Đã từ lâu lắm rồi, nhất là lúc nước ta còn thuộc Pháp, khái niệm hàng thửa (bespoke) đã quá quen với những thị dân Việt có dư dật tiền. Chiếc áo dài bây giờ mà quá nhiều phụ nữ Việt tự hào khi mặc, nó có xuất xứ ở thập niên ba mươi của thế kỷ trước. Nó nguyên là một hàng thửa từ tay họa sĩ Hà thành hào hoa Cát Tường, lúc đầu may cắt riêng cho mấy cô đào hát ở phố ca kỹ Khâm Thiên. Ông này chơi chữ tiếng Tây, tự dịch tên ông đặt cho kiểu áo dài ấy là Le Mur. Và khi song hành cùng văn hóa dân tộc, áo Le Mur giờ đây được quý bà quý cô gần như coi là thời trang quốc phục.

Hàng thửa đúng là một nhu cầu miên viễn có thật. Bởi đơn giản, bản chất của hầu hết con người luôn tồn tại một điều khá lạ. Tuy họ có rất nhiều thứ giống nhau, kể cả cụ thể hình thức cơ địa cho tới siêu hình tư duy tinh thần, nhưng trong sâu xa họ luôn khát khao mình phải là một thứ độc đáo duy nhất vô cùng riêng biệt. Có thể thấy rõ điều này ở đông đảo những ai hành nghề showbiz. Khi phải hiện diện trước đám đông, (một điều thường xuyên do đặc thù nghề), những “sâu bít gia” luôn phấn đấu hoặc ăn hoặc mặc làm sao cho thật khác người. Thậm chí thời trang ở nhiều nam nữ ca sĩ nổi tiếng còn thường xuyên làm cho đám khán giả bình thường những tưởng bọn họ là những dị nhân chập cheng đang loay hoay đi lại. Thảo nào mà chữ Tây hay xót xa gọi những người hát giỏi là “đi vô” rồi “đi va”.

Có lẽ những người quen dùng hàng thửa luôn mong manh hy vọng là mình sẽ thành “người thửa”, một thứ “Elite” hình như được giời chọn. Rất nhiều nhạc sĩ ca sĩ thời thượng đương đại ở ta, khi trả lời phỏng vấn báo chí, thường không dấu diếm sở thích mê đồ “bespoke”. Cái váy này độc vô cùng, giá của nó hơn cả tỷ. Cái túi này cũng vậy, cái giày này cũng thế. Nói chung toàn là những thứ được “đì zai” riêng cho “giới tinh hoa”. Chúa ơi, đã Tinh Hoa thì lấy đâu ra đông để tạo thành một giới. Bọn họ không thèm biết rằng Elite không bao giờ là nhiều bởi nó vô cùng hiếm, nó là hồn cốt kết tinh trong trắng của đỉnh cao đạo đức và văn hóa trong một nghề hoặc trong một cộng đồng.

“Người thửa” thì có nhiều cách hiểu, và cách hiểu nôm na tích cực nhất thì đó chính là người đã tạo ra hàng thửa. Họ có thể là một designer, hoặc một thợ thủ công gia truyền  có tay nghề cự phách. Những chiếc đồng hồ tinh xảo, những chiếc túi xách cầu kỳ hàng hiệu, rồi những bộ váy áo thổ cẩm tinh tế truyền thống …khi đã qua tay họ bỗng lấp lánh thăng hoa thành những kiệt tác sang trọng. Và những phẩm vật đấy, và những con người đấy chính là những tài sản vô giá, là một phần nguyên khí để tạo dựng lên một bộ mặt của một quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà trong chiều dài lịch sử, ở danh sách những thứ cống nộp của các nước bại trận, thợ thủ công khéo tay luôn bị xếp lên đầu. Có phải vậy chăng mà thời gian gần đây, nhiều làng nghề nổi tiếng ở ta (gốm Bát Tràng, tranh làng Sình, dệt Vạn Phúc…) chới với rơi vào sa sút, thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự vắng thiếu những khuôn mặt tài hoa của các nghệ nhân bậc thầy.

Một dân tộc đã được tiếng là cần cù thông minh, bắt buộc phải có những thương hiệu “hàng thửa”, và đặc biệt là những “người thửa” của riêng mình.