Chiếc siêu xe lai điện hiệu năng cao được sản xuất hàng loạt đầu tiên của thương hiệu siêu xe Anh quốc.

Được xếp trong nhóm Super Series bên cạnh các “anh tài” như 720S, siêu xe lai điện này không phải là hướng đi hoàn toàn mới mẻ đối với McLaren. Chiếc P1 nổi tiếng và một phiên bản giới hạn của Speedtail mới ra mắt gần đây cũng cho thấy sự dấn thân vào lãnh địa điện hóa. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa Artura không có gì mới mẻ và đáng chú ý. Giám đốc chiến lược sản phẩm của McLaren, Jamie Corstorphine cho biết: “Mục tiêu chế tạo cỗ xe này là nhằm bổ sung tính năng và hiệu năng đến từ hệ truyền động lai điện hiệu suất cao, nhưng phải đảm bảo không ‘tăng cân’ như thường thấy ở các mẫu xe sử dụng công nghệ này.

Để đạt được điều này, các kỹ sư phải tìm ra một phương án thay thế cho cấu hình 8 xi-lanh tăng áp từng sử dụng trên cả chiếc P1 và Speedtail. Kết quả là sự ra đời của khối động cơ V6 tăng áp có dung tích 3.0 lít mới trên Artura, thiết kế bằng nhôm chỉ nặng 160kg, nhẹ hơn 50kg so với động cơ V8 của P1 và Speedtail. Khối “cơ bắp” này sản sinh 577 mã lực và mô-men xoắn 431 ft-lbs, kết hợp cùng mô-tơ điện 94 mã lực và 161 ft-lbs. Năng lượng cho khối mô-tơ điện đến từ bộ 5 viên pin lithium-ion với dung lượng 7.4 kWh, có khả năng giúp xe tăng tốc tối đa 130 km/h và quãng đường di chuyển xa nhất 30km.

Tổng hòa sức mạnh từ khối động cơ V6 và mô-tơ điện của siêu xe lai điện Artura là công suất 671 mã lực và mô-men xoắn 531 ft-lbs, với hộp số 8 cấp và bộ vi sai điện tử, giúp siêu xe tăng tốc từ 0-96 km/h chỉ trong 3 giây, trước khi đạt tốc độ tối đa 330km/h. Trọng lượng không tải của xe chỉ khoảng 1,5 tấn – một con số ấn tượng đối với chiếc xe trang bị bộ pin khá “cồng kềnh” này.

“Công nghệ giảm cân” đáng chú ý khác là nền tảng McLaren Carbon Lightweight Architecture mới trên Artura, một khối khung gầm các-bon với các sườn phụ bằng nhôm và hệ thống điện tử tân tiến sử dụng kết nối mạng cục bộ Ethernet nhằm cắt giảm tối đa mớ dây nhợ phức tạp trên xe. Điều “nhỏ nhặt” này giúp cắt giảm hơn 10% trọng lượng xe.

Chiếc coupe cầu sau hỗ trợ 4 chế độ lái: Comfort – một sự giao thoa tối ưu của sức mạnh V6 truyền thống và động cơ điện hiện đại, trong khi người lái có thể trải nghiệm “bạo” hơn với chế độ Sport và Track, hoặc những chuyến xe thong dong dạo phố bằng chế độ thuần điện êm ái và tĩnh lặng.

Trải nghiệm lái cũng hào hứng với hệ thống treo bánh sau được “giảm cân” mà vẫn cứng cáp, với bộ lốp P-Zero tích hợp chip của Pirelli nhanh chóng truyền những xung động thông số đo lường “sức khỏe” đến hệ thống ổn định điện tử. Phanh carbon-ceramic là trang bị tiêu chuẩn cho cặp bánh trước – sau, có kích trước lần lượt là 390mm và 380mm, với kẹp phanh nhôm rèn nguyên khối.

Khác với những chiếc McLaren, Artura sở hữu một không gian thoáng đãng nhưng vẫn đậm chất thể thao đặc trưng của một chiếc McLaren. Người lái có thể tương tác với cụm điều khiển kỹ thuật số trên cột lái qua các thao tác trên vô-lăng – một thiết kế thông thoáng tầm nhìn cho người lái. Ở trung tâm là một màn hình 8 inch thể hiện hệ thống thông tin giải trí McLaren MIS II hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói và các tính năng Apple CarPlay và Android Auto.

Nằm trong khoảng giữa McLaren GT và 720S, Artura có mức giá khởi điểm từ 225.000 USD (tương đương hơn 5,1 tỷ đồng), một đối thủ đáng gờm của Lamborghini Huracán Evo, Ferrari F8 line và Maserati MC20. Các ông chủ có thể yêu cầu bộ phận McLaren Special Operations tạo nên một chiếc siêu xe Artura “độc” hơn. Hãng xe Anh quốc hiện đã nhận đơn đặt hàng. Những đại diện đầu tiên của siêu xe McLaren này sẽ xuất xưởng vào quý 3 năm nay.