diễn là một câu trả lời của thời đại với trạm tàu điện ngầm Jiantan hình thuyền rồng và khu chợ đêm Shilin nổi tiếng nhất Đài Bắc, chuyển hóa năng lượng của cuộc sống đường phố để nâng tầm nhịp sống hiện đại,” ông nói thêm.
Paradise City
Seoul, Hàn Quốc
Mang cái tên mỹ miều Thành phố Thiên đường, đây là một trung tâm giải trí tọa lạc tại điểm đến du lịch mới của thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Cấu thành từ hai tòa nhà “anh em” Sandbox và Nightclub cùng chung ngôn ngữ kiến trúc, Paradise City tạo thành một tổng thể độc đáo với phong cách siêu thực.
­
Ngay từ trên máy bay chuẩn bị đáp xuống sân bay Incheon gần đó, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một điểm vàng khổng lồ trôi nổi trên một tòa nhà, bao trùm ra cả quảng trường phía trước. Điểm nhấn trang trí đặc biệt đánh dấu lối vào của Nightclub, thể hiện sự tương phản sắc nét với nội thất màu trầm bên trong. Không có lấy một chiếc cửa sổ, khối bê-tông khổng lồ kín mít che giấu một trung tâm mua sắm bí mật và các câu lạc bộ đêm. Với bài toán làm sao để tạo nên một mặt tiền thú vị trong khi không hé lộ hết công trình, công ty kiến trúc MVRDV đã giải quyết bằng cách lặp lại những yếu tố kiến trúc của môi trường xung quanh và mạnh tay “bóp méo” chúng. Như một kết quả được tính toán cẩn thận, những tòa nhà bê-tông khổng lồ được uốn nắn thật mềm mại ở những góc cạnh. Vẫn giữ được sự bí ẩn kích thích trí tò mò, hai tòa nhà kết nối với tổng thể quy hoạch và mang tới cảm giác đương đại.

“Một góc của tòa nhà Sandbox bị kéo lên như tấm màn, hé lộ phần nội thất bên trong. Để tạo nên cổng vào tương xứng ở Nightclub, chúng tôi đặt một điểm vàng khổng lồ với cái tên Tia nắng, một sáng tạo đặc biệt dành cho những hành khách đang ở trên không,” nhà sáng lập MVRDV Winy Maas chia sẻ. 
China Resources Headquarters
Thẩm Quyến, Trung Quốc
Toà nhà trụ sở của công ty Tài nguyên Trung Quốc nằm ngay trung tâm quận Houhai tại Thẩm Quyến năng động. Tòa tháp chọc trời này thuộc quy hoạch tổng thể của khu tài chính Tài nguyên Trung Quốc, được bao bọc bởi vịnh Thẩm Quyến ở phía Đông, khu Liên hợp Thể thao Thẩm Quyến ở phía Bắc và vành đai xanh ở phía Nam.
Nhìn từ vịnh Thẩm Quyến vào đất liền, công trình hiện lên như một biểu tượng mới của thành phố công nghệ. Với vị trí chiến lược, tòa tháp được kết nối bởi hệ thống giao thông công cộng ngầm. Hơn thế nữa, trải nghiệm của tòa nhà còn được nâng cấp bởi công viên thực vật liền kề, nơi có nhà triển lãm bằng kính MixC nối cùng quảng trường tạo nên một không gian gắn kết với sảnh chính tòa nhà, dẫn vào một thế giới mới với viện bảo tàng, không gian bán lẻ, và thính phòng.

Độ thẳng đứng của tháp và hình dáng điêu khắc độc đáo được cường điệu hóa bởi những cột trang trí bọc ở ngoài. 56 cột này sẽ hội tụ thành 28 cột dọc ở phần đáy và phần gần đỉnh tháp, bắt vào nhau theo những đường chéo. Thiết kế hình học này không chỉ tăng cường tính nhất quán cho cấu trúc của tòa nhà, mà còn tạo ra hiệu ứng thị giác độc đáo và các chức năng bổ sung. Tại tầng một, kết cấu mở ra thành một cổng chào, trong khi đó trên đỉnh, những cột sắt chụm lại làm một, tạo nên hình dáng nhọn hoắt biểu tượng của tòa nhà. Hệ thống chịu lực đặc biệt này cho phép không gian nội thất bên trong không bị ngăn cách bởi những cột đỡ.
“Sảnh trời” nằm trong đỉnh tòa nhà có chức năng làm nơi tổ chức sự kiện, với tầm nhìn bao quát toàn thành phố, thậm chí còn kéo dài sang tận Hồng Kông.
Sân bay Istanbul Mới
Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ
Cửa ngõ hoành tráng dẫn tới Istanbul và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một sân bay hiện đại và hiệu suất cao với những dấu ấn mang ảnh hưởng văn hóa của thành phố lịch sử này. Do kiến trúc sư danh tiếng Nicholas Grimshaw thiết kế và phối hợp cùng một nhóm kiến trúc sư quốc tế, Sân bay Istanbul Mới sẽ được trang bị sáu đường băng kề bên bờ biển đen.
Cảng hàng không được thiết kế để mang tới cho hành khách sự chuyển đổi dễ dàng từ mặt đất lên trên máy bay cùng cảm giác rộng rãi và dễ điều hướng. Với kết cấu hai tầng rưỡi, cùng một sảnh trung tâm rộng thênh thang kết nối các cửa ra máy bay ở mỗi đầu, đây sẽ là sân bay lớn nhất thế giới khi hoàn thành hết các giai đoạn.

Phục vụ 150 triệu khách một năm, công trình hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thoải mái và tiện nghi khi đặt chân tới quốc gia nằm giữa lục địa Á-Âu này. Cảm hứng thiết kế chủ đạo của sân bay chính là những đặc điểm kiến trúc của Istanbul, một thành phố giàu bản sắc cùng bề dày lịch sử từ thời Byzantine (đế quốc La Mã). Đặc trưng dễ nhận thấy nhất chính là trần nhà hình vòm đâm xuyên qua cửa sổ, dùng để khuếch tán ánh sáng tự nhiên và tạo ra một không gian mở bị che chắn. Các chùm sáng tự nhiên được hội tụ lại và tạo nguồn sáng cho những khu vực quan trọng trong cảng hàng không như khu check-in, an ninh, hải quan, và khu vực mua sắm.
Bảo tàng Quốc gia Qatar
Abu Dhabi, Qatar
Chưa từng thiết kế một công trình tầm thường, kiến trúc sư Jean Nouvel đem một kỳ quan của vũ trụ tới Abu Dhabi. Được mệnh danh là Louvre của Trung Đông, Bảo tàng Quốc gia của Qatar lấy cảm hứng từ loài hoa hồng sa mạc, khác thường với cấu trúc tạo bởi những chiếc đĩa tròn cắt nhau liên hoàn trong tông màu be hòa cùng thiên nhiên. Không gian triển lãm sẽ trưng bày những hiện vật liên quan đến các chủ đề quen thuộc của đất nước như dầu khí, thương mại và vịnh Ba Tư.
Nhằm thể hiện niềm tự hào và truyền thống của người dân Qatar, đồng thời mang đến cho du khách quốc tế một cuộc đối thoại về hiện đại hóa, Bảo tàng Quốc gia sẽ có một triển lãm cố định sử dụng toàn bộ các bức tường làm màn hình chiếu phim. Ngoài ra, mỗi khách thăm quan sẽ được phát một thiết bị di động cầm tay để điều hướng tuyến đi, đồng thời giúp giải thích từng món đồ trong các bộ sưu tập.

Điểm độc đáo của công trình này chính là việc được xây dựng bao quanh công trình lịch sử lâu đời Fariq Al Salatah Palace, vốn là Bảo tàng Di sản từ năm 1975. Thiết kế của Jean Nouvel thể hiện cả khía cạnh tích cực, năng động của một công trình hiện đại và cả bản sắc đậm chất Quatari theo hình mẫu hoa hồng trồi lên giữa sa mạc tỏa hương sắc. Nằm ở trên mảnh đất khổng lồ rộng 139355m2 cuối phía Nam của Corniche Doha, đây sẽ là công trình kiến trúc đầu tiên mà du khách nhìn thấy khi di chuyển từ sân bay vào trung tâm.
Nanjing Green Towers
Nam Kinh, Trung Quốc
Bất cứ ai quan tâm tới kiến trúc hiện đại của thành phố Milan cũng sẽ nhận ra công trình Nanjing Green Towers được sáng tạo bởi Stefano Boeri. Tác phẩm Vertical Forest của ông tại Milan là một ví dụ điển hình tuyệt vời về kiến trúc xanh, với 1.100 cây bao gồm 23 loài cây địa phương và 2.500 cây dựng thẳng đứng. Năm nay, kiến trúc sư 61 tuổi đem màu xanh đến với Trung Quốc, Nanjing Green Towers sẽ là khu rừng thẳng đứng đầu tiên của châu Á, một cột mốc quan trọng cho khu vực đang bị tàn phá nặng nề bởi khí thải carbon dioxide. Tòa nhà chọc trời cao 200m của Boeri sẽ bao gồm văn phòng, bảo tàng, một trường kiến trúc, một câu lạc bộ tầng thượng và một khách sạn.

Nằm ở quận Nanjing Pukou mới nổi, hai tòa tháp nổi bật với những bể chứa và ban công xanh độc đáo, lấy theo hình mẫu của công trình Vertical Forest. Dọc theo bốn mặt là 600 cây cỡ lớn, 500 cây cỡ vừa, cùng với 2.500 cây bụi bao phủ 6.000 m2, rừng thực vật thẳng đứng hứa hẹn sẽ tái tạo đa dạng sinh học, tiêu thụ 25 tấn khí CO2 mỗi năm và sản xuất 60 kg ôxy mỗi ngày.
Six Senses Bhutan
Paro, Bhutan
Bắt đầu đón khách vào mùa xuân 2018, Six Senses Bhutan sẽ là kỳ quan nghỉ dưỡng ngoạn mục nhất được ra mắt. Đất nước Bhutan vẫn là một trong những điểm thăm quan hoang sơ nhất châu Á, một quốc gia ẩn giấu sự duyên dáng và niềm hạnh phúc bao la. Tận dụng tối đa điều này, Six Senses mang tới những nhà nghỉ ấm cúng, hòa quyện lấy thiên nhiên hùng vĩ.

Điều tuyệt vời nhất tại khu nghỉ dưỡng này chính là sự pha trộn khéo léo kiến trúc địa phương với những nhu cầu của du khách quốc tế, tạo nên sự hài hòa đặc trưng của Six Senses. Nếu không tin hãy nhìn ngắm hồ bơi chính kề bên những thửa ruộng bậc thanh xanh rì cùng những triền núi lấp ló. Với 82 phòng suite được chia thành 5 khu vực riêng biệt, mỗi một lựa chọn sẽ mang tới một tầm nhìn ngoạn mục khác nhau. Cụm nhà nghỉ ở Punakha sẽ nằm trên sông Mo Chu êm đềm, còn cụm Gantey sẽ bao quát toàn bộ thung lũng Phobjika hoang vu. Không chỉ đem tới một tầm nhìn khác, mà còn một cảm giác mới mẻ lạ lẫm ở từng khu nghỉ. Bạn sẽ tìm thấy sàn gỗ, đá địa phương và các chi tiết da ở Gangtey, cách bày trí của trang trại truyền thống tại Punakha, một khu rừng ngay trong một khu rừng tại Bumthang và cảm giác cổ kính của tàn tích tại Paro.