Hiểu biết, sáng tạo, degrowth, thiết kế dân chủ, trách nhiệm với xã hội để khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn là những thông điệp mà Philippe Starck muốn gửi gắm trong suốt cuộc trò chuyện.

Xin chào ông! Ông là tác giả của hơn 10.000 sản phẩm hoàn hảo trong nhiều lĩnh vực, từ thời trang, nội thất cho đến kiến trúc, du thuyền. Ông có thể chia sẻ quan điểm thiết kế của mình?

Bạn biết đấy, tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống này đều theo diễn ra theo một quy trình tiến hóa thú vị. Và mỗi một chúng ta cũng tuân theo quy trình tiến hóa ấy. Với tôi, sự tiến hóa, tốc độ và chất lượng của sự tiến hóa là những điều khiến tôi đặc biệt quan tâm.

Xã hội của chúng ta tồn tại dựa trên quá trình tiến hóa, và chúng ta không thể tiến lên phía trước mà thiếu đi sự hiểu biết, tri thức hay sự cần cù, chăm chỉ. Tuy nhiên, có một nghịch lý khủng khiếp là trong quá trình tiến hóa ấy, chúng ta đã không trở nên trưởng thành hơn hay hiểu biết hơn. Vì thế, tôi nhìn thấy tính đúng đắn của triết lý degrowth (trào lưu chính trị, kinh tế và xã hội hướng đến việc chống lại chủ nghĩa tiêu thụ, theo đó, con người tối đa hoá hạnh phúc bằng việc giảm tiêu thụ, chia sẻ nhiều hơn và cống hiến sức mình cho nghệ thuật, văn hoá, gia đình, cộng đồng) và đề cao tính dân chủ trong thiết kế.

Ông có thể nói rõ hơn về khái niệm thiết kế dân chủ?

Với tôi, một sản phẩm thật sự có ý nghĩa khi những ý tưởng được chia sẻ với rất nhiều người khác. Vì thế, tôi tạo ra khái niệm Thiết kế Dân chủ – khái niệm đề cao chất lượng với tính sáng tạo cao, công nghệ hoàn hảo nhưng khắt khe, đồng thời chú trọng việc giảm giá thành sản phẩm. Không khó để làm ra một sản phẩm trị giá hàng triệu USD, nhưng rất khó để tạo ra hàng triệu sản phẩm trị giá chỉ 1 USD. Người tiêu dùng thông minh luôn muốn sở hữu những món đồ có chất lượng, sáng tạo nhưng với mức giá phải chăng. Và đó chính là triết lý thiết kế dân chủ. Triết lý này có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, ví dụ, tôi đang hợp tác với Axiom, NASA để tạo ra không gian nội thất cho phi hành đoàn trên trạm không gian vũ trụ Axiom.

Vậy giữa triết lý thiết kế dân chủ và thế giới nội thất xa xỉ có sự mâu thuẫn không khi ông hợp tác với nhiều thương hiệu cao cấp, từ Dedon, Duravit, Flos, Kartell, Cassina, Baccarat, cho đến khách sạn, khu nghỉ dưỡng và du thuyền?

Trong sự nghiệp của mình, tôi có rất nhiều cơ hội gặp gỡ, làm việc và hợp tác với những người giàu có, thành đạt, hiểu biết rộng với tầm ảnh hưởng đến xã hội. Với niềm tin và sự quý mến của họ, tôi có cơ hội nghiên cứu để tạo ra các mẫu thử nghiệm và sử dụng nghiên cứu đó cho các dự án khác. Chẳng hạn với ba mẫu siêu du thuyền – Sailing Yacht A, Motor Yacht A và Venus mà tôi từng thiết kế cho Steve Job – có thể nói, các phát minh của tôi đủ để sử dụng cho ngành hàng hải trong hàng thập kỷ. Điều này cũng tương tự như với dự án Axiom Station.

Loại vật liệu và công nghệ mới nào đang khiến ông quan tâm nhất hiện nay, thưa ông?

Là người rất quan tâm đến môi trường và chi phí sản phẩm, tôi cho rằng nhựa là vật liệu bền vững, ít tác động đến môi trường, có chi phí rẻ và thân thiện với người sử dụng, trong khi chúng ta vẫn tuân thủ luật lệ. (Nên nhớ, 80% người tiêu dùng trên thế giới cần đến các sản phẩm có giá phải chăng cho nhu cầu hàng ngày). Tuy nhiên, như bạn đã biết, nhựa được tạo ra từ dầu mỏ, nhưng dầu mỏ sẽ cạn kiệt sau 5-7 năm tới. Tôi không cổ súy việc sử dụng gỗ hoặc da động vật vì để có được các vật liệu này, chúng ta phải hủy diệt rừng và động vật. Trong một thời gian dài, tôi đã dành nhiều công sức để nghiên cứu các vật liệu thay thế nhựa – loại vật liệu có thể được gọi là nhựa sinh học. Giờ đây, chúng tôi vẫn chưa tìm ra giải pháp. Nhưng chắc chắn, chúng tôi đang cố gắng để kết thúc việc này.

Ông luôn quan tâm đến vai trò, nỗ lực và cống hiến của con người đối với sự phát triển của xã hội. Ông có thể chia sẻ cách chuyển tải ý niệm này tới thế hệ các nhà thiết kế, kiến trúc sư trẻ?

Điều tôi mong mỏi là thế hệ các nhà thiết kế và kiến trúc sư trẻ phải luôn không ngừng sáng tạo, không ngừng phát minh ra những điều mới mẻ để tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội. Cuộc sống sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu chúng ta ít tiêu thụ hơn, nhưng lại nhân văn hơn, trung thực hơn, có tầm nhìn hơn, có trách nhiệm hơn.

Nghe thì lý tưởng đấy, nhưng để thực hiện thì không dễ tí nào?

Tôi cho rằng không hề khó để thực hiện điều này. Chỉ cần bạn luôn tự vấn bản thân về trách nhiệm của mình, rằng ý tưởng của mình, sản phẩm của mình có mang lại điều tốt đẹp cho cuộc sống hay không. Một sản phẩm tốt bao hàm cả tầm nhìn, tính hiện đại, sự tôn trọng, sự hiểu biết cùng chất lượng tốt.

Trong kỷ nguyên 4.0, ông nghĩ sao về vai trò của công nghệ đối với ngành thiết kế và kiến trúc?

Thật tuyệt vời là chúng ta đang được tận hưởng và phấn khích với thành quả của công nghệ. Tuy nhiên, chúng ta phải là nhân tố dẫn dắt và kiểm soát công nghệ chứ không phải phụ thuộc vào công nghệ. Trí tuệ nhân tạo, bionism (lấy ý tưởng từ cơ thể để tạo ra các công nghệ phù hợp hơn với con người) và sự phi vật chất hóa (dematerialization) là những xu hướng mới trong thiết kế mà chúng ta không thể cưỡng lại được.

Tên tuổi của ông gắn với nhiều sản phẩm nổi tiếng của Cassina. Giá trị cốt lõi nào của thương hiệu này đã thu hút ông mạnh mẽ đến vậy?

Có thể nói, Cassina là một thương hiệu “xây dựng để trường tồn” với những sản phẩm sáng tạo vượt thời gian bằng sự kết hợp hài hòa giữa thông thái và chất lượng – 2 yếu tố cốt lõi mà Cassina theo đuổi trong suốt hơn 90 năm qua. Đây cũng là các giá trị giúp thu hút nhiều nhà thiết kế trên thế giới, trong đó có tôi, để đưa ra các ý tưởng thiết kế đột phá, mới mẻ, mang đến trải nghiệm thú vị cho người sử dụng.

Xin cảm ơn ông!