Trong nhận thức quan về đạo đức của triết học, việc xác định bản chất con người, luôn là điều quan trọng. Mạnh Tử cho rằng, tính tự nhiên của con người vốn tốt, nếu nhỡ có xấu là do hoàn cảnh.

Đây là luận cứ xuất xứ từ một luận đề của Mạnh Tử, triết gia có ảnh hưởng sâu đậm đến nho học Việt, khi bàn về “tính Thiện”. Ông viết: “Ai cũng có lòng thương người, tôi nói vậy là có chứng cứ. Nếu thấy một đứa nhỏ sắp ngã xuống giếng, ai cũng có lòng bồn chồn thương xót, không phải vì muốn cầu thân với bố mẹ đứa nhỏ, không phải mong tiếng khen với hàng xóm bạn bè, cũng không phải sợ bị chê cười”. Với Mạnh Tử, lòng trắc ẩn, đau với nỗi đau của người khác, là một biểu hiện điển hình của tính thiện lương bẩm sinh trong mỗi người.

Không phải ngẫu nhiên mà trong những luận thuyết về đạo đức của các hiền giả, trẻ em được coi là biểu tượng minh họa. Bởi bọn trẻ là hiện thân sống động nhất về sự vô tư trong trắng, về sự thật thà biết xấu hổ. Chúng chính là niềm hạnh phúc của tương lai, thậm chí là mục đích sống cho rất nhiều người đã lớn. Vì thế, khi làm bọn trẻ bị tổn thương, luôn gây ra những cơn sóng thần trong dư luận. Đừng nói đến tội ấu dâm, một thứ tội phạm đáng khinh và ghê tởm, chỉ cần lạm dụng lao động ở trẻ em thôi, cũng đã bị công luận nghiêm khắc lên án.

Từ rất lâu, bản chất đúng của bọn trẻ là như thế nào thì người lớn vẫn liên tục tranh cãi. Đại để như vợ của danh thủ bóng đá Wayne Rooney, khi biết chồng mình phải ra tòa vì say rượu lái xe, cô trả lời trên tờ The Sun theo kiểu nửa bênh nửa trách “anh ta giống như đứa con của tôi, một đứa trẻ to xác. Ở nhà, suốt ngày chơi game online và nói dối”. Đúng là bọn trẻ thì ham chơi. Hà Nội xưa chưa có internet thì chúng chơi nhẩy dây, bắn bi, đánh đáo. Còn ngày nay, các quán mở game điện tử luôn đông chật bọn ranh từ tiểu học đến cuối trung học. Để có lý do, hiển nhiên chúng phải nói dối. “Con đi học thêm, con đến nhà bạn…”. Điều đáng yêu là chúng chỉ dối quanh, người lớn đôi chút từng trải sẽ truy ra sự thật. Có lẽ do thế mà có thành ngữ, “đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”.

Bởi hồn nhiên là đặc sản chỉ có ở bọn nhóc. Với phẩm tính tuyệt vời này, bọn trẻ xứng đáng được nâng niu. Tất nhiên, bọn trẻ cũng tham lam, cũng la hét hờn dỗi, cũng ngốc nghếch kém hiểu biết. “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Nhưng nhờ sự trong trắng vô tư nên chẳng bao giờ thành “thói”, “tật”. Và đã tự nhiên đã là “nết” giời thì luôn làm các mẹ các chị rưng rưng xúc động. Có phải vậy chăng mà các Sở Khanh to đầu thập thành khi lọc lõi lừa tình các quý bà quý cô vẫn thường hay cư xử giống trẻ con. Có tay “siêu” tới mức, vừa ngọt nhạt nói lời yêu vừa nũng nịu cắn móng tay… Kinh Thánh khẳng định: “Đừng ngăn cấm trẻ nhỏ đến với ta, vì nước trời là của chúng”. Để cho đám thiên thần trẻ thơ ấy sa ngã, thì dù bất cứ lý do gì, cũng đều là tội ác.