Sự trỗi dậy của nghệ thuật châu Phi


Trong vài thập kỷ qua, không thể phủ nhận sự chú ý của toàn cầu đối với nghệ thuật đương đại châu Phi. Sự phổ biến của cách thể hiện về mặt hình ảnh từ lục địa này đã làm nổi bật các tác phẩm sưu tầm của một số tên tuổi thú vị nhất trong thế giới nghệ thuật, từ đó tạo ra lộ trình kết nối với thị trường xa xỉ.


Những cái tên uy tín như nhà điêu khắc người Ghana El Anatsui đã gây chú ý trong các cuộc đấu giá vào năm 2021 khi tác phẩm New Layout của ông được bán đấu giá với mức 1,5 triệu USD tại Christie’s New York. Trong khi đó, các nghệ sĩ trẻ hơn như Lynette Yiadom-Boakye người Anh gốc Ghana đã và đang tạo nên làn sóng mới ở quy mô quốc tế. Hai chương trình nghệ thuật tại phòng trưng bày Tate Britain ở Anh đã giới thiệu loạt phim về cuộc sống của người da đen. Gần đây, series Highpower (trước đây thuộc sở hữu của nhà sưu tập nghệ thuật người Anh Robert Devereux) được Christie’s London ước tính có giá từ 600.000 đến 800.000 bảng Anh.


Việc bảo tồn di sản văn hóa thường là chủ đề trọng tâm đối với các nhà đầu tư và giới sưu tập nghệ thuật châu Phi. Nhà đầu tư mạo hiểm Kola Aina là một trong những doanh nhân giàu có ở lục địa đen đang tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật trong và ngoài Tây Phi. Sứ mệnh của ông là “bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật như một phương tiện để nuôi dưỡng di sản, kể lại những câu chuyện và lưu giữ giá trị lịch sử”.


Doanh nhân Tokini Peterside-Schwebig còn đưa những ý tưởng này đi xa hơn nữa. Trong sự nghiệp hỗ trợ sự phát triển các lĩnh vực văn hóa và ngành xa xỉ của Nigeria, bà đã khai mạc hội chợ Art x Lagos vào năm 2016. Năm năm sau, bà giới thiệu bộ sưu tập nghệ thuật ở dạng NFT cho khán giả của mình thông qua một cuộc đấu giá mà bà đóng vai trò đồng giám tuyển cùng với nghệ sĩ Osinachi - chủ nhân của tác phẩm nghệ thuật Become Sochukwuma từng được bán với giá 80.000 USD.


Rõ ràng, cần chú ý đến các nghệ sĩ Gen Z châu Phi - những người đang giúp thúc đẩy thị trường nghệ thuật của lục địa này thông qua sự tham gia của mình vào thế giới kỹ thuật số. Trọng tâm hướng đến công nghệ của họ đã tạo ra sự quan tâm ngày càng tăng đối với NFT ở châu Phi trong vài năm qua.


Nghệ thuật Châu Phi đang cho thấy sức hút của nhà đầu tư và sưu tập thế giới.


Bước ra thế giới


Bên ngoài lục địa châu Phi, London dường như là nơi có nhiều sự kiện quốc tế đáng chú ý nhất về nghệ thuật châu Phi. Hội chợ Nghệ thuật châu Phi 1-54 được tổ chức thường xuyên trong khuôn khổ Frieze London, một trong những hội chợ nghệ thuật đương đại có ảnh hưởng nhất thế giới, chỉ tập trung vào nghệ thuật đương đại và các nghệ sĩ còn sống, diễn ra vào tháng 10 hàng năm. Touria el Glaoui, nhà sáng lập Hội chợ Nghệ thuật châu Phi 1-54, cho biết: “Mỗi năm, có tới 60.000 du khách tham quan Frieze, vì vậy, chúng tôi coi đây là một sự kiện có ý nghĩa”.


Một khoảnh khắc thú vị đối với nghệ thuật của người châu Phi hải ngoại đã diễn ra vào cuối năm 2022 khi Sotheby’s London tổ chức cuộc đấu giá Giám tuyển Đương đại với sự hợp tác của nghệ sĩ người Anh Skepta. Một số tác phẩm nghệ thuật thị giác được tuyển chọn kỹ càng, trong đó có bức tranh sơn dầu Mama Goes to Market của Skepta, có mức giá ước tính từ 40.000 đến 60.000 bảng Anh. Tại New York, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan đang chi 70 triệu USD để cải tạo các phòng trưng bày châu Phi, châu Mỹ cổ đại và châu Đại Dương, và đến năm 2024, sẽ lưu giữ hơn 3.000 hiện vật đại diện cho 223 nền văn hóa và 31 quốc gia châu Phi.

Skepta bên bức tranh sơn dầu Mama Goes to the Market.

Các khoản đầu tư kế thừa khác vào nghệ sĩ châu Phi có thể được nhận thấy thông qua các sáng kiến thương hiệu. Trong số đó có thể kể đến Muse, một chương trình sáng tạo của Rolls-Royce, thu hút các nghệ sĩ toàn cầu để tạo ra những tác phẩm độc đáo và sáng tạo nhằm tôn vinh biểu tượng Spirit of Ecstasy nổi tiếng của thương hiệu xe sang Anh quốc. Trong số ba thí sinh lọt vào vòng chung kết năm nay, nghệ sĩ người Ma-rốc Ghizlane Sahli đã tô điểm tác phẩm điêu khắc độc đáo của mình bằng vàng lá và chỉ vàng mua từ các nghệ nhân ở Medina của Marrakech.


Sự kết hợp giữa ngành xa xỉ và nghệ thuật ở châu Phi cũng được thể hiện rõ ràng trong xu hướng trải nghiệm nghệ thuật lấy du lịch làm trung tâm. Ví dụ, Nam Phi, Rwanda và Ma-rốc dẫn đầu danh sách những điểm đến dành cho những người yêu thích nghệ thuật. Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Zeitz châu Phi do Thomas Heatherwick thiết kế ở Cape Town vừa là một kỳ quan kiến trúc vừa là địa điểm quan trọng cho nghệ thuật châu Phi. Là không gian trưng bày, sưu tầm và bảo tồn nghệ thuật đương đại của châu Phi, bảo tàng cũng lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật phiên bản giới hạn dành cho các thành viên sáng lập.


Thành phố Kigali có nền nghệ thuật đang phát triển, trong khi Marrakesh tiếp tục là thiên đường của ngành thiết kế. Với sức hấp dẫn về văn hóa ở mức độ cao hơn, các khu vực này đang tạo ra một làn sóng đầu cơ nghệ thuật mới, giúp thu hút không chỉ các nhà sưu tập và giới đầu tư, mà còn cả các du khách quan tâm đến giá trị văn hóa.


Trong những năm gần đây, sự kết hợp giữa nhu cầu sưu tập trên toàn cầu, sự kết nối kỹ thuật số và chiều sâu của nghệ thuật thị giác đã tạo ra một hệ sinh thái nghệ thuật châu Phi năng động, giàu tính kể chuyện với trí tưởng tượng trực quan phong phú và giá trị văn hóa. Điều đáng mừng nhất là nghệ thuật châu Phi đang chứng minh được chỗ đứng của mình, và sự phát triển ấy đang dần được công nhận trên toàn cầu.