Kinh doanh âm nhạc nhưng không muốn trở thành thương gia thành công, nhạc sĩ Quốc Trung chỉ thầm lặng cống hiến cho người Việt những lễ hội lỗ nhiều hơn lãi. Nghe đến đây, có lẽ bất cứ ai sẽ tò mò muốn biết điều gì đã giữ lửa, giúp anh không từ bỏ trong cuộc chinh chiến cùng công chúng nghe nhạc đầy “hoài nghi”.
Lễ hội Gió Mùa vừa rồi không thấy anh hẹn gặp lại khán giả vào năm 2017 khi chào tạm biệt, có phải đó là một dấu hiệu? Anh đã cảm thấy đủ khi tặng khán giả thủ đô 3 mùa lễ hội đầy tâm huyết?
Chúng tôi đã có 3 mùa để giới thiệu tới cộng đồng và người dân thành phố Hà Nội về mô hình của một lễ hội âm nhạc mang tầm quốc tế. Chúng tôi cần đánh giá lại về hiệu quả của chương trình: không phải là khía cạnh tài chính, mà là sự đóng góp của dự án cho đời sống của cộng đồng, sự hậu thuẫn của người dân và cả các nhà quản lý dành cho dự án. Để có thể mang lại cảm hứng cho cộng đồng (như mong muốn), trước hết, chúng tôi cũng cần tìm và giữ cảm hứng cho mình để tiếp tục hành trình. Còn một điều chắc chắn là tôi không dễ dàng bỏ cuộc như vậy đâu.

“Tôi không đặt mục tiêu trở thành một “thương gia” thành công, mà muốn làm một nghệ sĩ hạnh phúc”

Thị trường âm nhạc tại Việt Nam được coi là rất khó nắm bắt, điều gì khiến anh vẫn sống chết vượt rào mang tới những hoạt động văn hóa cho công chúng?
Tôi may mắn được đi nhiều và hiểu được thị trường âm nhạc muốn phát triển phải như thế nào và cần những gì. Tôi không phải con thiêu thân cố sống chết chứng minh điều gì đó cho bản thân, mà đơn giản không thể chấp nhận việc đi ngược lại những quan điểm của mình. May mắn có nhiều công việc, bởi vậy, tôi không đặt mục tiêu trở thành một “thương gia” thành công, mà muốn làm một nghệ sĩ hạnh phúc.
Anh nói ít khán giả Việt Nam có nhu cầu thưởng thức tự thân trong âm nhạc, tại sao môn nghệ thuật này lại không được quan tâm đặc biệt như điện ảnh, hội họa,…?
Thật sự thì nó rất được quan tâm, nhưng chỉ mới dừng lại ở bề nổi hào nhoáng. Có thể do sự phát triển xô bồ của xã hội cũng như ảnh hưởng của “nghệ thuật” mà người ta hay gọi là showbiz nên ngày nay, đa số quan tâm tới danh vọng và tiền bạc trước khi thật sự yêu thích, đam mê hay tôn trọng nghề nghiệp của mình
Theo anh, tâm lý ăn sẵn là do các nhãn hàng, các nhà tài trợ đem tới những món ăn miễn phí chạy theo thị trường, hay chính do sự giáo dục từ bé, thiếu được khơi dậy trí tò mò của xã hội chúng ta?
Tiêu chí của cả xã hội hiện nay là “đi tắt, đón đầu” hay “sống là không chờ đợi”. Ngay cả trong giáo dục người ta cũng đặt bằng cấp và thành tích lên hàng đầu thì khó có thể phá bỏ thói quen như vậy ngay được. Phải đến khi thực sự tin vào sự phát triển bền vững thì chúng ta mới có thể thay đổi được quan niệm này.
Làm sao để khán giả cởi mở hơn, bớt hoài nghi, và sẵn sàng đón nhận những giá trị mới trong âm nhạc và nghệ thuật nói chung?
Việc tiếp cận và truyển tải được thông điệp cũng như những sáng tạo đến công chúng là một nghệ thuật. Các dự án nghệ thuật cần phải được đặt đúng nơi và đúng đối tượng. Đời sống âm nhạc của chúng ta còn nghèo nàn, thiếu cá tính nổi bật cũng như không được phân loại rõ ràng nên thường bị quy về một chuẩn, dẫn đến những đánh giá phiến diện. Điều đó vô hình trung đã cản trở sự phát triển, sức sáng tạo và không tạo được thói quen đón nhận cái mới của công chúng.
Hoài nghi là đúng vì suốt một thời gian dài công chúng chỉ có từng đó để thưởng thức.
Anh nói người Việt mình nghe nhạc không chỉ vì nhạc, mà còn vì kỷ niệm? Đối với riêng anh, âm nhạc kỷ niệm là những khoảnh khắc nào, những bài hát nào, những lần hợp tác với ai?
Cần phải có trình độ hiểu biết về âm nhạc nhất định để nghe nhạc và đưa ra đánh giá thuần túy về âm nhạc. Nhưng khi nghe nhạc bằng bản năng và mang lại cảm xúc nhất định thì người nghe luôn liên tưởng tới những không gian và kỷ niệm của riêng họ. Đó chính là sự khác nhau giữa người chuyên nghiệp và khán giả trong thưởng thức âm nhạc.
Đối với tôi, âm nhạc đã gắn với cả cuộc đời, thế nên rất khó để nói ra một khoảnh khắc nhất định nào đó trong quãng đường dài đã đi qua.
Anh đã từng bao giờ nghĩ đến chuyện đem lễ hội Gió Mùa đi ra trường quốc tế, giới thiệu đến bạn bè những nghệ sĩ Việt Nam?
Gió Mùa được làm cho Hà Nội và người dân Việt Nam, còn việc giới thiệu nghệ sĩ Việt Nam ra quốc tế là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả những người có tình yêu với âm nhạc Việt. Nó cũng là ước mơ của tôi nên nếu có thời gian, tôi cần phấn đấu và làm điều đó cho bản thân mình trước đã.
Xin cám ơn anh về buổi trò chuyện này!

Đôi nét về Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung
Quốc Trung, tên đầy đủ là Nguyễn Quốc Trung, sinh ngày 17 tháng 9 năm 1966, là nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc. Là con trai duy nhất của Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên và ca sĩ – giảng viên Thanh Nga, Quốc Trung sớm có được nền tảng âm nhạc vững chắc, được đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội rồi tu nghiệp tại châu Âu. Trở về Việt Nam vào năm 1991, anh thành lập nên ban nhạc Phương Đông, gặt hái được nhiều thành công trên sân khấu Thủ đô với đỉnh cao là giải Nhất tại Liên hoan Các ban nhạc nhẹ toàn quốc lần đầu tiên (1993).
Quốc Trung sớm trở thành người tiên phong về thể loại world music ở Việt Nam khi học tập tại châu Âu. Lúc mới khởi nghiệp, anh được công chúng biết tới nhiều trong vai trò hòa âm phối khí. Với album Mây trắng bay về, người hâm mộ bắt đầu nhìn thấy nhiều hơn khả năng sáng tác và đặc biệt là sản xuất của anh. Thành công sau đó của Ngày không mưa, Khu vườn yên tĩnh, Một ngày mới, Vòng tròn (cùng Hồng Nhung) và Giấc mơ tôi (cùng Uyên Linh) đã khẳng định hơn nữa điều này. Quốc Trung được biết tới nhiều trong việc sử dụng những chất liệu âm nhạc truyền thống kết hợp với ngôn ngữ hiện đại để tạo ra cách thể hiện âm nhạc mới lạ.