Đó là một năm đầy khó khăn đối với thế giới nghệ thuật. Đại dịch Covid-19 khiến các viện bảo tàng và phòng trưng bày phải đóng cửa trong nhiều tháng. Các chương trình triển lãm được lên kế hoạch trước đó đã bị trì hoãn. Doanh thu từ việc bán vé, gala và hội phí đã bị thiệt hại đáng kể.

Coronavirus là thủ phạm gây ra những bất cập này. Khi cái chết của George Floyd mở ra các cuộc biểu tình đòi công bằng cho người Mỹ gốc Phi với hashtag Black Lives Matter khắp các thành phố lớn nhỏ, nỗi thất vọng dồn nén về sự bất bình đẳng chủng tộc trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống người Mỹ đã nổ ra. Và các viện bảo tàng nghệ thuật lớn, nơi được xem là bệ đỡ của những giá trị tiến bộ, cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, những thách thức ngoại cảnh đó không thể cản trở được sức sáng tạo nội tại của con người. Ngày 11/3/2021 đã tạo nên một cơn địa chấn mới, san phẳng ranh giới giữa thực và ảo khi tác phẩm Non-Fungible Token (NFT) có tên gọi Everydays: The First 5000 – bức tranh ghép các hình ảnh mà nghệ sĩ Mike Winkelmann đã thực hiện từ năm 2007 – được nhà đấu giá Christie’s chốt giá thành công ở mức 69,3 triệu USD. Thậm chí, dòng tweet đầu tiên của nhà sáng lập Twitter – Jack Dorsey – với vỏn vẹn 20 chữ cái: “Just setting up my twttr” cũng được mua với mức giá không tưởng: 2,5 triệu USD! Doanh số từ các cuộc đấu giá nghệ thuật đương đại đã cán mức 2,7 tỷ USD trong năm qua – chủ yếu từ hình thức đấu giá trực tuyến, trong đó các tác phẩm NFT chiếm một phần ba doanh số bán hàng trực tuyến và 2% tổng thị trường nghệ thuật theo dữ liệu của Artprice.

Raffaello 1520-1483 – Sự kiện nghệ thuật

Lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất của Raffaello – họa sĩ và kiến trúc sư nổi tiếng người Ý – lẽ ra đã được diễn ra với một cuộc triển lãm lịch sử quy mô vào tháng 3/2020, hứa hẹn mang đến một lượng lớn khách du lịch đến với thành Rome. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 ập đến, các quy định y tế khắt khe đã buộc Scuderie del Quirinale phải hủy bỏ chỉ ba ngày sau khi khai mạc. Để không phụ lòng những tín đồ nghệ thuật, các nhà quản lý triển lãm đã quyết định mở cửa trở lại vào tháng 6 với việc trưng bày các tác phẩm của Raffaello.

120 tác phẩm của bậc thầy hội họa cùng 80 hiện vật do các giám tuyển chọn lựa đã tạo ấn tượng mạnh cho quan khách.

Bức Madonna and Child With Saint John the Baptist, 1510, sơn dầu

Beeple – Thiết lập luật chơi mới cho lĩnh vực đấu giá

Trước ngày 11 tháng 3, có thể bạn chưa từng biết đến khái niệm “non-fungible token” – mã xác thực quyền sở hữu cho một tài sản số – hoặc NFT cùng cái tên Beeple, người đã tạo ra tác phẩm Everydays: The First 5000 Days, một tác phẩm kỹ thuật số ghép các hình ảnh mà nghệ sĩ Mike Winkelmann (Beeple) đã thực hiện từ năm 2007. Nhưng chắc chắn, vào ngày đó, bạn đã nghe đến con số 69,3 triệu đô-la tiền điện tử từ việc bán bức tranh này tại Christie’s.

Cả các nhà phê bình nghệ thuật lẫn các nhà bảo vệ môi trường đã rất kinh ngạc (Beeple?) bởi việc tạo ra một NFT – token mã hóa trên blockchain có thể xác minh và được lưu trữ trên một chuỗi khối, đại diện cho một tài sản duy nhất, không có giá trị thay thế lẫn nhau – tiêu thụ một lượng điện đáng kinh ngạc. Nhưng NFT đã nhanh chóng khẳng định vị trí của nó trong văn hóa đại chúng bất chấp sự hoài nghi sâu sắc. Một nhà báo của New York Times đã gây quỹ từ thiện bằng cách bán một token NFT trong chuyên mục của mình về NFT; một nghệ sĩ tên là Fridge đã dựng một bảng quảng cáo ở SoHo có mã QR có thể quét được và đặt tiêu đề Nothing Fucking There; một người đàn ông đã bán đấu giá NFT dòng tweet nổi tiếng năm 2017 của mình về một “bữa tối” bánh mì pho mát buồn bã trong hộp xốp phục vụ tại Fyre Festival.

Thế nên, sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên khi Pace Gallery bắt tay cùng nghệ sĩ Urs Fischer để phát hành một loạt phim NFT. Thế giới của NFT là nơi mọi người có thể gia tăng nguồn thu nhập trong vũ trụ ảo có tên gọi “Metaverse”.

Frick Madison – Tái tưởng tượng nghệ thuật

Các tác phẩm của nhiều danh họa châu Âu thế kỷ 18 đã không còn trẻ trung và tươi mới trong những thế kỷ qua. Vào tháng 3, Frick Collection, bộ sưu tập hội họa được trưng bày trong dinh thự của người sáng lập Henry Clay Frick trên Đại lộ số 5 kể từ khi mở cửa vào năm 1935, tạm thời được lưu giữ tại tòa nhà Marcel Breuer thuộc Bảo tàng Whitney ở Manhattan vốn cách đó không xa khi Ngôi nhà thời hậu chiến đang trong giai đoạn trùng tu.

Các tác phẩm của Titian, Gainsborough và Veronese của chủ nghĩa kiến trúc Brutalist có vẻ thô mộc và khó hiểu, nhưng khi cần thu hút sự đối lập lại thực sự phát huy tác dụng. Có lẽ dinh thự được trang trí công phu của Frick khiến người ta tưởng tượng về cách mà các ông trùm tư bản sống cùng với những kiệt tác nghệ thuật một thế kỷ trước, trong khi không gian ở Breuer là nơi nghệ thuật được tổ chức theo thứ tự thời gian và địa lý trong các phòng trưng bày ấm cúng và thân mật.

Nếu bức chân dung tự họa năm 1658 của Rembrandt không khiến bạn nổi da gà, thì có lẽ Mistress and Maid của Vermeer, tác phẩm cuối cùng mà Frick sưu tập được trước khi qua đời vào năm 1919, sẽ khiến bạn sửng sốt. Những món đồ sứ châu Âu và châu Á, thảm Ấn Độ và đồ nội thất Pháp cũng hiện diện trong bộ sưu tập, trong đó St. Francis in the Desert của Bellini là niềm tự hào của bảo tàng.


(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 12 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “Best of the best”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây)