Tinh thần dám đối mặt với thử thách, lòng nhiệt huyết, tình yêu đối với công việc và cả những sở thích riêng được nhà thiết kế Trương Thanh Long thể hiện qua cách nói chuyện cởi mở và phóng khoáng. Từ những gì anh chia sẻ, có thể thấy mọi việc anh làm đều có mục đích rõ ràng và được đầu tư nghiêm túc.

Là nhà thiết kế thời trang nhưng lại muốn học thêm về kinh doanh, anh đang ấp ủ dự định gì?

Với tôi, thời trang không đơn thuần là một ngành nghệ thuật mà chính xác hơn là một nhánh nhỏ của ngành thương mại, chúng tôi kinh doanh cái đẹp. Ông bà ta có câu “có thực mới vực được đạo”, kinh nghiệm thương trường của tôi không đủ nhiều, nên việc ấp ủ kế hoạch học thêm về Kinh doanh luôn là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực tiến tới thành công.

Anh có chia sẻ rằng mình muốn học tiếng Ý, đất nước này thu hút anh ở điều gì?

Tôi không chỉ muốn học tiếng Ý, mà còn đang học thêm cả tiếng Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Trung. Việc học ngôn ngữ gần như là một thử thách đặt ra cho cá nhân, còn việc sử dụng được nó hay không tôi chưa tính. Tôi không muốn phải hối hận khi chưa thử mà lại nói bản thân mình không làm được!

Còn về lý do, Pháp và Ý là hai đất nước mà tôi muốn đến nhất ở châu Âu bởi đó là những kho tàng văn hóa phong phú và tuyệt vời nhất thế giới, từ kiến trúc cho tới mỹ thuật. Riêng nước Ý, tôi đặc biệt yêu thích sự thanh lịch và lãng mạn của con người nơi đây. Ngoài ra tôi cũng là fan của món mỳ Spaghetti, nhất là khi thưởng thức cùng một ly rượu vang đỏ.

Có vẻ trước khi làm điều gì anh cũng chịu khó học hỏi và chuẩn bị rất kĩ?

Tôi có “máu điên” trong người. Khi nảy ra một ý định trong đầu, tôi sẽ ép mình phải bắt tay vào làm ngay. Đầu tiên, tôi sẽ dành khoảng một tháng để nghiên cứu xem mình có thật sự thích và có đủ lý do để thực hiện nó hay không.

Trong các bộ sưu tập của anh, anh thường chọn xu hướng thiết kế ứng dụng thay cho thiết kế trình diễn hay cao cấp?

Ngoài việc bay bổng với những mẫu thiết kế sàn diễn, thời trang không chỉ đơn giản có chức năng làm đẹp trên sân khấu. Quan niệm của tôi là ngay cả những mẫu thiết kế được may với kĩ thuật tinh xảo cũng phải mang ra mặc được. Tôi luôn lấy những người xung quanh làm nguồn cảm hứng khi lên một bộ sưu tập mới, từ những người bạn, hay các thành viên trong gia đình như ba mẹ, em, họ hàng… bởi vì họ chính là những người cần và xứng đáng được làm đẹp.

Ngoài thế mạnh về chất liệu và cấu trúc, đâu là yếu tố độc đáo và chất riêng trong các thiết kế của anh?

Tôi là người nhạy cảm với xu hướng, việc thay đổi của thời thế luôn làm tôi bị kích động. Tôi vận dụng những cảm xúc đó vào công việc, vì thế điểm mạnh chính là không bị lỗi thời. Ngoài ra, việc pha trộn hai cực giới tính trong một mẫu thiết kế cũng là cách để tôi xóa nhòa rào cản về cái đẹp hiện hữu.

Được biết là một người khá chăm chút về ngoại hình khi ra ngoài, đó có phải là một phần của “bệnh” nghề nghiệp?

Đó không phải là bệnh nghề nghiệp mà là một tiêu chí cá nhân của người làm nghề sáng tạo. Việc làm đẹp cho bản thân là một nhu cầu mà ai cũng nên hướng tới. Tại sao một người tự nhận mình làm đẹp cho mọi người lại không thể chăm sóc bản thân, điều đó thật vô lý!

Đạt giải Nhà tạo mẫu xuất sắc của cuộc thi Việt Nam Collection Grand Prix khi mới 19 tuổi, thế nhưng anh lại được mọi người biết đến nhiều hơn qua các vai diễn?

Nghiệp diễn là một thú vui giải trí của cá nhân, nhưng cả khi làm và chơi tôi luôn hết mình. Có lẽ nhờ vào sự cố gắng hoàn thành tốt mỗi vai diễn, nên tôi từng hai lần được đề cử cho giải diễn viên chính xuất sắc trong mảng phim truyền hình. Dù sao thì điều đó cũng khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Việc thử nghiệm bản thân ở một lĩnh vực hoàn toàn khác giúp tôi khám phá giới hạn của mình và hiểu được nỗi cực khổ của người khác. Những trải nghiệm như thế giúp tôi dễ cảm thông và tha thứ hơn.

Anh đánh giá sao về ngành thời trang Việt Nam, và tiềm năng vươn ra nước ngoài?

Không thể phủ nhận sự phát triển vượt trội của thời trang Việt Nam trong khoảng 10 năm gần đây. Tôi khá may mắn khi tồn tại suốt hơn một thập kỉ qua, ngay từ những ngày đầu chỉ có một, hai sàn diễn đúng chất thời trang. Đến nay, có thể nói chúng ta cũng không thua kém các nước lân cận về quy mô cũng như hình thức.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tôi thấy chúng ta đang phát triển bao bì thay vì chú ý đến chất lượng bên trong. Đó là lý do tại sao hầu hết sàn diễn của chúng ta quy tụ rất nhiều ngôi sao nổi tiếng, người yêu thời trang nhưng thực sự lại không có những Buyers (người mua sản phẩm) đúng nghĩa. Tôi chưa thấy yếu tố thương mại thật sự từ những sàn diễn này. Chính vì thế tôi nghĩ thời trang Việt Nam sẽ còn cần thêm nhiều năm nữa để chất song hành với với lượng. Chúng ta đang cố gắng để vươn ra với thời trang thế giới thì việc một bao bì đẹp không thể thuyết phục người ta mua cả gói hàng!