Loại vải xa xỉ này đang có nguy cơ biến mất. Vì sao?

(Đọc kỳ 1 tại đây)

South Gobi Cashmere, hay “Từ con dê cho đến chiếc áo khoác”, là nỗ lực của một nhóm thuộc Tập đoàn khai thác mỏ Rio Tinto, Tập đoàn xa xỉ Kering của Pháp và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã. Kering, công ty mẹ của Gucci, Balenciaga và YSL, thương hiệu có nhiều thành tựu ấn tượng trong việc duy trì và kiến tạo môi trường bền vững, đã đưa ra chương trình EP&L (Environmental Profit & Loss) cách đây gần một thập kỷ để theo dõi tác động sinh thái của quá trình sản xuất. Vào năm 2016, Kering còn phát triển một ứng dụng mà người mua hàng có thể sử dụng để tìm hiểu lịch sử sản xuất của từng mặt hàng. Tập đoàn này đã tìm thấy một đối tác sẵn sàng cho những nỗ lực độc lập của mình trong việc khai thác mỏ khổng lồ Rio Tinto – đối tác đã giúp thực hiện sáng kiến này như một phần của chương trình giảm phát thải các-bon xung quanh hoạt động kinh doanh của mình, trong trường hợp này là mỏ vàng và đồng Oyu Tolgoi ở Mông Cổ.

Katrina ole-MoiYoi, chuyên gia về nguồn cung ứng bền vững của Kering, tham gia chặt chẽ vào chương trình này nhằm mục đích sử dụng các phương pháp công nghệ cao để cải thiện các tiêu chuẩn bền vững cho cashmere. Cơ quan vũ trụ NASA sử dụng vệ tinh để theo dõi lượng mưa và các kiểu thời tiết trên toàn thế giới rồi chuyển những dữ liệu cho các nhà khoa học ở Đại học Stanford để dự đoán khi nào có thể xảy ra lũ lụt hoặc hạn hán.

Theo sáng kiến của South Gobi, các nhà quản lý chương trình sau đó được trang bị kiến thức về chăn thả và làm việc trực tiếp với những người chăn nuôi dê để di chuyển đàn gia súc của họ, đảm bảo vừa nuôi dê nhưng cũng vừa tuân thủ yêu cầu để đồng cỏ có đủ thời gian phục hồi.

Một giám đốc điều hành trong ngành cho biết, hầu như không thể thiết lập chuẩn mực cho toàn ngành, một phần là do sự cạnh tranh giữa hai quốc gia sản xuất cashmere chính là Mông Cổ và Trung Quốc, vốn đã bị bó buộc trong những cuộc tranh cãi không hồi kết để tranh giành vị thế chi phối.

Khăn và áo len của Johnston of Elgin

Trên thực tế, sợi cashmere của Trung Quốc thường có màu trắng, nhưng có thể mịn hơn và kém chắc hơn, trong khi sợi của Mông Cổ thường dẻo, bền, có xu hướng xám, kem hoặc nâu. Khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc sẽ áp dụng một tiêu chuẩn cho toàn ngành với một điều kiện: nếu các thông số của nó sai lệch để xác định, thì cashmere đó của Trung Quốc tốt hơn. Nhưng những người dân địa phương nghi ngờ rằng ngay cả một chương trình chỉ nhắm vào Mông Cổ, nơi các vấn đề luôn cho thấy mức độ nghiêm trọng hơn, cũng có thể dễ dàng thành công.

Ulziibodijav Jambal, một doanh nhân sở hữu cơ sở dệt kim ở Ulaanbaatar, lưu ý rằng nhiều công nhân trong các chương trình như vậy được điều đến từ nước ngoài. “Gần như không thể hiểu rõ về cộng đồng người độc đáo này trừ khi bạn sinh ra và lớn lên tại đó”, ông chia sẻ với Robb Report. “Hầu hết các dự án đều liên quan đến chuyên gia marketing quốc tế nhiều hơn là các chuyên gia địa phương, những người có liên quan đến cuộc sống của người chăn nuôi dê. Điều này dẫn đến một ấn tượng sai lầm về những gì họ có thể đạt được nhưng không có sự hiểu biết đúng đắn về gốc rễ của vấn đề mà họ cần phải đối mặt”. Ví dụ, việc yêu cầu những người chăn nuôi giảm số lượng động vật trong đàn của họ và do đó sẽ làm tăng giá cashmere. Điều này sẽ không hiệu quả, vì Trung Quốc độc quyền về giá cả khi mua 80% len thô từ Mông Cổ để chế biến thành sợi trong các nhà máy của họ. Nói một cách khác, chính Trung Quốc, chứ không phải là quy luật cung và cầu, quyết định số tiền mà người chăn nuôi kiếm được trên mỗi ounce.

Wendy Pieh sống ở Bremen, Maine và điều hành Hiệp hội dê Cashmere. Đàn dê nhỏ của cô nằm trong số khoảng 10.000 con được nuôi ở vùng ven biển. Pieh bán sợi thô cho cả thợ dệt nghiệp dư lẫn nhà thiết kế chuyên nghiệp. Sản phẩm của Pieh có thể xác định nguồn gốc với giá bán rất cao như cách cô chia sẻ một cách đầy tự hào: “Bạn có thể mua cashmere Mông Cổ trực tuyến với giá bằng một nửa so với giá của tôi”.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Mười Hai mang chủ đề “Best Of The Best”)