Tùy biến cũng giống như việc khắc họa tính cách của một người lên chiếc xe mà họ sở hữu.

Người ta thường bảo, giới nhà giàu khi mua xe thường không quen với việc bị từ chối, trừ khi đó là một yêu cầu thuộc vào loại không tưởng. Thật may là các thương hiệu như Rolls-Royce, Bentley, Aston Martin, Lamborghini hay thậm chí cả Porsche lại rất sành sỏi trong khâu nói “Có”. Ghế sưởi hay cần số bọc da đã là những yêu cầu thuộc loại phổ thông. Thú chơi bây giờ phải là bộ đồ picnic đủ món, hộc lạnh chứa sâm-panh, hành lí “thửa” riêng theo xe, họa tiết cá nhân thêu tay hay thậm chí cả đá quý, kim loại hiếm.

Còn nếu bạn là Michael Fux, tay tỷ phú người Mỹ và là vị khách “nhẵn mặt” của Rolls-Royce thì chiếc xe phải được phối các loại màu chỉ có trong tưởng tượng. Chẳng hạn, Fux có một chiếc Wraith với ngoại thất và cabin mang màu xanh của Trứng Phục sinh trong khi biểu tượng “Nữ hoàng” trên nắp capo được làm bằng pha lê. Dĩ nhiên, các yêu cầu “điên rồ” kiểu này thường khiến cho giá xe tăng gấp đôi so với bản tiêu chuẩn. Tất nhiên, Michael Fux có lẽ không đếm xỉa đến điều này khi trong tay ông hiện có khoảng 150 siêu xe và xe siêu sang, trong đó bao gồm 7 chiếc Rolls-Royce thuộc loại độc nhất vô nhị.
Thật ra, tùy biến là một phạm trù khá rộng trong ngành xe hơi. Phổ biến thì có các tùy chọn về sơn ngoại thất, dàn âm thanh, ốp nội thất, mâm xe, bàn ăn cá nhân, màn hình giải trí, bọc da ghế ngồi hay vô-lăng, cần số…Đơn cử, để có thêm hầu hết các tùy chọn đi kèm trên một chiếc Porsche, khách hàng Việt Nam thường phải chi thêm khoảng 80 ngàn đô-la Mỹ, tương đương chi phí lăn bánh một chiếc Fortuner máy dầu 2 cầu. Tiền nào của ấy! Chiếc Porsche Panamera mà tôi cầm lái trên hành trình Sài Gòn – Đà Lạt tỏ ra “có giá” hơn hẳn với các lựa chọn như sơn ngoại thất xám Crayon, ốp gỗ Paldao, đèn LED ma trận hay chụp ống xả kiểu thể thao. Tuy nhiên, các tùy chọn nói trên về cơ bản vẫn ở dạng có sẵn để khách hàng lựa chọn.

Cấp độ cao nhất của tùy biến là “cá nhân hóa” một cách căn cơ. Về khoản này, Rolls-Royce xứng đáng với vị trí đầu bảng. “Bom tấn tùy biến” lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại của thương hiệu Anh quốc là chiếc Sweptail lấy cảm hứng từ siêu du thuyền với giá bán lên tới 13 triệu Mỹ kim – mức giá cao nhất dành cho một mẫu xe mới ra lò. Thực tế mà nói, Rolls-Royce quá quen với việc thực hiện nhiều yêu cầu “không tưởng” từ phía khách hàng. Có vị bởi quá thích thú cây gỗ trong vườn nên muốn dùng nó ốp lên xe hơi? Một quý bà nhất quyết sơn màu xe theo đúng màu sơn móng tay ưa thích. Kinh ngạc hơn là chuyện sơn xe theo màu lông cún cưng của “thượng đế” hay đính đá quý lên táp-lô. Rolls-Royce thực hiện tất cả các yêu cầu trên một cách xuất sắc. Bởi thế, thời gian trung bình để hoàn thành một chiếc Rolls-Royce thường lên tới 6 tháng.

Một thương hiệu siêu sang khác của Anh quốc là Bentley cũng được biết đến với các mẫu xe mang đậm dấu ấn của tùy biến. Để nâng tầm cá nhân hóa, thương hiệu Anh quốc tái cơ cấu bộ phận Mulliner theo cách linh hoạt và chủ động hơn. Ngay lập tức, Mulliner đã góp dấu ấn vào nhiều phiên bản như Mulsanne WO Edition, Mulsanne Blue Train, Bentayga Fly Fishing…Ốp gỗ trên xe Bentley được “thửa” từ 9 loại cây khác nhau và được “thái” mỏng ở mức 0,6 mm – tương đương với giấy cuốn xì-gà.
Trong khi đó, Lamborghini lại chú trọng rất nhiều vào ghế lái, vị trí vô cùng quan trọng trên một chiếc siêu xe. Cụ thể, thương hiệu xe Ý sẽ “đo ni đóng giày” ghế lái sao cho phù hợp với thân hình của khách hàng nhằm đem lại cảm giác lái tốt nhất và thoải mái nhất có thể. Một thương hiệu xe Đức là “ông trùm” BMW lại chơi theo kiểu khác người khi thửa riêng một set hành lý bằng da thượng hạng đóng mác Louis Vuitton sang chảnh dành riêng cho siêu xe i8. Thậm chí, cả một “ông lớn” như Bugatti cũng bắt tay với thương hiệu lẫy lừng Hermes để tạo nên một cabin choáng ngợp cho siêu xe Veyron. Số lượng mẫu xe này cũng chỉ gói gọn trong 4 chiếc mà thôi.