Kỷ nguyên số mang đến cho con người rất nhiều tiện ích, nhưng liệu chúng ta có thực sự an toàn?

Tôi nhớ rõ thời điểm khi cơn bão thế giới kỹ thuật số thực sự ập đến nhà mình. Sáu năm trước, mẹ tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, và tôi muốn bạn bè và gia đình biết bà được chăm sóc chu đáo như thế nào. Tôi mở Gmail nhưng rồi nghĩ: Đừng nên gõ từ “ung thư”. Đây là lúc Google sẽ quét e-mail để tìm từ khóa cho việc đặt quảng cáo.

Chúng ta đang sống trong một thế giới kỳ cục, nơi thiếu sự tôn trọng quyền riêng tư cá nhân. Trong một nghiên cứu gần đây với 1.500 người Mỹ, gần 60% cho biết họ – cũng như tôi – rất quan tâm đến quyền riêng tư và bảo mật của dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, họ vẫn nhắm mắt sử dụng các dịch vụ. Một tỷ lệ lớn hơn – 64% – thú nhận rằng họ không biết phải làm gì với tình huống này và đã từ bỏ việc cố gắng kiểm soát nó.

Ngay cả một tỷ phú công nghệ như Mark Zuckerberg cũng phải cẩn thận. Vào tháng 6/2016, trong một bức ảnh Mark Zuckerberg chia sẻ nhân dịp chúc mừng sự kiện mạng xã hội Instagram đạt 500 triệu người dùng hàng tháng, người ta có thể nhìn thấy chiếc Macbook của Mark có dán băng dính tại các vị trí gắn camera và jack cắm audio vì lo ngại bị “hack” webcam và “nghe lén” qua cổng audio. Vậy nếu một thiên tài công nghệ ở Thung lũng Silicon không thể bảo vệ mình khỏi thế giới “gián điệp” đầy rẫy xung quanh, thì những người còn lại trong chúng ta có hy vọng gì? Câu trả lời ngắn gọn: không nhiều.

Khi chúng ta nghĩ rằng dữ liệu của mình là thông tin bảo mật, thì có thể nó đã được bán cho các mục đích kinh doanh khác.

Chúng ta đang bị giám sát ở mọi nơi mình đến, cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến. Máy tính, điện thoại thông minh và các thiết bị hỗ trợ kỹ thuật số đều được trang bị micrôphone và máy ảnh. Xe hơi được gắn các cảm biến ở bên ngoài và camera ở bên trong. Chuông cửa có mắt thần và máy dò chuyển động. Thông tin thu thập được chuyển đến một đám mây, được kiểm soát bởi các máy tính trong trụ sở các tập đoàn. Thật ngây thơ khi nghĩ rằng dữ liệu của chúng ta – từ lịch sử mua hàng cho đến hồ sơ y tế – đều có thể được bảo mật, đặc biệt là khi dữ liệu đó đang được bán cho các mục đích kinh doanh khác.

Điện thoại thông minh từ trước đến nay của chúng ta cũng “khảo sát” chúng ta, ngay cả khi không sử dụng. Việc di chuyển của bạn – nơi bạn rời nhà vào mỗi sáng, nơi bạn dành cả ngày làm việc – có thể tiết lộ danh tính chính xác của bạn với rất ít sự can thiệp của các công ty mua dữ liệu. Phần lớn điều này là vô thưởng vô phạt, nhưng một vài trong số đó là những thứ mà ngay cả những người thân yêu và gần gũi nhất của chúng ta cũng không phải lúc nào cũng biết. Và nếu bạn là người của công chúng hoặc đặc biệt giàu có, mối đe dọa an ninh thậm chí có thể nghiêm trọng hơn nếu vị trí của bạn có thể dễ dàng theo dõi.

Điện thoại thông minh của chúng ta cũng “khảo sát” chúng ta, ngay cả khi không sử dụng.

Các công cụ để hạn chế theo dõi vẫn tồn tại và chúng liên quan đến việc thay đổi cài đặt điện thoại và máy tính của bạn cũng như tính nghiêm ngặt về việc chặn các cookie và cho phép các ứng dụng truy cập vào máy ảnh và micrôphone của bạn. Đạo luật về quyền riêng tư của người tiêu dùng gần đây của California là nỗ lực đầu tiên nhằm cung cấp cho người tiêu dùng nhiều quyền kiểm soát hơn. Luật “quyền được quên” của châu Âu cho phép mọi người yêu cầu xóa những sự thật cũ, đáng xấu hổ về bản thân khỏi các trang web như Google. Một nghiên cứu về các yêu cầu trong 5 năm cho thấy luật này đã tỏ ra khá hiệu quả.

Ở Maryland, các bậc phụ huynh đã thành công trong việc yêu cầu các công ty công nghệ, bao gồm cả Google, cam kết xóa thông tin mà họ thu thập được tại trường học; mỗi năm một lần quận này tiến hành chương trình “Tuần xóa dữ liệu”. Tất nhiên, điều trớ trêu là những công ty công nghệ này được mời vào trường học vì phụ huynh và quản trị viên lo lắng về các trang web mà học sinh có thể truy cập và muốn theo dõi thời gian trực tuyến và cách sử dụng máy tính. Nhưng dữ liệu đó sẽ sớm biến mất, ít nhất là hàng năm.

Đó là niềm hy vọng.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Năm mang chủ đề “The Symphony Of Time”)