Nếu năm đầu tiên của đại dịch là một thách thức đối với thế giới nghệ thuật, với các phòng trưng bày, triển lãm và nhà đấu giá buộc phải chuyển sang hình thức trực tuyến để trụ vững, thì năm thứ hai là một thử nghiệm. Cảm nhận lĩnh vực này đang ở thời điểm quan trọng, nhiều thương hiệu đã trình làng các dự án và sáng kiến mới để cùng lúc mở rộng và kết hợp nguồn lực.

Trong những ngày đầu đóng cửa vào năm 2020, David Zwirner, người có kế hoạch cho phòng trưng bày kỹ thuật số quy mô của riêng mình, đã tạo ra Platform, một nền tảng hiển thị các tác phẩm từ nhiều phòng trưng bày nhỏ ở Mỹ và châu Âu. Với vị trí giám đốc là Ebony L. Haynes, 52 Walker không đại diện cho các nghệ sĩ nhưng tổ chức bốn buổi diễn mỗi năm, giống như một kunsthalle đích thực. Tổ chức này cũng phục vụ một mục đích khác cho Zwirner, người đã đấu tranh để đa dạng hóa đội ngũ lãnh đạo và tạo tiếng nói cho các chuyên gia BIPOC: Haynes là giám đốc người da đen đầu tiên của Zwirner, và nhân viên của cô cũng là người da đen.

Các phòng trưng bày khác tiếp tục việc mở rộng địa lý với kế hoạch mở chi nhánh tại Los Angeles. Pace Gallery đã đẩy nhanh quá trình này bằng cách thu hút một doanh nghiệp nhỏ hơn – Kayne Griffin Gallery. Trong khi đó, sau khi phần lớn thế giới nghệ thuật sụp đổ vào năm 2020 vì đại dịch với việc đóng cửa các cửa hàng pop-up ở các điểm đến nghỉ dưỡng như Palm Beach và East Hampton, các phòng trưng bày nghiêng về mô hình linh hoạt, hướng đến Aspen cho mùa hè tới.

Một phòng trưng bày đi đầu trong xu hướng pop-up là Lévy Gorvy, kết quả hợp tác giữa Dominique Lévy và Brett Gorvy với không gian cố định ở New York, London, Paris và Hong Kong. Mùa đông vừa qua, Lévy Gorvy đã hợp tác với hai đại lý khác, Amalia Dayan và Jeanne Greenberg Rohatyn, để thành lập LGDR. Tổ chức mới sẽ đại diện cho số ít nghệ sĩ hơn trong khi dựa vào chuyên môn đáng kể của bốn người để tư vấn cho các nhà sưu tập và môi giới.
Như đã dự đoán trong chuyên mục này năm ngoái, niềm đam mê với NFT tiếp tục tăng lên. Rất nhiều nghệ sĩ đã tham gia vào lĩnh vực này, và cả Pace và Lehmann Maupin đã tạo ra các mảng chuyên về NFT. CEO của Pace, Marc Glimcher, đề cập đến các thế hệ kỹ thuật số bằng giải thích: “Máy tính là nơi dành cho họ chứ không đơn thuần là một công cụ. Chúng ta có thể không thích điều này, nhưng vẫn phải chấp nhận”.

Đấu giá – BST Macklowe

Phiên đấu giá đầu tiên đã mang về 676 triệu USD – một kỷ lục đối với một giao dịch dành cho một chủ sở hữu duy nhất – khi Sotheby’s bán được 35 tác phẩm vào tháng 11/2021. Giá trung bình đạt được là 19,3 triệu USD, với bốn tác phẩm của Rothko, Giacometti, Pollock và Twombly thu được 50 triệu USD. Mức doanh thu phản ánh chất lượng tác phẩm trưng bày tại bảo tàng, được chọn lọc từ BST của nhà Macklowe. Cặp đôi bắt đầu sưu tập những tác phẩm nghệ thuật vào cuối những năm 1950, và chỉ trong vài thập kỷ đã sở hữu được hơn 150 tác phẩm. 30 tác phẩm cuối cùng trong bộ sưu tập hiện đại và đương đại của Macklowe bao gồm các tác phẩm nổi tiếng của Mark Rothko, Andy Warhol, Pablo Picasso, Alberto Giacometti, Gerhard Richter, Sigmar Polke, Jean Dubuffet và Willem de Kooning.

Nhiếp ảnh – Peter Fetterman

Trong giai đoạn “bế quan tỏa cảng” vào năm 2020 vì đại dịch Covid-19, Peter Fetterman – nhà sưu tập ảnh lâu năm có phòng trưng bày ở Santa Monica, California – bắt đầu chia sẻ một hình ảnh mỗi ngày trong bản tin điện tử mà ông gọi là “Sức mạnh của Nhiếp ảnh”. Đi kèm với bức ảnh sẽ là lời ca ngợi nghệ sĩ, dù đó là một tạo vật kỷ niệm mang tính cá nhân hay một món đồ mang dấu ấn cộng đồng.

Có những bức chân dung của những người nổi tiếng (Lincoln, Churchill, McCartney và Lennon, Muhammad Ali) và của những người bình thường, bao gồm cả bức ảnh tuyệt đẹp của Edward S. Curtis năm 1904 về một người đàn ông Hopi.

Thật khó để liệt kê hết những tác phẩm nhiếp ảnh bất hủ – từ bức ảnh cổ điển của Alfred Eisenstaedt về một người phục vụ trượt băng ở St. Moritz và bức khỏa thân duyên dáng của Ruth Bernhard cho đến bức ảnh chim công ma mị của Miho Kajioka và những quả lê tinh xảo của Paul Caponigro. Và cuốn sách Sức mạnh của Nhiếp ảnh đã tri ân 120 nghệ sĩ trong số 700 nhân vật đáng kính đó.

Phòng trưng bày – Mickalene Thomas

Mickalene Thomas bức March 1976, được thực hiện từ kim cương nhân tạo, kim tuyến, acrylic và sơn dầu gắn trên khung gỗ gụ.
Mickalene Thomas, bức March 1976, được thực hiện từ kim cương nhân tạo, kim tuyến, acrylic và sơn dầu gắn trên khung gỗ gụ. (Ảnh: Artists Rights Society (ARS), New York)

Những quy định an toàn thời đại dịch ảnh hưởng không chỉ đến các viện bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật, mà còn cả giới nghệ sĩ. Mickalene Thomas đã quen làm việc trực tiếp với những người mẫu trong studio của mình ở Brooklyn, nơi cô tạo ra những bộ ảnh với không gian sống động của thập niên 70 để làm bối cảnh cho những bức ảnh phong cách, ảnh ghép và tranh của các nữ nghệ sĩ da màu. Trong thời gian giãn cách, Thomas đã chuyển hướng sang những bộ ảnh lịch Jet cổ điển, với hình ảnh những người phụ nữ da đen trong các trạng thái nude hoặc các tư thế khác nhau. Những người phụ nữ trong các sáng tác của Thomas là hiện thân của vẻ quyến rũ, nhưng cũng vô cùng táo bạo.

New York chỉ là phần đầu tiên trong series triển lãm do Thomas thực hiện tại bốn phòng trưng bày của Lévy Gorvy ở khắp ba lục địa. Luân Đôn là nơi ra mắt nhiều bức tranh phản lực, Paris nổi bật với những bức tranh sơn dầu và nghệ thuật sắp đặt video từ loạt phim của cô, trong khi Hồng Kông giới thiệu các bức chân dung trừu tượng hơn.

Retrospective – Joan Mitchell

Không gian nghệ thuật New York trong thập niên 40-50 là lãnh địa của các nghệ sĩ phái mạnh. Mặc dù Peggy Guggenheim, Betty Parsons và những nữ nghệ sĩ khác vẫn có chỗ đứng quan trọng, nhưng không gian dành cho họ vẫn rất khiêm tốn. Joan Mitchell đã phá bỏ ranh giới này khi đứng ngang hàng với các ông lớn, tạo được danh tiếng với những bức tranh tuyệt đẹp được bán cho các viện bảo tàng tên tuổi. Sau khi chuyển đến Pháp vào năm 1959, bà vẫn là một phần quan trọng của giới thượng lưu cho đến khi qua đời vào năm 1992. Triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco ngày 14/10 vừa qua đã tôn vinh các tác phẩm của bà.