Có thể nói đại dịch Covid-19 gây tổn thất nặng nề cho nhân loại, nhưng ở một khía cạnh nào đó, cũng là dịp để con người tìm lại một thói quen ngày càng xa xỉ: đọc sách.

Sách vỡ lòng ngày xưa là Ấu học ngũ ngôn thi (Trẻ học thơ năm chữ) có đoạn: “Di tử nhất quỹ ngọc/ Bất như nhất quỹ thư/ Thư trung tự hữu ngọc”, tạm dịch là: Để cho con hòm ngọc/ Không bằng để hòm sách/ Trong sách có ngọc quý. Đại dịch Covid-19 gây tổn thất nặng nề cho nhân loại, nhưng ở một khía cạnh nào đó, cũng là dịp để tìm lại một thói quen ngày càng xa xỉ: đọc sách.

Đọc sách là công việc tuyến tính, khó mà đi ngang về tắt, càng không có nút tua nhanh như các loại hình giải trí khác, nên khá mất thời gian. Các chương trình khuyến đọc thường nói những lời hoa mỹ về việc đọc sách và các ích lợi của nó, nhưng thực tế thì đọc sách chưa bao giờ là việc dễ dàng, trong xã hội công nghệ, nó đang trở thành xa xỉ.

Hồi giữa tháng 7/2021, nhà đấu giá Sotheby’s đã tổ chức một phiên tại New York có tên Fine Books and Manuscripts (Sách đẹp và bản thảo), và một phiên tại London có tên Books and Manuscripts: 19th and 20th Century (Sách đẹp và bản thảo thế kỷ 19 và 20). 368 lô hàng của hai phiên này gần như đều được bán hết. Trong đó, tập thơ The Waste Land (Đất hoang, 1922) của thi sĩ T. S. Eliot đã được bán với giá 163.800 USD, so với giá ước tính ban đầu 30.000-50.000 USD.

Điều này cho chúng ta thấy rằng “trong sách có ngọc quý” là thật. Bởi để vượt qua giá trị nội dung và chạm đến giá trị xa xỉ trên thị trường, một cuốn sách, bản thảo, thủ bút… thường cũng phải đạt một vài yêu cầu căn bản. Đầu tiên, chúng phải có giá trị về mặt thời gian và lịch sử, nghĩa là được chủ sở hữu gìn giữ đủ lâu để đạt đến độ quý hiếm. Điều này giúp cho cuốn sách bước qua tính công cụ để sống trường thọ hơn, nghĩa là tự nội dung của nó phải có giá trị vượt thời gian, bởi hiếm khi người ta muốn lưu giữ những thứ không có giá trị. Thứ hai, đó là mong muốn được tiếp nối việc sở hữu sự quý hiếm đó nên giá trị trên thị trường mới leo thang, các phiên đấu giá mới liên tục diễn ra.

Những cuốn sách xa xỉ nhất thế giới có thể kể như Leicester Codex (Leonardo da Vinci) được Bill Gates đấu giá thành công ở mức kỷ lục là 30,8 triệu USD năm 1994. Hoặc như cuốn Folio (William Shakespeares) từng được đấu đến 6,1 triệu USD vào năm 2006.

Việt Nam hiện nay cũng vậy, khi chiến tranh đã dần lùi xa, khi các giá trị quá khứ đã dần được nhìn nhận khách quan hơn, sách xa xỉ bắt đầu tái xuất hiện. Gần đây, một phiên bản đặc biệt của cuốn Bố già (Mario Puzo), dù mới in năm 2021, đã được đấu giá đến 50 triệu đồng. Hoặc như tập thơ Gái quê (1936) của Hàn Mặc Tử đang được tìm kiếm với giá 300 triệu đồng, nhưng không phải dễ gặp.

Nói tóm lại, một nền xuất bản phải có đủ bề dày về văn hóa và lịch sử thì mới có thể mang đến những cuốn sách xa xỉ. Và chính những cuốn sách xa xỉ sẽ góp phần khích lệ việc đọc sách, gìn giữ sách nói chung, tạo ra lịch sử đẹp về xuất bản.