Những đường nét hòa hợp và nhịp nhàng

Piet Mondrian và những khối màu nghệ thuật hình học

Niềm đam mê nghệ thuật của Piet Mondrian đối với các đường vẽ thẳng trong tranh trừu tượng và cuộc cách mạng nghệ thuật De Stijl cuối những năm 1910 đã cho ra đời bức tranh sơn dầu trên vải canvas nổi tiếng: Composition II in Red, Blue and Yellow (1939). Qua những khối màu cơ bản đỏ, xanh, vàng, trắng kết nối bằng những đường đen ngang và dọc có chủ đích, bức tranh đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật vô tận cho các sáng tạo ứng dụng trong cuộc sống, từ nội thất, thời trang, cho đến ẩm thực và làm đẹp.

Là một trong những người tiên phong trong chủ nghĩa Neo-Plastic – nền tảng của phong trào De Stijl, Piet Mondrian theo đuổi phong cách hội họa tạo hình và khối với các tác động mạnh mẽ lên trực giác. Trong đó, các khối hình học và sắc màu cơ bản đã giúp ông thoát khỏi những đường nét bó buộc của hội họa truyền thống. Những nghệ sĩ theo De Stijl đề cao nghệ thuật tối giản để «vẽ» và truyền tải thông điệp về những yếu tố cốt lõi của thiên nhiên và cuộc sống, qua đó đưa thế giới xích lại gần nhau hơn.

Yayoi Kusama – nàng công chúa của những chấm tròn

Khi polka dots – những chấm bi xuất hiện khắp nơi từ áo quần đến giấy dán tường, từ tông trắng đen đến các sắc màu sặc sỡ, từ những chấm li ti trên bộ bikini đời đầu của các siêu sao Hollywood đến các chấm tròn phá cách đủ màu tươi vui trên áo các thiếu nữ trẻ châu Á, chúng ta vẫn chưa lý giải được sức hấp dẫn của polka dots. Nhưng Yayoi Kusama, một trong những nghệ sĩ Nhật Bản có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, đã giải mã được mối liên kết của những chấm tròn gắn kết ý niệm sống, nghệ thuật và cuộc sống hàng ngày.

Bắt đầu từ những ảo ảnh thị giác xuất hiện suốt thời thơ ấu khi Kusama bị chính mẹ ruột ngược đãi, bà đã bắt đầu vẽ những chấm tròn từ năm lên 10 tuổi. Bức tranh đầu tiên mang tên «Untitled» (không đề) là hình ảnh chân dung của mẹ bà trên nền những chấm tròn. Những chấm tròn ấy là ánh sáng cuối đường hầm, là biểu tượng của mặt trời, mặt trăng, trái đất, vũ trụ, là những gì sẽ lấp đầy tương lai của bé gái Yoyoi sau những tháng ngày đau khổ. Từ hội họa, Kusama đã mang những chấm tròn ám ảnh đến với nghệ thuật đương đại qua các tác phẩm điêu khắc («Accumulations», Châu Âu, 1962), nghệ thuật sắp đặt («Aggregation: One Thousand Boats Show», New York, 1963), và ngày càng mở rộng khi bà đưa vào triển lãm các chất liệu cuộc sống  như gương, kính, dây đèn, tượng ma-nơ-canh, những chiếc váy mì ống, và cả những chú chó con cũng được phủ đầy chấm tròn. Sức hút không thể cưỡng lại từ những chấm tròn ấy chính là mối liên hệ giữa mỗi cá nhân với nhau và với vạn vật vĩnh hằng.