Nghi thức phương Tây và đặc biệt là nghi thức kiểu Anh đang trở thành “món hàng” được người giàu tại các thị trường mới nổi ưa chuộng.
Các thị trường mới nổi như Nga và Trung Quốc đang cho thấy xu hướng “nâng cấp” bản thân bằng các kỹ năng về nghi thức giao tế kiểu Anh của lớp người giàu mới nổi, bao gồm kỹ năng giao tiếp, lựa chọn trang phục, ăn uống, thưởng rượu, và kỹ năng giải trí – từ nghi thức xem biểu diễn ở nhà hát cho đến kỹ năng chơi polo.
Một loạt công ty chuyên cung cấp các khoá đào tạo này đã nhìn thấy cơ hội béo bở tại các thị trường mới nổi này. Đó là Seatton, trường đào tạo nghi thức kiểu Anh được thành lập bởi James Seatton, cựu Tham mưu trưởng cho CEO toàn cầu của hãng quảng cáo nổi tiếng thế giới Ogilvy; Luxury Academy, Institute Sarita, hay thậm chí là Debretts – thương hiệu ra đời từ năm 1769 chuyên cung cấp các khoá đào tạo kỹ năng mềm dựa trên nguyên tắc về phong cách sống của tầng lớp thượng lưu Luân Đôn….

Nghi thức phương Tây là một trong những chuẩn mực của tầng lớp thượng lưu

Chuẩn mực nghi thức phương Tây
Ở Thụy Sĩ có một khái niệm trường học được gọi là Finishing School –  trường dạy các nghi thức giao tiếp và các kiến thức nền tảng xã hội dành riêng cho các tiểu thư thế phiệt trâm anh. Đó là trường Brilliantmont được thành lập từ năm 1882, Château Mont-Choisi ra đời từ năm 1885 hay Institute Videmanette hàng trăm năm tuổi ở Rougemont… – nơi những người nổi tiếng thế giới theo học như phu nhân cựu Tổng thống Pháp Carla Burni-Sarkozy, Công chúa Elena của Rumani, nữ diễn viên Kitty Carlislle, Công nương Diana, nhà thiết kế thời trang người Anh Tamara Mellon…
Ở Hoa Kỳ, hệ thống các trường dạy nghi thức đôi khi được gọi là Charm School. Đó là trường Miss Porter được thành lập vào năm 1843 bởi một học giả nổi tiếng, tác giả của chương trình đào tạo dành riêng cho Edith Hamilton, hay Finch College, một trong những ngôi trường danh giá nhất nước Mỹ chuyên dạy nghi thức cho các tiểu thư lá ngọc cành vàng từ thời bé thơ cho đến khi đi lấy chồng. Từ những năm 1960, nhiều trường trong số này đã đóng cửa do sự thay đổi về chuẩn mực xã hội.

Các trường Finishing School chuyên dạy lễ nghi cho học viên thuộc gia đình trâm anh thế phiệt

Những thị trường béo bở cho các trường dạy nghi thức phương Tây
Là điều phổ biến và bình thường đối với hầu hết người dân xứ sương mù, tuy nhiên, nghi thức kiểu Ăng-lê lại được xem là chuẩn mực vàng trong kinh doanh quốc tế cũng như ngành kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Trong những năm gần đây, nhu cầu tìm hiểu các nghi thức trong quốc tế tăng cao, đặc biệt tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương như Trung Quốc, Ấn Độ, Brunei và Malaysia.
Nghi thức kinh doanh quốc tế là một trong những mảng hốt bạc của các đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo nghi thức nói chung. Theo báo cáo mới nhất của Technavio mang tên Business Etiquette Training Market in APAC 2017-2021, thị trường đào tạo nghi thức kinh doanh toàn cầu được định giá ở mức 645 triệu USD, trong đó, doanh số đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm tỷ trọng lớn với mức tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 16%. Các khoá đào tạo tuỳ biến theo yêu cầu cá nhân và doanh nghiệp được đánh giá ở mức 387 triệu USD trong năm 2016, trong khi lĩnh vực này tại Trung Quốc đang tăng trưởng với mức CAGR 14.51%. Dự báo, thị trường này trên toàn cầu sẽ đạt mức 1,3 tỷ USD.

Kinh doanh cũng có những chuẩn mực, nghi thức riêng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nghi thức kinh doanh quốc tế đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các cá nhân cũng như doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, đang đầu tư mạnh tay vào việc đào tạo nghi thức kinh doanh cho đội ngũ quản lý điều hành lẫn các chuyên viên phục vụ khách hàng cao cấp như một cách thức tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Nhiều công ty cung cấp dịch vụ đào tạo kiến thức về hành vi ứng xử trong kinh doanh của Anh và châu Âu như Luxury Academy, Seatton, Institute Sarita, Debretts… đã tìm thấy cơ hội tại Trung Quốc – thị trường chủ lực tại châu Á. Các chuyên gia đào tạo của những công ty này cho rằng, nếu như trước đây, lớp người giàu ở Trung Quốc chỉ chú trọng đến việc tậu những món đồ hàng hiệu như một cách thức chứng tỏ vị thế và đẳng cấp của mình thì giờ đây, họ đang cố gắng “nạp” kiến thức về nghi lễ giao tế kiểu Anh để tạo nên sự khác biệt cho mình. Khoảng chục năm trước, các học viên của những trường đào tạo này là những người mê sở hữu hàng hiệu, từ đồng hồ, xe hơi cho đến những chiếc túi Hermes sang chảnh. Nhưng bây giờ, họ đã nâng cấp bản thân lên một tầm mới bằng những kiến thức về cách bắt tay, sử dụng dao nĩa hay thưởng vang. Một khoá học 2 tuần tại Institute Sarita của Sara Jane Ho, nữ doanh nhân từng tốt nghiệp trường Harvard danh giá và được Forbes bình chọn là một trong 12 phụ nữ châu Á tiêu biểu, có mức phí 10.000 bảng Anh nhưng luôn thu hút được nhiều quý bà, quý cô giàu có. Họ học cách ăn hàu với nĩa, húp súp mà không phát ra âm thanh, phát âm đúng tên của những nhãn hàng xa xỉ, cách tổ chức tiệc trà chiều kiểu Anh, cách chơi golf, cưỡi ngựa, cách giao tiếp với đối tác nước ngoài… Học viên của trường là những quý bà, quý cô giàu có đến từ nhiều vùng miền trên lãnh thổ Trung Quốc, thậm chí từ cả Hồng Kông và Đài Loan.

Tất cả đều được dạy kỹ lưỡng, từ những hành vi đơn giản nhất như gắp thức ăn, uống rượu

Dù không có liên kết trực tiếp với hoàng gia, nhưng Debrett vẫn gắn với các dịch vụ liên quan đến nghi thức giao tiếp, ứng xử hay ăn mặc của hoàng gia. Ngay cả Văn phòng hộ chiếu HM ​​ở Anh cũng sử dụng các dịch vụ của Debrett khi cấp hộ chiếu cho gia đình hoàng gia. Năm 2013, thương hiệu nổi tiếng này gia nhập thị trường Hồng Kông và Trung Quốc, phục vụ các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Nhiều định chế tài chính ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Hồng Kông đã sử dụng dịch vụ của Debrett để đào tạo cho đội ngũ chuyên viên mảng ngân hàng cao cấp (private banking), từ cách thức ăn mặc, nghi thức dùng rượu, nghi thức tổ chức tiệc tối, từ cách trải khăn bàn ăn, cách dùng dao, nĩa đúng cách, cho đến cách gắp món ăn…
Nhiều công ty kinh doanh bất động sản tại Trung Quốc cũng sử dụng dịch vụ của Debrett để giúp đội ngũ nhân viên của mình hoàn thiện chất lượng phục vụ khách hàng giàu có.
Các khoá học tại những trường đào tạo nghi thức quốc tế này được thiết kế dành cho cấp quản lý điều hành, những người thường phải làm việc với đối tác phương Tây hoặc các chuyên viên phục vụ lớp khách hàng giàu có. Một số khoá học được thiết kế theo yêu cầu cho các chủ doanh nghiệp hoặc thành viên HĐQT, tập trung vào kỹ năng ứng xử khi tham gia các sự kiện của giới thượng lưu, kỹ năng tổ chức tiệc dành cho khách VIP…
Tại Nga, Dina Karpova, một nữ doanh nhân từng phất lên nhờ kinh doanh bất động sản, đã mạnh dạn khai phá lĩnh vực đào tạo kỹ năng dành cho con cái của lớp siêu giàu người Nga để đảm bảo rằng lớp thượng đế nhí này có thể tự tin bước chân vào các ngôi trường danh giá ở Anh. Chương trình của bà bao gồm cung cách hành xử cơ bản, nghi thức, kể cả kiến thức nhằm đạt được các tiêu chuẩn học thuật và tiếng Anh bắt buộc. Du học tại các trường danh giá hàng đầu ở xứ sương mù đang trở thành mốt tại Nga, và do đó, các khoá học của Karpova thu hút rất nhiều học viên nhí cũng như sự quan tâm của lớp phụ huynh giàu có.