Trong lời nói và chữ viết tiếng Việt, có quá nhiều trường hợp không cần dùng tới giới tính, dùng chi cho mất công phân biệt, rồi bất bình đẳng giới này kia.

Nếu chịu để ý một chút, trên truyền hình hoặc báo giới, chúng ta sẽ thấy vô số trường hợp người phát ngôn là nữ, mà khi nói thì “anh ta”, “ông ta”. Ví dụ một nữ đại biểu dễ dàng nói rằng: “là đại biểu, anh ta phải như thế này, như thế kia”. Một nữ nhà văn cũng vậy, cũng dễ dàng nói: “là nhà văn thì anh phải hướng ngòi bút của mình đến…”. Chuyện này khá phổ biến, không chỉ trong lời nói, mà còn văn bản viết, ở nhiều ngành nghề. Và điều này không chỉ có trong tiếng Việt, mà qua các khảo sát, cũng khá phổ biến trong nhiều ngôn ngữ, thứ tiếng khác.

Cắt nghĩa điều này rất khó, vẫn còn tranh luận kịch liệt, chưa thể có hồi kết. Nhưng những người xét ngôn ngữ theo lịch đại thì cho rằng đây là hệ quả của xã hội nam quyền, khi chuyển từ mẫu hệ sang phụ hệ, người đàn ông dần dần làm chủ gia đình, nên hầu hết các công việc, khái niệm, định nghĩa, tên gọi… sẽ dần lấy đàn ông làm trung tâm.

Đa số quốc gia và vùng lãnh thổ đều thống nhất với nhau rằng xứ họ có khái niệm “tiếng mẹ đẻ”, nghĩa là con nói giống mẹ là đương nhiên. Thế nhưng, không nhiều quốc gia có đủ lời nói và từ vựng để phân chia công bằng cho giới tính, khi thì thiên bên này, khi thì nghiêng bên kia. Nhiều ngành nghề như thợ mộc, thợ xây/hồ, luật sư, lương y/thầy lang/bác sĩ, tài xế, vận động viên, chiến sĩ, thanh niên, con người… trong nhiều ngôn ngữ đã mặc định là để chỉ đàn ông. Nhiều ngôn ngữ còn chia giới từ, ngữ pháp theo giống, theo giới tính, nghĩa là quy định giới tính cho cả đồ vật, sinh vật.

Đại văn hào Mark Twain (1835-1910) từng viết về tiếng Đức như sau: “Trong khi miệng, cổ, khuỷu tay, ngón tay, móng tay, chân và cơ thể của một người là giống đực, còn đầu của người đó thì giống đực hoặc giống trung còn tùy theo từ nào được chọn để biểu thị cho nó, và cũng không phụ thuộc vào giới tính thật của cá nhân người đó! Mũi, môi, vai, ngực, bàn tay và ngón chân của một người là giống cái; còn tóc, tai, mắt, cằm, cẳng chân, đầu gối, tim và lương tri của người đó thì không thuộc bất kỳ giống nào”.

Điều tuyệt vời nhất của tiếng Việt và cả chữ quốc ngữ đang dùng, đó là khá linh hoạt về chủ ngữ, ngữ pháp và giới tính. Ví dụ như Truyện Kiều, với 3.254 câu, có khá ít câu dùng tới chủ ngữ và giới tính, vẫn thành đại kiệt tác đó thôi. Hoàn toàn có thể nói hoặc viết: “là nhà văn thì được tự do trong việc chọn lựa cách viết”. “Là đại biểu quốc hội thì nên lấy nhân dân làm trung tâm trong các phát ngôn, quyết sách của mình”. Thấy chó, mèo, chim thì cứ viết theo cảm nhận, ví dụ chó con, mèo đen, chim non, chứ đâu nhất thiết phải viết chú chó, chú mèo, chú chim…

Giới học xã hội ngôn ngữ (sociolinguistics) cho rằng để thay đổi được nhận thức về giới trong lời nói chữ viết, thì cần phải kế hoạch hóa ngôn ngữ (language planning) và cải cách ngôn ngữ (languge reform) theo hướng lược bỏ giới tính trong nhiều trường hợp. Tiếng Việt không quá nặng nề trong chuyện này, vậy tại sao không phi giới tính tối đa?