Những thiết bị chỉ giờ đã tồn tại từ cách đây 4.000 năm trong hình dạng sơ khai là các phiến đá, thế nhưng chỉ cho đến năm 1816, con người mới thực sự làm chủ được thời gian bằng cách tạm dừng, phân chia và trở lại chế độ ban đầu. Và thành quả vĩ đại ấy là nhờ ở công sức và khả năng sáng tạo của Louis Moinet. Năm đó cũng chính là thời điểm ông giới thiệu chiếc đồng hồ chronograph (bấm giờ) đầu tiên trên thế giới.
Sản phẩm này được đặt tên là “Compteur de tierces” (máy đếm thứ ba trong tiếng Pháp) bởi khả năng tính giờ với độ chính xác 1/60 vòng mỗi giây. Trước sáng kiến của Louis, các nghệ nhân đồng hồ khác chỉ đạt được độ chính xác 1/10 vòng mỗi giây. Ngày nay, chúng ta thường xuyên sử dụng chế độ bấm giờ trong các hoạt động thể thao để ghi lại các khoảng thời gian và phân định thắng thua. Thế nhưng, mục đích ban đầu của cơ chế tuyệt vời này chính là tính thời gian di chuyển của các ngôi sao và hành tinh. Với yêu cầu về độ chính xác gần như tuyệt đối, Louis đã tạo ra một bộ máy có tần số giao động 30Hz tương đương 216.000 vòng trên giờ hay 60 vòng trên giây. Để hiểu được tính đột phá của phát minh này, bạn cần biết rằng đồng hồ đeo tay hiện nay chỉ có một tần số giao động trung bình khoảng 4Hz mà thôi.

Compteur de tierces – cỗ máy bấm giờ (chronograph) đầu tiên trong lịch sử

Không giống như những chiếc đồng hồ chronograph hiện nay, phát minh của thế kỷ 19 này có chế độ bấm giờ đặt ở trung tâm, sử dụng toàn bộ mặt số. Hai nút bấm để dừng, bắt đầu, hoặc cho về chế độ ban đầu – một chức năng mang tính cách mạng thời ấy. Ngoài ra, mặt số còn có ba mặt số phụ để hiện thị giờ, phút, giây tương ứng ở vị trí 6 giờ, 1 giờ, 11 giờ.
Đánh dấu cột mốc 200 năm kể từ lần ra mắt chiếc chronograph đầu tiên trên thế giới, thương hiệu danh giá Louis Moinet đem tới sản phẩm Memoirs (Hồi ký) tri ân khối óc thiên tài của nghệ nhân Louis Moinet. Memoirs có thiết kế đồng nhất với sản phẩm gốc ban đầu gồm ba mặt số phụ để chỉ thời gian. Ngoài ra, sản phẩm mới này còn được trang trí bằng một bầu trời đầy sao huyền ảo trong ánh xanh đen để tưởng nhớ mục đích ban đầu của bộ chuyển động chronograph.

Memoirs được ví như một sản phẩm “toàn năng” có thể điều khiển thời gian

Vì là chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên sử dụng chronograph làm chi tiết chính, Louis Moinet Memoirs được ví như một sản phẩm “toàn năng” có thể điều khiển thời gian. “Nhằm tạo ra chiếc đồng hồ chronograph toàn năng đầu tiên, chúng tôi nghĩ về bộ phận chronograph trước khi cân nhắc đến tổng thể sản phẩm. Cách tiếp cận hoàn toàn mới này đã tạo nên một chiếc đồng hồ độc đáo và đầy tính sáng tạo. Để đem lại sự sống cho Memoris, chúng tôi đã phải tạo ra hơn 300 chi tiết cho bộ máy và hơn 50 chi tiết chỉ riêng cho vỏ đồng hồ,”– ông Jean-Marie Schaller, CEO và giám đốc sáng tạo của Louis Moinet nói về Memoris.
Louis Moinet