Cùng Robb Report khám phá thế giới của những chiếc dù qua hành trình lịch sử, con đường mẫu mã và những thương hiệu nổi bật.

Trong rất nhiều quảng cáo thời trang cổ điển của thập niên 30, người ta đã sử dụng hình ảnh những quý ông Luân Đôn với những đôi găng tay da thuộc tinh tế, tay cầm vài tờ báo cùng một chiếc dù mắc nơi cánh tay. Những mái vòm mỹ miều mà người ta vẫn gọi là dù và lọng vốn được thiết kế dành cho mục đích sử dụng thiết thực dần trở thành món phụ kiện để các ông hay quý bà, quý cô nâng tầm những bộ cánh sang trọng của mình.

Lịch sử của những tán dù

Trước hết, cần phải phân biệt sự khác nhau giữa dù và lọng. Trong một vài năm trở lại đây, hai khái niệm này đôi phần đã bị hoán đổi cho nhau, thế nhưng xét trên khía cạnh sản xuất và phân phối truyền thống, chúng vẫn là hai vật thể hoàn toàn biệt lập. Dù là một mái che khum hình vòm, có cán cầm tay, được sử dụng để che mưa. Trong khi đó, lọng được tạo ra có chủ đích là để che nắng vì chúng không được may bằng chất liệu chống thấm và không được dùng trong điều kiện thời tiết xấu.

Hình hài đầu tiên của chiếc dù xuất hiện cách đây hàng nghìn năm tại Trung Đông, khi các thợ thủ công vùng Nineveh chế tác nên những chiếc lọng để che nắng cho nhà vua và các vị hoàng thân. Nhưng trên thực tế, chiếc lọng lại không được phát minh từ vùng đất đó, chúng được tìm thấy trong đội quân đất nung nổi tiếng với niên đại hơn 2220 năm tại lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Điều thú vị là nếu xem xét dựa trên các văn bản để lại, thì những chiếc lọng này là loại cố định. Các bằng chứng đầu tiên về một chiếc lọng có thể đóng mở được phát hiện vào năm 21 trước Công nguyên, thời vua Vương Mãng, trong lăng mộ tại bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, những chiếc dù được tạo ra nhằm bảo vệ người dùng. Từ thời xưa, dù đã được thiết kế như một tác phẩm nghệ thuật và phụ kiện thời trang. Rất nhiều mẫu mã được trang trí bằng những viên đá quý, đồ trang sức cao cấp. Đến thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, những chiếc dù liên tục được thay đổi để phục vụ những quý bà sành điệu. Chúng dần trở thành một phần trong trang phục thường ngày của họ, bất kể điều kiện thời tiết. Nhờ sự du nhập tại Hy Lạp, thành Rome sau đó đã bắt nhịp nhanh chóng với xu thế mới này, dần dần quý ông tại đây cũng nhập cuộc.

Đến thế kỷ 17, dù bắt đầu có tay cầm lượn tròn chứ không thẳng như trước đây. Độ cong được tính toán tỉ mỉ để người giúp việc có thể dễ dàng cầm che cho chủ của mình với một góc độ phù hợp. Thuộc tính này vẫn còn lưu lại tới tận ngày nay, dành cho những người gác cửa tại các tòa nhà, chung cư, hay nhà hàng.

Phần lớn những người dùng hàng ngày thì sử dụng đoạn cong của tay cầm này để ngoắc lên cánh tay lúc đi lại. Hầu hết những chiếc dù cỡ lớn ngày nay đều sử dụng loại tay cầm cong, còn tay thẳng chỉ được dành cho loại dù du lịch nhỏ gọn.

CÁC LOẠI DÙ, LỌNG

Cổ điển

Đây là loại được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Loại dù có thể đóng mở này được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như kim loại, gỗ, và cả nhựa. Hầu hết sẽ được phủ một lớp chống nước microfiber trên vải với thân dù dài, tay lượn tròn. Có hai phiên bản thường gặp gồm mở bằng tay và tự động. Riêng dù tự động có thể dễ dàng bật lên bằng một tay.

Bong bóng

Bạn sẽ thường xuyên nhìn thấy nữ hoàng Anh dùng loại dù này khi xuất hiện trước công chúng. Thiết kế vải trong suốt, cao, hình cầu phù hợp với thời tiết gió to, mưa lớn. Nhờ chất liệu chắc chắn, chống chọi được với cả bão giông, và nhờ lớp vải trong suốt không che khuất tầm nhìn, nhiều phóng viên sử dụng chúng để quay hình sự kiện ngoài trời.

Golf

Giống như loại dù dành cho người gác cửa, chiếc dù này có kích cỡ rất lớn, với đường kính khoảng 177 cm. Chúng giúp che mưa cho túi, gậy đánh golf và nhiều golf thủ cùng lúc bởi những cơn mưa bất chợt tại sân (nơi thường không có chỗ trú).

Hiện nay, càng ngày càng nhiều thương hiệu đang tập trung vào thị phần «béo bở» này.

Doormen

Kích cỡ nhỉnh hơn những chiếc dù Golf một chút, đồng thời được gia công kiên cố khiến giá thành cũng cao hơn. Chúng được trang bị loại tay cầm phù hợp để người gác cửa dễ dàng cầm và che cho khách. Đây được xem là một trong những văn hóa dịch vụ cao cấp mà chúng ta có thể thấy tại các thành phố lớn như New York, London.

Xe hơi

Rolls Royce bắt đầu bổ sung những chiếc dù cho khách hàng mua xe trong những năm gần đây. Hãng xe đến từ Anh quốc này cộng thêm một vài thương hiệu cao cấp khác đã sáng tạo ra chỗ để dù độc đáo ngay vị trí cửa xe, với thiết kế «pop-out» tiện lợi. Những chiếc dù được tặng kèm này chính là một cách quảng bá hiệu quả cho nhãn hàng.

Du lịch

Đây là loại dù phổ biến thứ hai bởi sự tiện dụng nhỏ gọn của chúng. Đúng như tên gọi, những chiếc dù thường xuyên được sử dụng khi du lịch, hoặc cho những người chỉ muốn đem theo một chiếc dù vừa gọn trong túi của mình. Với thiết kế thân ngắn, cùng chất liệu không đảm bảo, hãy xác định rằng bạn sẽ phải liên tục thay mới chúng mỗi năm.

CÁC THƯƠNG HIỆU NỔI BẬT

Fox Umbrellas

Nước Anh – xứ sở xương mù – được xem là cái nôi của những chiếc dù thượng hạng nhất, trong đó phải kể đến Fox Umbrellas với lịch sử hình thành từ năm 1868. Dù không phá cách, Fox Umbrellas vẫn cung cấp nhiều mẫu tay cầm và chất liệu rất đa dạng, đảm bảo làm hài lòng yêu cầu của các quý ông cổ điển.

Talarico

Suốt 60 năm qua, Mario Talarico đã sản xuất ra những chiếc dù cao cấp cho các quý ông tại xưởng riêng ở Vico Due Porte, Naples. Hiếm có hiệu làm dù «thử» nào cạnh tranh được với Talarico về sự đa dạng của chất liệu và mẫu mã, riêng tay cầm đã có 20 loại gỗ quý để lựa chọn. Một chiếc dù cơ bản có giá từ 5 triệu đồng, trong khi phiên bản tay cầm bằng mai rùa đen có thể lên đến 17 triệu.

James Smith & Sons

Được thành lập từ năm 1830, James Smith sở hữu một cửa hiệu dù tuyệt đẹp ở Luân Đôn và bạn nhất định phải ghé thăm khi có dịp. Giá của những chiếc dù ở đây không hề thấp, nhưng trải nghiệm mà nó đem đến thì quả thật trên cả tuyệt vời.

Alexander McQueen

Những chiếc dù của thương hiệu Alexander McQueen vốn nổi tiếng là «chất» cả về giá thành lẫn kiểu dáng. Được thiết kế bởi chính Sarah Burton, sản phẩm của hãng là sự hòa quyện giữa hơi thở đương đại và phong cách tối giản đầy tinh tế. Nếu bạn chú trọng nhiều vào tính thẩm mỹ đương đại, Alexander McQueen sẽ là lựa chọn phù hợp nhất.

London Undercover

Quá chán nản với những chiếc dù đơn điệu mà lại dễ hư hỏng khi gặp thời tiết xấu, nhà thiết kế Jamie Milestone đã cho ra đời dòng sản phẩm cao cấp của riêng mình, với ưu điểm vừa có kiểu dáng đầy nghệ thuật, vừa đủ bền bỉ để chống chọi những thất thường của Luân Đôn. Cho dù được chế tác bằng phương pháp truyền thống, các loại dù của hãng luôn nổi bật bởi hoa văn đặc sắc. Từ họa tiết rằn ri đến biểu đồ cách điệu, những quý ông chuộng vẻ đẹp phá cách sẽ không thể quay lưng với thương hiệu này.