Theo báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) của Knight Frank, trong năm 2016, Việt Nam có 200 người siêu giàu (sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên), tăng 30 người so với năm 2015.
Ngày càng nhiều người giàu
Cũng theo Knight Frank, trong một thập kỷ tới, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất giới với 170%, lên 570 người; vượt mặt cả Ấn Độ (150%) lẫn Trung Quốc (140%). Trái ngược với thông tin trong nước, Knight Frank ghi nhận Việt Nam chỉ có 1 tỉ phú USD duy nhất và dự báo sẽ tăng thành 3 người trong 10 năm tới. Tương tự, số triệu phú ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 14.300 lên 38.600 trong giai đoạn 2017-2026, đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng triệu phú USD trong khu vực châu Á.

Dự kiến 10 năm nữa, Việt Nam sẽ có 3 tỉ phú đô-la

Ngân hàng Thế giới (World Bank) từng đánh giá sự chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam là “ấn tượng”, trong đó cải cách kinh tế và chính trị đã giúp nâng cao thu nhập của người dân. Dù cảnh báo Việt Nam còn dễ tổn thương trước các cú sốc kinh tế và môi trường, nhưng World Bank cho rằng triển vọng của nền kinh tế vẫn rất mạnh mẽ, với mức tăng trưởng GDP bình quân vào khoảng 6% mỗi năm cho đến năm 2020. “Chúng tôi dự báo số triệu phú Việt Nam sẽ tăng mạnh nhờ sự phát triển của y tế, sản xuất và dịch vụ tài chính”, Andrew Amoils, người đứng đầu nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo nhận định.
Tuy 2016 là một năm đầy biến động trên toàn cầu, từ Brexit đến Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ, nhưng số người siêu giàu lại đạt mốc 193.000 người, tăng thêm 6.340 người, trái ngược với mức giảm hồi năm 2015. Trong đó, có thêm khoảng 60 người sở hữu tài sản vượt mốc 1 tỉ USD, nâng tổng số tỷ phú đô-la trên thế giới lên hơn 2.000 người.
Bắc Mỹ vẫn là nơi tập trung nhiều người siêu giàu nhất, với hơn 73.000 người năm 2016, kế tiếp là châu Âu (hơn 49.000 người) và châu Á (hơn 46.000). Thế nhưng, 10 năm nữa, châu Á sẽ vượt qua châu Âu với hơn 88.000 người siêu giàu, bám sát con số 95.000 người của Bắc Mỹ. Tổng cộng trên toàn cầu sẽ có hơn 275.000 người siêu giàu đến năm 2026, tăng thêm 43%.
Thêm gương mặt trẻ, nữ đại gia
Hiện tại, số lượng người siêu giàu theo xếp hạng tài sản quy từ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng mạnh. Trong khi lớp tỉ phú đời đầu như Trương Gia Bình, Đặng Thành Tâm, Đặng Văn Thành… bị đẩy xuống sâu bảng xếp hạng người giàu nhất sàn chứng khoán, thì những gương mặt dưới 50 tuổi nhanh chóng nổi lên với khối tài sản tỉ đô như ông Trịnh Văn Quyết (42 tuổi), ông Phạm Nhật Vượng (49 tuổi).
Việc số người siêu giàu ở độ tuổi dưới 60, trong đó có xấp xỉ 50% dưới 50 tuổi, chiếm lĩnh sàn chứng khoán Việt xuất phát từ thực tế ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn ồ ạt lên sàn, cùng với các doanh nghiệp trong nước tiến hành cổ phần hóa, đã mở ra cơ hội không nhỏ giúp tài sản của những người trẻ nhanh nhạy với thời cuộc gia tăng một cách chóng mặt.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang là người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Ảnh: IBTimes

Bên cạnh đó, số lượng phụ nữ giàu có cũng tăng vọt. Nổi bật nhất phải kể đến bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Chủ tịch Sovico Holding, Tổng giám đốc Vietjet Air – 47 tuổi), người phụ nữ đầu tiên lọt top 3 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, cuối năm 2016, bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Trịnh Văn Quyết, cũng “đặt chân” vào danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Đầu tháng 3.2017, tạp chí Forbes Việt Nam chính thức công bố danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017, trong đó có tới 20 gương mặt thuộc lĩnh vực kinh doanh, và họ đều là những người lãnh đạo các công ty có vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế. Không chỉ giàu có, những nhân vật này còn giúp nâng tầm ảnh hưởng của phụ nữ nói chung trong mọi lĩnh vực, đồng thời làm động lực cho sự xuất hiện của ngày nhiều nữ tỉ phú mới.