“Hãy đi chậm lại và tận hưởng cuộc đời. Khi đi quá nhanh, bạn không chỉ bỏ lỡ quang cảnh – bạn cũng bỏ lỡ cả cảm nhận mình đang đi đâu, và tại sao”. Nhưng, cuộc đời luôn có vô số chữ nhưng và… giá như.

Có lẽ ít khi nào mà chuyện sống chậm được đề cập nhiều như mấy năm trở lại đây. Giờ nhiều người thích sống như lời của danh hài Eddie Cantor (1892-1964): “Hãy đi chậm lại và tận hưởng cuộc đời. Khi đi quá nhanh, bạn không chỉ bỏ lỡ quang cảnh mà còn bỏ lỡ cả cảm nhận mình đang đi đâu, và tại sao”. Nhưng, cuộc đời luôn có vô số chữ nhưng và… giá như.

Đáng lý, thuận theo lẽ tự nhiên thì cái gì rồi cũng chậm dần đều, đến lúc nào đó sẽ “dừng lại” và “ngủ yên” mãi mãi. Thời du canh du cư, thời săn bắt hái lượm, thậm chí suốt chiều dài hàng ngàn năm của nền nông nghiệp, đa số sống từ nhanh đến chậm và dừng lại. Nhưng thời công nghiệp, rồi công nghệ lại rất khác, đa số sống từ chậm đến nhanh.

Còn nhớ, năm 1985, khi Windows 1.0 ra đời, đặt nền tảng cho các hệ điều hành hiện đại, tưởng rằng như vậy đã là quá nhanh, quá mạnh, khó vượt qua. Vậy mà chỉ vài năm sau, Windows đã cập nhật và nâng cấp, nhanh đến chóng mặt. 25 năm sau, năm 2010, iPad ra đời, với một sự nhanh mạnh và tiện ích ấn tượng, vượt qua các hình dung trước đó. Những ai sinh năm 1985 sắp bước vào tuổi trung niên đã biết hoặc đã xài vài đời điện thoại thông minh sẽ nhận ra rằng càng về sau, sự thay đổi càng nhanh hơn, trong khi chủ nhân của những chiếc điện thoại ấy thì cứ chậm dần đều. Nói nôm na, điện thoại thì cứ trẻ khỏe ra, còn chủ nhân thì cứ già yếu đi. Trước nghịch lý đó, có xảy ra mâu thuẫn hoặc bi kịch, cũng là điều dễ hình dung.

Những phát kiến về năng lượng, sóng, hạt… trong thời gian gần đây sẽ còn đưa loài người đi nhanh hơn nữa, trong khi thời gian của mỗi người thì vẫn thường hữu hạn trong 100 năm. Trước đây, nhà nông có câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm/Nuôi tằm ăn cơm đứng” là để chỉ sự khó khăn, nhanh chậm khác nhau của từng công việc. Nuôi lợn có thể nghèo hơn nuôi tằm, nhưng bù lại, nhàn tản hơn. Thời xưa cuộc sống thiếu thốn, nghèo khó, nhưng đa số chỉ mất từ 6 đến 9 tháng làm việc, còn lại nghỉ ngơi, lễ tết, hội hè. Thời nay, cuộc sống đủ đầy hơn, sung túc hơn, nhưng đa số chúng ta phải làm việc gần như suốt năm, chỉ có 12 ngày phép và một số ngày lễ tết. Đó cũng là cái giá của nghịch lý nhanh và chậm, của đủ và thiếu.

Đã có một thời gian dài chúng ta quan niệm rằng thời gian là tuyến tính, đường thẳng từ A đến Z, đi chậm thì mất nhiều thời gian hơn đi nhanh. Thế nhưng, những nhận thức mới về thiên văn, về vật lý… đã khôi phục lại quan niệm xa xưa rằng cung đường của thời gian là chu kỳ quay vòng tròn, nghĩa là có đi nhanh thì cũng đến thời đến khắc đó là tết, mà đi chậm cũng vậy thôi. “Dù mỗi ngày ta xé đi năm mười tờ lịch/Nhưng thời gian đâu có chịu trôi nhanh” – Nguyễn Bắc Sơn đã từng viết như vậy. Thế nên, trước nghịch lý nhanh và chậm, sự chọn lựa của mỗi người sẽ quyết định thái độ sống của họ, trong đó có việc mưu cầu hạnh phúc, an lạc.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Một + Hai mang chủ đề “The Ultimate Gift Guide”)