Ở cái hồi tuyệt nhiên chưa có phim ứa nước mắt “Brokeback mountain”, tuyệt nhiên chưa công khai những bộ sách ảnh nhân văn như “The Pink Choice”, chuyện đàn ông yêu đàn ông là tuyệt đối tù mù khó hiểu…
“Nó óng ánh lắm”. Đó là cách mà đám học trò vô tư tuổi teen hôm nay gọi mấy thằng bạn có khí chất hơi eo éo. Hà Nội hồi chưa xa, khi giáo dục trung học còn chia thành ba cấp, thì thỉnh thoảng ở các lớp cuối cấp 3, rất dễ thấy những thằng bé mang khí chất đó. Tất nhiên, vẻ ngoài nó cũng bình thường như các nam sinh khác. Ngoan ngoãn, học trung bình khá, hiếm đứa học giỏi. Có điều, nó chơi chuyền hay chơi nhẩy dây thì tuyệt vời. Cái tay nó khéo như thế, thảo nào đến lúc trưởng thành, nó theo nghề cắt tóc nữ hay làm trang điểm cô dâu thì cửa hàng của nó lúc nào cũng đông nghịt khách.
Bây giờ, mấy thằng bé cũng vậy thôi, vẫn thích chơi với các bạn nữ. Rồi chúng lớn lên. Chúng thích học múa thích đọc truyện ngôn tình, vài đứa đam mê hát Bolero. Nếu cao to xinh giai, đa phần sẽ thành nam người mẫu. Phần đông đều thích mặc những bộ đồ mầu rực rỡ lóng lánh. Rồi chúng tiếp tục lớn lên. Vẫn thân với con gái nhưng hoàn toàn trong sáng bạn bè. Còn chỗ tận cùng sâu thẳm của trái tim, hình như chúng chỉ chân thành rung động trước người cùng giới.
Và bất hạnh thay, cho đến tận ngày nay, những thằng bé “óng ánh” ấy vẫn bị đám đông bọn đàn ông dung tục giọng ồm ồm lẫn với bọn đàn bà thuần túy giả dối giọng thánh thót ra sức ghét. Có lẽ vì thế mà dạo hồi còn “bao cấp”, người ta thường khinh khi thương cảm khi nhắc tới những đàn ông yêu đàn ông. “Người đồng tính” bị cả một đám đông cuồn cuộn ấu trĩ không tôn trọng. Ngay như ở vỉa hè thì dân dã thường gọn lỏn gọi, “ái nam ái nữ” hoặc “đồng cô”.
Ở thời ấy, chuyện đàn ông yêu đàn ông là tuyệt đối tù mù khó hiểu. Người ngoài chẳng biết đằng nào mà chia sẻ, còn người trong giấu biệt. Bọn họ thường thẩn thơ một hoặc hai mình, cô đơn ngồi góc khuất quán cà phê vắng, đôi khi hút thuốc. Trên khuôn mặt hiền lành phảng phất nét nhẫn nhịn cay đắng là cặp kính râm thật to. Không biết ánh nhìn của họ như thế nào, nhưng có lẽ là buồn bã. Tất nhiên, trên mặt bằng thuần hậu tử tế của những năm tháng đó, những anh chàng “ai ái” cũng chưa “gay” dữ dội như mốt bây giờ.
Ngoài số ít được ăn học mà đa phần giỏi ngoại ngữ, tiếng Pháp tiếng Nga veo véo thì phần đông “đồng cô bóng cậu” thường đảm buôn đảm bán. Có lẽ là nhờ ở cái tính kỹ càng chanh chua nhưng đẫm đầy sắc sảo tinh tế. Nếu hành nghề cắt may, bọn họ lừng danh là tay tổ. Công có hơi đắt nhưng chẳng bao giờ ăn bớt vải. Còn nếu tần tảo hàng rong vỉa hè, thì bán bún bát miến của họ cũng đạt tới tầm bậc thầy của ẩm thực đường phố. Quán bún mọc khét tiếng Hàng Hành, giờ đây vẫn còn đang bán, chính là truyền thừa từ tay của một đàn ông “óng ánh”.