Tốc độ tăng trưởng người giàu ở Việt Nam trong vài năm gần đây là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên cơn sốt siêu xe. Theo Báo cáo Thịnh vượng 2016 của hãng tư vấn Knight Frank, năm ngoái, Việt Nam có 168 người siêu giàu (những người sở hữu khối tài sản trị giá từ 30 triệu USD trở lên), tăng 12 người so với năm 2014. Độ tuổi của nhóm người sở hữu khối tài sản trên 10 triệu USD tại Việt Nam là 48 so với mức 52 của Trung Quốc, 56 của Mỹ và 57 của Anh. Báo cáo Thịnh vượng 2016 cũng cho biết rằng vào năm 2025, với con số 403 người siêu giàu vào năm 2025, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về số lượng người siêu giàu nhanh nhất thế giới (140%), theo sau là Mozambique (129%) và Ấn Độ (105%). Và siêu xe chính là một trong những cách thức giúp các triệu phú trẻ tuổi này thể hiện vị thế cũng như đẳng cấp của mình. Trong năm 2015, thị trường xe sang Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng trên 30%, trong đó không ít thương hiệu đạt mức tăng từ 40-100%.

Bộ tam quyền lực

Trong vài thập kỷ gần đây, trên thị trường xe sang Việt Nam, có lẽ Mercedes-Benz, BMW và Audi vẫn luôn là những thương hiệu đầy uy lực được giới nhà giàu Việt lựa chọn. Ba gã khổng lồ này vẫn luôn chứng tỏ được sức hút của mình qua mức tăng trưởng ấn tượng theo từng năm cũng như vị thế ngày càng được củng cố.

Việt Nam được đánh giá là một trong ba thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Mercedes-Benz tại châu Á với mức tăng trưởng 50%. Năm 2015, Mercedes Benz Việt Nam đạt kỷ lục về doanh số lẫn thị phần với 3600 chiếc được bán ra, cao gấp 2 lần so với con số 1800 của năm 2013 và gấp 1,5 lần so với con số 2467 của năm 2014. Có thể nói, năm qua, Mercedes Benz Việt Nam ăn nên làm ra chủ yếu nhờ dòng xe sedan, đặc biệt là C-Class với tốc độ tăng trưởng 256%, chiếm gần 50% doanh số cả năm của hãng này. Còn E-Class chiếm tới 60% thị phần, trong khi doanh số của dòng S Class là 450 chiếc, chiếm 80% phân khúc sedan cao cấp. S-Class cũng là giải pháp đưa đón khách VIP của nhiều khách sạn & khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Việt Nam như The Reverie, Park Hyatt Saigon, InterContinental, Vinpearl, Nam An Retreat… Năm 2016, thương hiệu này đặt kỳ vọng sẽ bán ra khoảng 50 chiếc MayBach S600 với giá bán mỗi chiếc khoảng 10 tỷ đồng để nâng số khách hàng sử dụng mẫu xe này tại Việt Nam lên hơn 100 người.

2015 cũng là một năm thành công đối với BMW với mức tăng trưởng 40%, trong đó Series 3, Series 7, X5, X6 là những dòng bán chạy nhất tại Việt Nam. Với Audi Việt Nam, 2015 cho thấy mức tăng trưởng cao nhất của dòng xe Audi A8L (hơn 50%), trong khi Audi Q5 tiếp tục là mẫu xe bán chạy nhất tại thị trường Việt Nam, theo sau là Audi A6, còn Audi Q7 – mẫu xe lâu đời nhất của Audi – tăng 20% so với năm 2014.

Bên cạnh bộ tam quyền lực này không thể không kể đến Porsche – thương hiệu xe sang mang phong cách thể thao trứ danh của nước Đức; Lexus – thương hiệu xe sang của Toyota mới gia nhập thị trường vào cuối năm 2013; Jaguar Land Rover – thương hiệu xe sang của xứ sương mù hiện diện tại thị trường Việt Nam cuối năm 2014; và mới đây là Maserati – thương hiệu danh tiếng của Ý với bề dày lịch sử 100 năm cùng biểu tượng cây đinh ba của thủy thần đang đặt mục tiêu sẽ chiếm từ 7–10% thị phần của phân khúc xe sang sau 3–5 năm.

Giới siêu giàu và cơn sốt xe sang đập thùng

Theo thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2015, người giàu Việt đã chi ra hơn 10.000 tỷ đồng để mua xe sang, siêu sang và siêu xe trong đó, dòng xe sang nhập khẩu có giá bán từ 7-50 tỷ đồng chiếm khoảng 130, số xe có giá bán từ 3-dưới 7 tỷ đồng là hơn 1900 xe. Ở mảng xe siêu sang, thị trường chứng kiến khoảng 25 chiếc BMW i8 và 7 chiếc Lamborghini Huracan được nhập về, trong khi con số siêu xe nằm ở mức 8 chiếc Lamborghini Huracan, trong đó có 1 chiếc mới 100% chính hãng và 7 chiếc nhập dạng second hand bên cạnh các mẫu xe đình đám như Ferrari F12 Berlinetta, Aston Martin, Bentley Continental GTC V8 và McLaren…

Những tháng đầu tiên của năm 2016 chứng kiến sự hiện diện dồn dập của nhiều siêu xe tại hai thành phố lớn nhất nước. Đó là chiếc Rolls Royce Phantom Series II trị giá 30 tỷ, chiếc Royce Ghost mạ vàng trên vành đúc, nẹp khung, tay nắm cửa có giá khoảng 40 tỷ hay chiếc sedan siêu sang Bentley Mulsanne Speed 2016 trị giá 25 tỷ ở Hà Nội và 3 chiếc Ferrari 488 GTB giá chưa thuế khoảng 16 tỷ tại TP.HCM. Hai phiên bản đặc biệt Phantom Hòa Bình và Vinh Quang cùng Phantom Đông A được thiết kế tùy biến theo yêu cầu chủ nhân sẽ về Việt Nam trong quý II năm nay.

Theo nhận định của Robb Report, cơn sốt siêu xe này gắn với sự gia tăng của tầng lớp người giàu cũng như nhu cầu thể hiện bản thân của họ. Bên cạnh đó, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi cũng tác động không nhỏ đến nhu cầu sở hữu xe sang của người mua. Nếu được Quốc hội phê duyệt, thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực từ 1/7/2016 sẽ khiến giá siêu xe và xe siêu sang tại Việt Nam tăng từ 40-50% so với hiện nay.

Sedan hay SUV

Ví dụ, Jaguar công bố việc sản xuất F-Pace, Bentley ra mắt dòng Bentayga, Lamborghini chào mẫu V10 Huracan mới, trong khi Range Rover giới thiệu mẫu SUV mui trần Evoque đình đám, còn Infiniti ra mắt mẫu QX30 Concept với thân xe cứng cáp và bộ lazăng lớn 21 inch. Alfa Romeo Giulia cũng vừa tung ra mẫu sedan mới Quadrifoglio – mẫu sedan thể thao sang trọng nhất trong dòng Giulian.Nếu như dăm năm trước, sedan hạng sang được ưa chuộng nhờ vẻ lịch lãm cùng khả năng tiết kiệm nhiên liệu thì năm 2015, thị trường xe sang thế giới chứng kiến sự lên ngôi của xe địa hình và xe SUV. Trong năm qua, phân khúc sedan tại thị trường Hoa Kỳ – một trong những thị trường sôi động nhất thế giới với 17 triệu chiếc xe được bán ra năm ngoái – giảm 3,5%, trong khi phân khúc xe SUV tăng 4,4%. Xu hướng chuyển dịch từ sedan sang SUV của người tiêu dùng đã buộc các hãng sản xuất xe hơi phải không ngừng sáng tạo để cạnh tranh trong cuộc đua khốc liệt này. Xét về mức tăng trưởng, thị trường xe SUV sẽ đạt mức 5,36%, đạt 30,2 triệu chiếc vào năm 2020.

Tại Việt Nam, theo quan sát của Robb Report, xu hướng chuyển dịch từ sedan sang SUV diễn ra chậm hơn so với thế giới, và hiện tượng này phản ánh rất đúng thực tế thị trường, nhu cầu cũng như hành vi của người sử dụng. Sự chuyển dịch này có lẽ được thể hiện rõ nét ở dòng xe bình dân, còn với dòng xe sang, bức tranh SUV vẫn đang còn khá mơ hồ. Tuy nhiên, theo nhận định của Robb Report, với sự gia tang của tầng lớp người giàu, các dòng xe SUV sang và siêu sang của các thương hiệu trứ danh như Audi, BMW, Mercedes-Benz, Porsche, Land Rover, Lexus… sẽ luôn là một phân khúc hẹp nhưng đầy sức hút. Tư thế bao quát, gầm cao, phù hợp với nhiều địa hình, khoang ngồi rộng hơn với sức chứa lớn hơn chính là những yếu tố khiến SUV được giới siêu giàu đánh giá cao.