Chưa bao giờ các tuần lễ thời trang từ Á sang Âu lại diễn ra ảm đạm đến vậy. Sắc màu nào cho bức tranh 2020?

(Đọc kỳ 1 tại đây)

Thời trang đường phố và triển vọng từ những cuộc “hợp hôn” bất xứng

Dù có bi quan đến mấy thì chúng ta vẫn phải tin rằng đại dịch rồi cũng sẽ phải kết thúc. Chúng ta tin rằng, giống như một người ngã bệnh sau hồi phục, lĩnh vực thời trang sẽ bứt phá với sức mua mạnh mẽ, đặc biệt là từ phân khúc khách hàng thuộc thế hệ Y và Z – lực lượng lao động chính đồng thời là đối tượng tiêu dùng nòng cốt của thị trường toàn cầu.

Có lẽ khó mà phủ nhận được tầm quan trọng của phân khúc khách hàng thuộc thế hệ Y và Z. Nếu thế hệ Y là những người sinh từ năm 1980 đến 1995, lớn lên giữa lằn ranh của thời kỳ không có Internet và kỷ nguyên công nghệ số cùng các phương tiện truyền thông xã hội thì thế hệ Z chính là những cư dân số hóa đích thực ngay từ thuở lọt lòng.

Và dù có những điểm khác nhau về nhân sinh quan, cả hai thế hệ này đều là những người cởi mở, biết nắm bắt xu hướng mà không bị quyến rũ bởi những gì mang tính hình thức. Bởi thế, họ không coi trọng các giá trị sở hữu như thế hệ cha ông mà đề cao giá trị trải nghiệm. Họ có thể ở nhà thuê, đi xe công nghệ, chuộng thời trang đường phố, nhưng cũng sẵn sàng “xuống tiền” để có được những kỳ nghỉ trong mơ. Theo số liệu của Bain & Company, sức mua của cả hai nhóm khách hàng này sẽ chiếm tới 55% thị trường xa xỉ toàn cầu vào năm 2025.

Chính bởi tầm quan trọng của hai nhóm khách hàng nòng cốt này mà thời trang đường phố đang có xu hướng thống lĩnh với khả năng làm lu mờ ánh hào quang của thời trang haute couture vốn gắn với sự xa hoa và bảo thủ.

Và nếu như trước đây, các thương hiệu thời trang xa xỉ có thể thu hút được lớp khách hàng lớn tuổi bằng thứ hào quang lộng lẫy nhưng lạnh lùng thì giờ đây, với lớp khách hàng mới này, không dễ để thu hút sự chú ý của họ. Thế nên, các thương hiệu xa xỉ đang buộc phải thoát khỏi vỏ bọc cũ kỹ, trưởng giả cố hữu của mình để bắt tay với những tên tuổi gây sốt thị trường hiện tại. Ranh giới giữa các nhãn hiệu xa xỉ và thời trang đường phố dường như đang bị xóa nhòa.

Ba năm trước, thương vụ bắt tay giữa gã khổng lồ xa xỉ Louis Vuitton cùng Supreme, một thương hiệu thời trang đường phố có trụ sở tại New York từng bị hoài nghi là màn “hợp hôn” khập khiễng, vậy nhưng, khoản tiền 23 tỷ USD kếch sù mà ông lớn Louis Vuitton đút túi cùng mức tăng trưởng lợi nhuận 23% của tập đoàn LVMH một phần được tạo ra từ màn hợp tác nói trên đã khiến nhiều kẻ từng cười thầm trong bụng phải rỏ nước dãi.

Đầu năm 2018, Jimmy Choo nhảy vào sân chơi này bằng cú bắt tay cùng Off White – thương hiệu thời trang đường phố phong cách Ý để tung ra BST siêu phẩm “tàng hình” – những đôi ankle trap được bao bọc khéo léo bởi một lớp nhựa dẻo trong suốt vô cùng ấn tượng. Dior hợp tác cùng nghệ sĩ đường phố danh tiếng KAWS để tung BST Xuân-Hè 2019 mang họa tiết chú ong theo phong cách của KAWS được thêu nổi bên trên.

Những màn hợp hôn “bất xứng” khác cũng liên tiếp diễn ra, từ Burberry-Gosha Rubchinskiy, Stella McCartney-Adidas, Tommy Hilfiger-Vetements cho đến Supreme với Rimowa, Levi’s, Nike Inc., Lacoste, The North Face, hay mới đây là công bố của “cặp đôi” Dior-Stussy…

Tính bền vững

So với ngành kiến trúc và xây dựng, lĩnh vực thời trang dường như đang tụt lại phía sau bởi nguy cơ tiêu tốn năng lượng và gây ô nhiễm. Tuy nhiên, sự chuyển dịch trong tư duy của các ông lớn thời trang, từ Prada, Michael Kors, Coach, Burberry và Chanel, Ralph Lauren cho đến những nhà thiết kế trẻ đồng thời là nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật như Stella McCartney đang cho thấy triển vọng của một ngành công nghiệp hướng đến các giá trị cốt lõi cho môi trường sống.

Nếu Prada, Michael Kors, Coach, Burberry và Chanel ra tuyên bố không sử dụng lông thú trong các bộ sưu tập, Ralph Lauren đặt mục tiêu sử dụng 100% nguyên liệu chính có nguồn gốc bền vững vào năm 2025 đồng thời giảm khí thải nhà kính tại chỗ thì Stella McCartney đang thúc đẩy các vật liệu mới như Mylo, một loại da nhân tạo làm từ nấm hay viscose, loại vải tơ nhân tạo có nguồn gốc từ vỏ cây. Các thương hiệu thời trang xa xỉ đang bắt đầu triển khai cuộc cách mạng vật liệu, chẳng hạn, da vegan – có thể thay thế da động vật – được tạo nên từ những chất liệu tự nhiên như lá dứa, vỏ táo, sợi dừa, xơ sợi trái cam, vỏ cây và cà phê…