Điều gì sẽ xảy ra trong não khi các sóng âm thanh tr thành âm nhạc và âm nhạc tr thành cảm xúc.
Âm thanh của Bản giao hưởng số 5 của Mahler khiến bạn choáng ngợp. Vẻ đẹp của đàn dây và tiếng ngân vang đầy mê hoặc của kèn trumpet khiến mắt bạn ngấn lệ, và đâu đó trong tâm hồn mình, bạn nhận ra nỗi tuyệt vọng và cả những ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc sống. Rồi bạn nhấn nút, chất giọng bass với bản tình ca ngọt ngào của Leonard Cohen chợt đánh thức những ký ức bị lãng quên trong bạn trước khi chuyển sang giai điệu sôi động của Pharrel Williams và chân bạn bắt đầu nhún nhảy, khuôn mặt bạn tỏa ra một nụ cười rạng rỡ.
Những giai điệu của Bach và tiếng hát của David Bowie không thể nào bị giam hãm trong căn phòng cách âm. Âm nhạc chính là những sóng âm thanh được truyền đến não, từ đó chạm vào các cung bậc cảm xúc và khiến ta run rẩy. Thế nhưng, mặc dù não bộ vẫn còn là điều bí ẩn đối với các nhà khoa học, chúng ta đều biết rằng âm nhạc tác động đến một số vị trí bên trong não và nhiều chức năng tại đây bắt đầu được kích hoạt khi tiếp xúc với âm nhạc.

Âm nhạc có thể khiến bạn vui, buồn hoặc chìm đắm trong thế giới của riêng mình

Đó là lý do vì sao các nhà nghiên cứu về bộ não con người rất quan tâm đến âm nhạc bởi họ có thể tìm hiểu được nhiều điều về các chức năng của não khi chúng tiếp xúc với âm nhạc của Bach và Bestie Boys.
Một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về mối tương quan giữa âm nhạc và não bộ là nhà khoa học (kiêm nhạc sĩ) Peter Vuust đến từ trung tâm nghiên cứu “Music in the Brain”, thuộc Đại học Aarhus, Đan Mạch. Ông giải thích về mức độ ảnh hưởng của âm nhạc đối với con người theo bốn cách. Chúng ta lĩnh hội âm nhạc, âm nhạc khiến ta hành động, chúng ta sử dụng nhạc cụ để thể hiện âm nhạc, và âm nhạc tác động đến cảm xúc của chúng ta.
Đó cũng là lý do vì sao các nhà nghiên cứu không ngừng theo đuổi bốn khía cạnh: sự lĩnh hội, hành động, học hỏi và cảm xúc. “Điều tuyệt vời ở chỗ là chúng tôi không chỉ nghiên cứu về mức độ tương tác giữa não và âm nhạc, mà còn có cơ hội được hiểu hơn về cách thức hoạt động của bộ não nói chung”, Peter Vuust cho biết.

Âm nhạc có thể vượt qua mọi rào cản vị trí, ngôn ngữ, tuổi tác…

S thăng hoa
Âm nhạc khiến bạn thăng hoa. “Chill effect” là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để chỉ trạng thái khi cơ thể bạn dường như không chứa nổi dòng chảy cảm xúc đang dâng trào, và bạn cảm thấy giống như nhân vật Ren trong bộ phim Footloose dành cho tuổi mới lớn vào thập niên 1980, hay như cậu bé Elliott trong bộ phim kinh điển E.T của đạo diễn Steven Spielberg. Các nhà nghiên cứu người Canada đã chứng mình rằng sở dĩ có hiện tượng này là bởi não tiết ra dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh có mối liên kết với cơ chế khen thưởng của não bộ, thuộc thùy trán. Đây chính là cơ chế được trang bị sẵn nhằm giúp chúng ta ứng phó trước những tình huống mang tính sinh tồn. Khi chúng ta được thưởng thức những món ăn yêu thích hay khi ân ái, não cũng sẽ tiết ra dopamine. Mặc dù âm nhạc không có vai trò rõ rệt trong việc giúp con người duy trì nòi giống, nhưng cơ thể chúng ta sẽ được tưởng thưởng khi ta lắng nghe những giai điệu yêu thích. “Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn tìm kiếm những cú kích nhỏ mà âm nhạc có thể mang lại. Chúng ta bị hấp dẫn bởi âm nhạc theo cách tương tự như với thức ăn ngon và tình dục, để nhận được sự tưởng thưởng từ chất dẫn truyền thần kinh này”, Peter Vuust giải thích.

Có lẽ, yêu âm nhạc là bản năng của con người

Xúc cảm dâng trào
Bạn có khóc khi nghe Maria Callas, hay Mariah Carey hát? Giai điệu chậm rãi, nhẹ nhàng của “Love Me Tender” có khiến bạn nhớ lại lần đầu khi mới biết yêu? Hay đó có lẽ là ca khúc “Smells Like Teen Spirit”? Khi nhìn nhận mức độ ảnh hưởng của âm nhạc đến cảm xúc của con người, chúng ta cần cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có ba yếu tố chính: phổ quát, văn hóa, và cá nhân, bởi cả ba yếu tố này sẽ chi phối cảm xúc của chúng ta. Bản năng của con người là phản ứng trước những tiếng động lớn bởi đó là một phần thuộc cơ chế phòng vệ. Hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng âm nhạc gam bổng khiến ta thăng hoa, hạnh phúc nhưng những nốt trầm cũng dễ đưa ta vào trạng thái u uất, muộn phiền. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Có một thực tế rằng, khi tiếp xúc với một kiểu âm nhạc nhất định từ lúc mới được sinh ra, chúng ta có xu hướng tiếp thu những mô hình văn hóa cụ thể mà bản thân mình không hề nhận biết. Và rồi chúng ta sở hữu những khác biệt cụ thể để mỗi người là một cá thể đơn lẻ. “Chúng ta biết rất rõ về những điều này, nhưng càng biết, chúng ta lại càng nhận ra những điều mà mình chưa biết. Dĩ nhiên, chúng ta không biết chắc về cách thức xuất hiện của những cảm xúc và trải nghiệm to lớn ấy, nhưng chúng ta biết rất rõ những gì đang diễn ra trong não bộ khi điều đó xảy ra”, Peter Vuust khẳng định.

Âm nhạc tựa như tác phẩm nghệ thuật của thời gian

Nỗi ám ảnh khôn nguôi
Bạn ghét một bài hát nhưng lại không thể thoát khỏi nó. Hoặc nó không chịu rời khỏi bạn! Khi bạn cố vỗ về giấc ngủ, khi bạn đang tham dự một cuộc họp, hay thậm chí khi đang hẹn hò, nó cứ không ngừng bám riết lấy bạn, giống như mảng chewing-gum dính trên tóc, với những giai điệu thôi miên đến bực bội khiến bạn vô thức lẩm bẩm hát theo lúc nào không biết. Nhưng khoa học có thể lý giải được hiện tượng này. Bộ não của chúng ta trở nên phấn khích khi có cơ hội được dự đoán những gì sắp xảy ra trong âm nhạc.
Âm nhạc là tác phẩm nghệ thuật của thời gian, trong đó các nốt nhạc cần phải xuất hiện vào đúng thời điểm. Đó là điểm khiến âm nhạc có khả năng dự đoán mạnh mẽ và cũng là lý do vì sao âm nhạc lại có ý nghĩa quan trọng đến thế đối với các nhà nghiên cứu về bộ não con người. Một trong những lý thuyết đó cho rằng bộ não con người không ngừng tìm cách dự đoán tương lai. Và khi não có thể dự đoán tương lai một cách chính xác – nghĩa là theo trình tự đồ, rê, mi – chúng ta sẽ nhận được phần thưởng là một lượng nhỏ dopamine, đủ để khiến ta thấy phấn chấn. “Chúng tôi gọi nó là mã hóa dự đoán, bởi vì chúng tôi xem bộ não như một cỗ máy với khả năng dự đoán những gì sắp xảy ra. Chừng nào mọi thứ vẫn diễn ra đúng với kỳ vọng của não thì sẽ chẳng có gì mới xuất hiện. Đây là một thực tế bởi vì khi đó, não sử dụng ít năng lượng. Bộ não của chúng ta chỉ hoạt động trước những yếu tố mang tính bất ngờ và nó không ngừng điều chỉnh theo những điều mà ta trải nghiệm”, Peter Vuust cho biết.

Âm nhạc có thể tạo ra cảm xúc và ý thức cộng đồng

Bạn có biết?
Âm nhạc là một hiện tượng sinh học. Các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện ra một nền văn hóa nào không sử dụng âm nhạc theo cách này hay cách khác. Nhạc cụ cổ xưa nhất từng được con người biết đến có lịch sử khoảng 40.000 năm. Do đó, tiếp theo sau lịch sử hình thành của loài linh trưởng là bản nhạc (musical score).
Các nhà khoa học luôn nỗ lực mang đến những lời giải đáp thỏa đáng cho sự tiến hóa vượt trội của âm nhạc. Một trong số đó cho rằng nhịp điệu bắt nguồn từ loài khỉ nhằm mục đích xua đuổi kẻ thù và cách hiệu quả nhất mà chúng sử dụng là tạo ra âm thanh theo nhóm thay vì hoạt động riêng lẻ.
Âm nhạc và ca hát có vai trò quan trọng trong các nghi thức truyền thống của con người suốt hàng ngàn năm nhờ khả năng tạo ra các mối quan hệ xã hội và từ đó ngăn chặn xung đột xảy ra. Khi ngôn ngữ là thứ mang tính cụ thể và trình bày những ý nghĩa chính xác, rõ ràng, thì âm nhạc mới có thể tạo ra cảm xúc và ý thức cộng đồng.