Tất nhiên, cái ngày đấy cũng chưa hẳn xưa lắm với những tần tảo vất vả thời bao cấp. Đường sắt lúc ấy đúng là một huyền thoại hoang đường, nhất là những giai thoại nửa thực nửa hư loanh quanh đoàn tầu Thống Nhất…
Những năm tuyệt nhiên chưa có hàng không dân dụng, đường bộ gian nan khủng khiếp thì tầu Thống Nhất là một phương tiện đặc biệt kỳ lạ với một sứ mệnh cũng lạ kỳ không kém. Những năm bao cấp ngăn sông cấm chợ, đất nước cố gồng mình lạc quan nối liền bằng một hệ thống đường sắt lạc hậu vào loại hàng đầu thế giới. Thăm người thân rồi tranh thủ nhặt nhạnh buôn bán, không biết bao nhiêu sứ mệnh kinh tế quân sự dân sự hầu như đều nhờ những toa tầu cũ kỹ kẽo kẹt gánh hết. Nhân viên của tầu Thống Nhất được coi là một mẫu hotboy thời thượng cho không biết bao nhiêu thiếu nữ tới tuổi cập kê. Nếu chạy chiều từ Bắc vào thì mọi ngóc ngách nhét đầy thuốc lá sợi Lạng Sơn, thuốc kháng sinh, và nguy hiểm kinh hoàng là xăng. Cứ vài ba tháng, báo chí lại thản nhiên buồn bã đưa tin có một vài toa tầu bùng bùng cháy. Nếu chạy từ Nam ra thì mang vải vóc, phụ tùng xe Honda, xe đạp Chợ Lớn… Thời gian tầu chạy từ Hà Nội đến Sài Gòn, nhanh nhất hết chừng năm đêm sáu ngày, còn chậm thì không thể tính. Bộ Giao thông gọi người đi tầu là “hành khách” thật quá đúng. Có những chuyến gặp bão lụt, những người này bị “hành” trên đường tới gần hai tuần. Nhờ thế mà không biết bao nhiêu mối tình hoặc phi thường hoặc bình thường đã thăng hoa.
Với những người lần đầu tiên rời phố rời làng hồi ấy, được ngồi cạnh cửa sổ ngắm cảnh là một đại khoái thú. Những cánh đồng mướt xanh khu Bốn cũ. Những làng chài thấp thoáng nét sơn thủy miền Trung. Những phố xá trầm vắng long lanh ánh đèn muộn, dọc theo quốc lộ miền Nam vẳng nhẹ giai điệu bolero. Ngay cả ăn uống cũng đa dạng phong phú, người ta gọi tên ga theo ẩm thực từng vùng. Ga “phở trâu”, ga “gà”, ga “chôm chôm”. Đồng Hới là nồng nàn cơm thịt lợn rán cho những cặp đang yêu. Huế là bún bò giò heo cay tê lưỡi con trẻ. Diêu Trì là gà xé phay rượu mía, quà kết bạn cho những người ngồi cùng khoang. Nó khác hẳn bây giờ, hành khách chỉ cúi mặt vào smartphone, hiếm hoi mới có một vài người trẻ bơ vơ nghiêng ngó ra ngoài. Mà bên ngoài thì Quy Nhơn cũng chẳng khác gì Vinh. Vẫn một kiểu nhà a dua đơn điệu ba tầng để lửng, nửa quê nửa tỉnh.
Lâu lắm rồi không đi tầu hỏa nữa, chỉ còn trong sâu xa những hoài niệm ám ảnh. Và nhớ nhất là những đoạn ngang dân sinh yên bình cắt qua đường ray lững thững chạy vào làng. Barie là dây thừng là thanh tre. Lơ thơ vài đứa trẻ rất khó phân biệt trai gái, tóc khét vàng chăn bò. Bọn trẻ giơ tay vẫy, mắt tím sẫm hoàng hôn mang cái nhìn níu kéo. Hình như chúng đang lẩm nhẩm “con tầu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui…”