Từ ngàn năm nay, văn nhân học giả đã tốn không biết bao nhiêu bút mực bàn về mối quan hệ đặc biệt giữa hai người đàn ông này.

Ở phương Đông nói chung, chẳng cứ ông bố nông dân, mà ngay cả ông bố văn minh thị dân, đa phần đều khát khao trong nhà có một thằng con giai. Và tới hôm nay, cái hủ tục đấy vẫn đang phảng phất mạnh mẽ tồn tại ở ngay nội ngoại thành Hà Nội.

Tại phương Tây, tâm lý gia vĩ đại người Áo là Sigmund Freud (1856-1939) khẳng định rằng, cha và con trai là hai hình ảnh tương hỗ phóng chiếu lẫn nhau, nhưng giữa bọn họ tồn tại một khoảng trống ngổn ngang mâu thuẫn. Người Việt tính khí vốn dĩ bình hòa, nên quan hệ cha con mang một mầu sắc đạo đức khác hẳn. Cụ đồ Chiểu đã tuyên tín rằng “Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Đàn ông đàng hoàng đầu đội trời chân đạp đất phải biết trung với vua, chí hiếu với bậc sinh thành. Không phải ngẫu nhiên mà vị minh quân Trần Nhân Tông mang thụy hiệu là “Hiếu Hoàng”. Con trai “hiếu” luôn được xã hội trân trọng đề cao, bởi đã là hiếu tử thì dễ dàng trong sáng chăm chỉ học giỏi rồi lương thiện ngay thẳng mà thành nghĩa sỹ, biết dâng hiến hy sinh cho dân cho nước.

Tất nhiên, Hiếu là đạo chứ không phải phong trào, làm gì có chuyện nỗ lực phấn đấu để đạt thành tích “hiếu tử”. Bởi con trai đã thật “hiếu” cũng chỉ là chuyện tự nhiên nhi nhiên. Nó giản dị như đói thì bú tí mẹ, sợ thì trốn vào lòng cha, chứ đâu cần gồng mình lên cho nhang nhác như đạo đức. Gần đây trên mạng lan truyền một clip có anh con giai ở phố tắm cho bậc sinh ra mình. Anh ta kỳ cọ cho cụ trắng bong nhưng những lời gắt gỏng lại hậm hực đen tối. Nuôi dưỡng cha mẹ mà không nhu thuận thành tâm thành kính thì chẳng khác gì nuôi lợn (ý của Khổng Tử).

Thông thường bố thích con trai vì con trai có nhiều điểm giống bố. Hoặc ưa linh tinh phiêu lưu hoặc yêu lung tung phụ nữ. Và thường thì đạo hiếu được bắt đầu từ người cha, bởi đơn giản trước khi ông bố thành “papa” thì có một thời gian hồn nhiên thật dài ông đã là “baby”. Nếu đầu vào chỉ toàn “baby” ngỗ nghịch thì đầu ra biết tìm đâu “papa” đứng đắn. Cha hiền là người luôn theo sát chăm sóc từng bước chập chững của thằng con giai. Đương nhiên đừng chăm chút quá, kiểu đủn đít cho con vùn vụt thăng tiến trên hoạn lộ như một vài ông quan chức bây giờ.

Xã hội đô thị ở ta giờ đây văn minh có xu hướng đẻ ít con, nên nhiều ông bố “nhõn” một hoặc hai ái nữ là chuyện rất thường. Trong những gia đình mang vẻ hạnh phúc ấy, hiển nhiên tay con rể sẽ đóng vai con giai. Đây đáng kể là một mối quan hệ bi tráng. “Dâu là con, rể là khách”, thỉnh thoảng khách dữ có xô xát với khổ chủ cũng là dễ hiểu. Có một giai thoại lưu hành trong đám đàn ông phố cổ. Bố vợ đi hát karaoke “tay vịn” thì gặp đúng con rể. Cả hai choáng váng nhìn nhau bàng hoàng. Nhạc phụ lo sợ hơn nhưng thông minh hơn, lanh lẹn tiến tới thì thầm vào tai “ông rể”. “Đây là chuyện riêng của hai bố con xin chớ bép xép. Nếu ông mách vợ tôi thì tôi sẽ mách vợ ông”.

Một câu thoại xuất sắc, vĩnh viễn không bao giờ có khi bố thật gặp con trai thật.