Từ điển định nghĩa, yên bình là yên ổn hoàn toàn không trắc trở, không bị nguy hiểm. Từ điển thì không hẳn là chân lý. Có điều, để làm cho cuộc sống người dân trở nên yên ổn, luôn là sự nỗ lực của bất cứ thể chế nào.
Sau kỳ nghỉ lễ dài, người ta bàng hoàng nhận thấy cuộc sống sao mà bất trắc. Không tính các thành phố lớn nhịp sống đẫm đầy tốc độ, ngay cả vùng quê yên ả giờ cũng đối mặt vô số vấn đề liên quan đến sự an toàn. Tai nạn là đương nhiên, khi từng đoàn “wây tầu” kẹp ba bốn không mũ bảo hiểm, lắc lư đánh võng trên các con đường đê vẫn còn xanh mướt cỏ trong mìn mịn mưa Xuân. Đấy phải chăng là hệ lụy từ “dịch chuyển văn hóa”. Bởi mưu sinh, đông đảo trai làng thôn nữ kéo ra thành phố lớn. Nhiều người dễ dàng ngấm những thói quen tiêu cực từ vòng xoáy gấp gáp sinh hoạt của chính cái đô thị đó. Một khi “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, thì mặt trái văn minh thị dân rất dễ thành tai họa cho những chân chất nông dân. Vậy đâu sẽ là nơi chốn của yên bình?
Ngay từ thời phong kiến, các vị minh quân cùng danh thần thường lo lắng trung thành với tư tưởng trị nước theo hướng “an dân”. Dân có yên thì nước mới thịnh, tinh thần nhân văn cao cả này xuyên suốt các “Chiếu”, các “Biểu”, các quyết sách ở cả tầm vi mô tới vĩ mô. Xứ sở của “yên bình” nằm ở tư tưởng “an dân”.
Thực ra, “nơi yên bình” cũng không nên hiểu theo cách quá to tát. Bởi ngay trong từng cá nhân, việc kiếm cho tâm hồn của mình một chốn yên ổn, luôn là nhu cầu cấp thiết. Với những cuộc tình trong sáng ở tuổi trẻ, thì chính người mình yêu, thường sẽ là nơi trú ẩn của thanh thản an bình. Trong tiểu thuyết sử thi “Con đường đau khổ” lừng danh một thời, nhà văn A.Tolstoi đã cho nhân vật nam chính rưng rưng nói: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng và chan chứa tình yêu thương”. Chao ôi, hạnh phúc thay cho những kẻ sau một ngày lao động vất vả, được gục đầu vào lòng người mình yêu để nghe một lời chia sẻ, ủi an.
Tất nhiên không phải ai cũng biết nồng nàn yêu rồi được chung thủy đền đáp lại. Những kẻ độc thân, những người già cả… thường tìm thấy sự yên ổn ở chốn thiêng liêng tâm linh. Phải vậy chăng mà các phương pháp tu hành ở những tôn giáo lớn, đặc biệt là Phật giáo, thường hướng chúng sinh cách giữ gìn một “Tâm An” theo một cách công chính nhất. Để từ đó khi đồng hành cùng cuộc sống, con người sẽ bớt làm điều xấu ác và chăm chỉ làm điều thiện. Một người biết giữ “Tâm” trong sáng vị tha thường sẽ thành những bậc cha mẹ khả kính, những đứa con hiếu thảo. Và đương nhiên, trên nền tảng đạo đức ấy, họ sẽ đem lại bình an cho người khác.

Nơi của yên bình thường nằm ở một tình yêu trong trắng mang những phẩm chất đạo đức bình dị.