Nhu cầu của lớp người siêu giàu đã giúp ngành công nghiệp du thuyền phất mạnh bất chấp khó khăn thời đại dịch.

Vào cuối tháng 3/2020, ông trùm truyền thông Hoa Kỳ – tỷ phú David Geffen – đăng tải lên tài khoản Instagram dòng chữ: “Đang cách ly ở Grenadines để tránh dịch. Mong mọi người an toàn”. Hình ảnh của vị tỷ phú 77 tuổi trong những ngày tự cách ly trên chiếc siêu du thuyền Rising Sun có giá khoảng 590 triệu USD đã gây ra làn sóng phản ứng trên mạng xã hội. Chiếc siêu du thuyền từng được sử dụng để tổ chức tiệc cho những nhân vật nổi tiếng như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, bà hoàng truyền thông Oprah Winfrey và ông chủ đế chế Amazon Jeff Bezos trông chẳng khác gì một lâu đài nổi xa xỉ giữa khung cảnh ngoạn mục ở Caribê. Hình ảnh này quả là tương phản với những gì mà phần lớn dân chúng đang phải đối mặt trong bối cảnh giãn cách cũng như bức tranh ảm đạm của ngành công nghiệp siêu du thuyền vốn sử dụng hơn 160.000 nhân công trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, chính nhu cầu của lớp siêu giàu như David Geffen đã giúp ngành công nghiệp du thuyền phất mạnh bất chấp khó khăn thời đại dịch. Trong khi hàng loạt ngành nghề của nền kinh tế bị cơn đại hồng thủy Covid-19 nhấn chìm trong cơn sặc nước thì ngành du thuyền lại ăn nên làm ra nhờ nhu cầu sở hữu du thuyền tăng mạnh trên khắp các châu lục, trong đó có nhu cầu dùng du thuyền như một phương tiện để trốn dịch như tỷ phú David Geffen. Nếu như doanh số của thị trường du thuyền toàn cầu ước tính đạt 64,1 tỷ USD trong năm 2020 thì vào năm 2027, mức này dự kiến đạt 84,7 tỷ USD, tức tương đương tỷ lệ CAGR 4,1% trong giai đoạn 2020-2027. Hoa Kỳ chiếm lĩnh ngôi vương với doanh số khoảng 18,9 tỷ USD vào năm 2020, theo sau là Trung Quốc với doanh số dự kiến 15,1 tỷ USD vào năm 2027. Nhật Bản và Canada được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 3,8% và 3,4% trong giai đoạn 2020-2027, trong khi tỷ lệ CAGR của ngành du thuyền ở Đức dự kiến tăng khoảng 3,9%.

“Cháy hàng” – cụm từ mô tả tình trạng chung của ngành du thuyền

Bắt đầu từ Quý 3/2020, doanh số của thị trường du thuyền bắt đầu phục hồi nhanh chóng, đặc biệt là hiện tượng “cháy hàng” diễn ra trong gần như tất cả các hạng mục sản phẩm – từ du thuyền đã qua sử dụng cho đến du thuyền đóng mới, từ thuyền máy, thuyền đa thân cho đến siêu du thuyền. Trong số các thương hiệu ăn nên làm ra trong thời gian qua, có thể kể đến Azimut/Benetti, Sunseeker, Sanlorenzo, Feadship, Oceanco, Ferretti Group, Princess Yachts, Horizon, Heesen Yachts…

Siêu du thuyền Grande Trideck 38M của Azimut

Thực tế thị trường cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng các dòng du thuyền máy đã qua sử dụng. Rất khó để tìm được một chiếc du thuyền máy Bắc Âu đã qua sử dụng với chiều dài hơn 50 mét cùng “tuổi đời” dưới 15 năm. Trong khi đó, doanh số bán siêu du thuyền mới đang tăng lên nhanh chóng. SuperYacht Times dự báo có khoảng 160-180 siêu du thuyền mới được bán ra mỗi năm cho 2021-2022. Sau năm 2022, một số bất ổn do mối đe dọa của lạm phát có thể khiến lãi suất tăng và kinh tế thế giới chậm lại, dẫn đến khả năng tăng giá đầu vào – từ nguyên liệu thô cho đến các thành phần như vi mạch, khiến giá bán du thuyền sẽ tăng cao.

 


Hiện tượng “cháy hàng” diễn ra với gần như tất cả các hạng mục sản phẩm của ngành du thuyền.


 

Ở phân khúc du thuyền đa thân, có thể nhận thấy đây là thị trường ngách có tiềm năng tăng trưởng bền vững. Doanh số bán các loại catamaran dường như đang tăng lên dù tỷ trọng của chúng trong phân khúc siêu du thuyền vẫn còn khiêm tốn tại thời điểm này với mức chỉ hơn 1%. Tuy nhiên, năm 2020 chứng kiến kết quả kinh doanh tích cực hơn đối với loại đa thân có chiều dài 24-30 mét mang thương hiệu Sunreef hay Silent Yachts, trong khi các mẫu catamaran nổi tiếng với kích thước nhỏ hơn một chút như Lagoon và Fountaine-Pajot cũng cho thấy kết quả khả quan.

Không khó để có thể lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cháy hàng” đối với loại tài sản đặc biệt này. Đại dịch Covid-19 chính là nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng đóng băng cho gần như tất cả mọi ngành nghề của nền kinh tế thế giới. Tình trạng đóng cửa các sân bay khiến việc di chuyển giữa các quốc gia không thể diễn ra, hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn ngoài khơi của giới siêu giàu trước cơn bão Covid-19 lại đang tăng cao khắp các châu lục.

Du thuyền Lagoon Sixty 7

“Ngành du thuyền thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nguồn cung khiến du thuyền đang trở thành một mặt hàng khan hiếm. Ngoài những mẫu phổ thông phải đặt hàng ít nhất 1 năm ra, thì có những mẫu thời gian giao hàng đã kéo dài đến tận năm 2025” – ông Nguyễn Đức Thuận, CEO của Vietyacht, chia sẻ. Theo dự báo của ông, “xu hướng này sẽ không thể kết thúc sớm bởi đến năm 2025, các sản phẩm được đặt hàng từ thời điểm này mới được bàn giao hết. Lúc đó, những người sở hữu du thuyền trước năm 2020 và 2021 sẽ có nhu cầu nâng cấp du thuyền lên các mẫu mới hiện đại hơn. Do vậy, sau 2025, thị trường sẽ bước vào một chu kỳ thay thế du thuyền, khiến cho thị trường du thuyền sẽ tiếp tục tăng trưởng trong một vài năm tiếp theo.”

Nhu cầu sở hữu du thuyền của giới nhà giàu Việt

Với sự gia tăng số lượng người giàu và siêu giàu ở Việt Nam, nhu cầu sở hữu du thuyền chắc chắn cũng sẽ gia tăng tương ứng. Theo ông Thuận, nhu cầu du thuyền tại thị trường Việt Nam sẽ tăng mạnh vì đây là xu hướng mới. Tuy nhiên, “do các khách hàng người Việt thường muốn sở hữu du thuyền theo kiểu ‘ngay và luôn’ chứ không thích đợi chờ quá lâu, nên tình hình khan hiếm du thuyền trên thế giới sẽ là một rào cản khá lớn để thị trường Việt Nam phát triển” – ông Thuận bổ sung thêm.

 


Với sự gia tăng số lượng người giàu và siêu giàu ở Việt Nam, nhu cầu sở hữu du thuyền chắc chắn cũng sẽ gia tăng.


 

Nói về thị hiếu của khách mua du thuyền người Việt, ông Thuận cho biết rằng, đa số khách hàng người Việt là những người mới sử dụng lần đầu nên những mẫu du thuyền bình dân và tầm trung sẽ được ưa chuộng, chẳng hạn các mẫu du thuyền nhỏ cho gia đình như Merry fisher với cabin kín và đầy đủ tiện nghi, hay các mẫu tầm trung như Leader và NC. “Các mẫu du thuyền bình dân máy ngoài có giá từ 2.5 đến 10 tỷ đồng, và các mẫu tầm trung máy trong có giá từ 10 đến 20 tỷ đồng được giới mua du thuyền tại Việt Nam ưa chuộng” – ông Thuận cho biết thêm. Tuy nhiên, theo nhận định của ông, do đặc thù của thị trường Việt Nam, khách mua du thuyền chủ yếu kết hợp 2 mục đích: vừa tận hưởng thú chơi du thuyền, vừa kinh doanh bằng hình thức cho thuê lại khi không có nhu cầu sử dụng.

Bến du thuyền – “trang sức” hay nhu cầu thực?

Số người muốn mua và sở hữu du thuyền tăng lên cũng đồng nghĩa với nhu cầu cao trong việc sở hữu chỗ neo đậu. Nhiều chủ du thuyền tại Câu lạc bộ Du thuyền California ở Marina del Rey phải chấp nhận danh sách chờ kể từ tháng 5/2020. Các nhà phát triển bến du thuyền trên thế giới đang tích cực đầu tư nhằm thu hút lớp khách hàng mới. Bến du thuyền mới ở Victoria (Canada) đã được đầu tư 35 triệu USD nhằm thu hút hoạt động kinh doanh siêu du thuyền từ các trung tâm siêu du thuyền quá tải ở Địa Trung Hải và Caribe hay Alaska.

Tại Việt Nam, trước sự gia tăng của tầng lớp người giàu cùng nhu cầu sở hữu du thuyền, sự xuất hiện của một số bến du thuyền là xu thế tất yếu. “Trong thời gian tới, cơ sở hạ tầng sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường với sự ra đời của một loạt bến du thuyền như Sun Marina, Bim Marina ở Hạ Long, Ana Marina tại Nha Trang, cùng hàng loạt bến du thuyền đi kèm dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở phía nam của Novaland, DIC…”, ông Thuận cho biết.

Bến thuyền của VietyachtClub tại Tuần Châu Marina

Theo quan sát của Robb Report Việt Nam, bến du thuyền hiện được xem như một món trang sức giúp tạo giá trị gia tăng cho các dự án bất động sản đi kèm. Ông Brett Matthews, Giám đốc Công ty Seal Superyachts Vietnam có trụ sở tại TP.HCM, chia sẻ quan điểm với Robb Report Việt Nam: “Bến du thuyền là lợi điểm bán hàng cho các dự án bất động sản hạng sang ven sông, trong khi tầm quan trọng của việc quản lý và bảo trì chuyên nghiệp bến du thuyền sẽ giúp tạo ra các cơ hội khác cho hệ sinh thái tài chính và nền kinh tế địa phương”. Vị chuyên gia từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với Hoàng gia Ả Rập Saudi, Qatar và UAE… nhận định rằng, giá bất động sản ven sông sẽ luôn trong chiều hướng gia tăng khi dự án được định vị xung quanh phong cách du thuyền để mang đến cho nhà đầu tư và người tiêu dùng những trải nghiệm thú vị. Còn bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, nhận định: “cùng với sự giao lưu kết nối ngày càng chặt với các thị trường du thuyền trưởng thành như Singapore, Hồng Kông, thị trường bến du thuyền tại Việt Nam sẽ có tiềm năng phát triển trong tương lai”.