CEO Elite Meta Nguyễn Anh Tuấn và giấc mơ về một môi trường giáo dục đầy hứng khởi trong vũ trụ ảo.

Metaverse là một khái niệm rất mới với nhiều luồng quan điểm còn gây tranh cãi. Trong khi nhiều người cho rằng các công ty theo đuổi Metaverse đang phức tạp hóa một vấn đề đơn giản thì kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn là một trong những người tiên phong theo đuổi lĩnh vực đầy mới mẻ này với Elite Meta – thương hiệu non trẻ vừa gọi vốn thành công trong chương trình Shark Tank mùa 5 phiên bản Việt.

Tầm nhìn của vị kiến trúc sư trẻ tuổi

Là một kiến trúc sư, Nguyễn Anh Tuấn đã có cơ hội ghé thăm hầu hết các thành phố lớn trên thế giới. Những chuyến đi ấy đã giúp ông nhận ra rằng không gian vật chất quyết định không gian tinh thần, bởi tinh thần của con người được định hình bằng những gì họ nhìn thấy, nghe thấy và trải nghiệm.

Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn – Co-founder & CEO – Elite Meta
Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn – Co-founder & CEO – Elite Meta

Khi ông chủ Facebook hé lộ thông tin về một vũ trụ ảo, Nguyễn Anh Tuấn tò mò tìm hiểu lĩnh vực này. Với tầm nhìn của một kiến trúc sư, ông nhận ra Metaverse rất gần gũi với những gì mà mình đã làm bấy lâu nay: Thiết kế kiến trúc và không gian 3D và trải nghiệm thực tế ảo VR cho khách hàng cao cấp và các dự án bất động sản.

Ông cho rằng Metaverse là một vũ trụ thú vị, nơi con người có thể học tập, làm việc và vui chơi trong các không gian đẹp, hiện đại và đồng bộ. Thế giới đó sẽ giúp não bộ con người được mở rộng hơn với những trải nghiệm thú vị về không gian và từ đó làm thay đổi tầm nhìn. “Tại sao chúng ta lại thích đi du lịch? Vì sao khi đi du lịch chúng ta lại có cảm giác như thể não bộ của mình luôn đầy ắp các ý tưởng sáng tạo? Đó là do tầm nhìn của chúng ta được kích thích và khai mở bởi các trải nghiệm không gian và văn hóa mới. Học tập và làm việc trong Metaverse cũng sẽ có tác động tương tự.” – Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ. “Điều này đặc biệt đúng với trẻ em nếu chúng ta muốn có một thế hệ trẻ thông minh với tầm nhìn sáng tạo. Chúng phải được trải nghiệm học tập ở những không gian lớp học chuẩn mực và duy mỹ với các dụng cụ 3D để kích thích ước mơ và mở rộng tầm nhìn.” – ông bổ sung thêm.

Sau một thời gian nghiên cứu, Elite Meta đã được ra đời với sản phẩm đầu tay là Meta Class ứng dụng trong giáo dục trực tuyến với mô hình lớp học thực tế ảo. Lên Shark Tank gọi vốn, ông đã thuyết phục được Shark Erik của quỹ đầu tư mạo hiểm Antler rót 100.000 USD cho 10% cổ phần, tương đương mức định giá 1 triệu USD dù Elite Meta chưa bán được sản phẩm nào.

Thách thức mang tên Metaverse

Metaverse là một khái niệm khó hiểu, trong khi hiện nay, trẻ em vẫn có thể học trực tuyến thông qua các nền tảng phổ biến như Meet hay Zoom. Tuy nhiên, theo đánh giá của Nguyễn Anh Tuấn, khi tạo nên Meta Class, ông đứng từ góc nhìn của người dùng – không chỉ người lớn, mà còn cả trẻ em và người già. “Trong 2 năm qua, chúng ta có thể thấy rõ thực tế là các lớp học 2D qua các nền tảng như Zoom, Microsoft Team… đều không mang đến cảm giác như đang ở trong lớp học. Học sinh thấy chán nản, đau mắt, buồn ngủ và không có cảm giác được tiếp cận một không gian lớp học giống như thật và trực quan. Thế nên, tình trạng này dẫn đến việc tiếp thu kiến thức kém hiệu quả. Trong khi đó, giải pháp 3D hóa sẽ tạo ra cảm giác đang ở trong lớp học thực tế với không gian có bàn ghế, máy chiếu, cửa sổ và cây cối, đồng thời có tính năng trò chuyện, giao tiếp với bạn bè xung quanh… Những điều đó tạo cho chúng ta cảm giác ‘sống thật’, dù là đang trên môi trường ảo.” – ông Tuấn chia sẻ.


“Người Việt Nam chúng ta không nghèo, mà chỉ nghèo giấc mơ.”


Dù thừa nhận mô hình học tập qua Zoom hay Meet hoặc các ứng dụng 2D khác cũng là một lựa chọn, nhưng ông Tuấn cho rằng đó là trên quan điểm của người lớn. “Trẻ con thì không như vậy, chúng cần không gian cũng như cần đồ chơi vậy. Trẻ em định hình thế giới thông qua đồ vật hay không gian 3D, chứ chưa phải thông qua chữ viết 2D hay các khái niệm trừu tượng. Đó là lý do chúng ta phải làm ra rất nhiều giáo cụ càng trực quan càng tốt để giúp trẻ dễ tiếp nhận kiến thức. Bởi vậy, với những ngành như giáo dục, việc trực quan hóa bằng các không gian 3D cũng như các giáo cụ 3D là cực kỳ quan trọng, trong khi khâu sản xuất không quá khó với chi phí thấp hơn nhiều vì không tốn công sản xuất.” – ông cho biết.

Meta Class – trường học trong vũ trụ ảo “Made in Vietnam”

Với kinh nghiệm của một kiến trúc sư cùng niềm tin rằng, trong kinh doanh, việc khách hàng lựa chọn dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp thường phụ thuộc vào cảm xúc, Nguyễn Anh Tuấn quyết tâm theo đuổi giấc mơ kiến tạo một không gian học tập thú vị và hấp dẫn cho trẻ em. So với nhiều không gian ảo đã thành danh trên thị trường vốn được tạo nên với tư duy thiết kế game để kích thích não bộ của các game thủ, Meta Class mang đến trải nghiệm thú vị cho mục tiêu học tập. “Người thiết kế game phải tạo ra những điểm nhấn hấp dẫn trên màn hình 2D không chỉ bằng màu sắc, mà còn bởi nghệ thuật khuếch đại tỷ lệ sai lệch với thực tế. Não bộ của con người đã quen với tỷ lệ vàng vốn hiện diện hàng ngày trong tự nhiên cũng trong như các công trình kiến trúc, nhưng khi con người học tập và làm việc trong không gian thiết kế theo kiểu game, não bộ không tiếp nhận tỷ lệ như vậy, và cảm giác khó chịu hoặc buồn nôn là phản ứng dễ thấy.” – ông Tuấn chia sẻ.

Meta Class

Mặc dù hiện nay các thiết bị như kính VR còn chưa quá tiện dụng và phổ cập, nhưng vị doanh nhân này tin rằng, trong tương lai gần, các thiết bị sẽ ngày càng nhỏ gọn và dễ sử dụng. “Với các lớp học Meta Class của Elite Meta, học sinh không nhất thiết phải dùng kính VR mà có thể sử dụng tất cả các thiết bị hiện nay như PC, laptop, iPad, smartphone… với trải nghiệm 3D rất đẹp và chân thực.” – ông cho biết.

Hiện tại, Meta Class bán các lớp học với nhiều loại chỗ ngồi khác nhau. Với một trung tâm Anh ngữ, một chỗ ngồi có mức chi phí khoảng 20 USD/tháng có thể được sử dụng cho nhiều học viên với đầy đủ tính năng và hệ thống LMS (Learning Manager System). “So với các ứng dụng miễn phí hiện nay, mức phí này có thể cao, nhưng khi quy mô người sử dụng tăng lên, chi phí sẽ giảm đi. Cùng với đó, Meta Class có thể được tùy biến các không gian lớp học, thư viện, hội trường, phòng thí nghiệm… theo yêu cầu của khách hàng xét về khía cạnh kiến trúc, công năng cũng như định vị thương hiệu riêng của từng trường.” – ông Tuấn bổ sung thêm.

Với Meta Class, các học sinh ở Việt Nam có cơ hội tận mục sở thị tháp Eiffel, cảm nhận được chiều cao, sự đồ sộ cũng như kiến trúc ấn tượng của nó, hoặc có thể ngồi trong giảng đường của Đại học Harvard, học chương trình của Đại học Harvard và giao lưu với những người bạn quốc tế ngồi ngay bên cạnh hay có thể thực hành với mô hình 3D trong các phòng nghiên cứu cao cấp nhất từ nước ngoài.

“Người Việt Nam chúng ta không nghèo, mà chỉ nghèo giấc mơ. Thế nên, muốn mơ lớn thì chúng ta cũng cần phải biết được ‘hình thù’ của giấc mơ đó như thế nào, và việc tiếp cận với nguồn tri thức hiện đại cũng như khả năng giao lưu với các công dân toàn cầu sẽ giúp chúng ta hiện thực hóa giấc mơ của mình.” – vị kiến trúc sư hào hứng chia sẻ.


(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 9 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “When Imagination Rules Our World”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây.)