“Quý ông” và “làm thế nào để trở thành quý ông” đang là một chủ đề quen thuộc trong các tạp chí, blog hay cả những cuộc trò chuyện của nữ giới lẫn đấng mày râu. Sinh ra là một cậu trai chẳng có gì đảm bảo rằng lớn lên bạn sẽ trở thành quý ông. Thời gian và tuổi tác có thể đem lại sự chững chạc cùng nhiều trải nghiệm sống, nhưng đó mới chỉ tạo nên đàn ông, còn cái danh xưng quý ông đúng nghĩa thì chưa chắc ai cũng có vinh hạnh sở hữu.

Nguồn gốc của quý ông

Quý ông thời xưa là những người có địa vị cao trong xã hội

Cách đây khoảng một thế kỷ, thuật ngữ quý ông được xem như một danh xưng dành cho những người có vị trí cao trong xã hội, giàu có và thuộc tầng lớp quý tộc. Mỗi từ điển có một cách định nghĩa khác nhau, nhưng tựu chung lại thường rơi vào 5 nhóm sau:

  1. Một người đàn ông hào hiệp, lịch thiệp và đáng kính trọng.
  2. Một cách nói lịch sự khi đề cập đến người đàn ông.
  3. Một người đàn ông cao quý thuộc gia đình hoàng tộc.
  4. Một người có địa vị xã hội cao, đặc biệt giàu có.
  5. Tên gọi lịch sự chỉ thành viên nam trong Hạ Viện hoặc Thượng Viện.

Vậy quý ông thực sự là gì? Lịch thiệp chưa phải là yếu tố duy nhất và đầy đủ để quyết định việc có trở thành quý ông được hay không; những hành động hào hiệp đôi khi lại được coi là giả tạo, còn danh dự là một khái niệm rất tương đối. Ngày ngay, danh xưng quý ông không chỉ được xem như dấu hiệu nhận biết phong cách sống tinh tế của một người nữa, mà còn gắn với nhóm nam giới giàu có không phải chật vật kiếm sống.

Có rất nhiều yếu tố tạo nên quý ông thời nay

Trên thực tế, bất cứ ai muốn trở thành quý ông phải thực sự làm chủ được cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày lẫn những tình huống trang trọng; bởi sự giàu có và quyền lực thôi chưa đủ, tiền và địa vị chưa hẳn sẽ mua được sự tôn trọng.

Định nghĩa quý ông hiện đại

Chúng tôi tin chắc rằng bất kỳ ai cũng có thể trở thành một quý ông nếu muốn, nhưng đó không phải là công việc đơn giản. Đó là cả một hành trình, một mà chúng ta luôn phấn đấu để trở thành, chứ không phải đích đến. Một quý ông đúng nghĩa là:
– Không hề hoàn hảo: Đây có thể là đặc điểm quan trọng nhất trong danh sách. Trở thành quý ông không phải là một lý tưởng quá cao vời đến nỗi không thể đạt được. Quý ông cũng là con người, mà bản chất của con người thì không thể nào tránh khỏi việc lựa chọn, phán đoán và mắc phải sai lầm. Sự khác biệt nằm ở chỗ một quý ông không tin rằng mình hoàn hảo, thay vào đó, họ kiểm soát và chịu trách nhiệm về những có liên quan đến chính mình: hành động, kiến thức và cách họ tiếp cận thế giới.
– Có tiêu chuẩn cao: Việc tự đặt cho mình tiêu chuẩn cao trong hầu hết mọi việc thúc đẩy họ làm tới mức tốt nhất có thể. Một quý ông sẽ kỳ vọng cao về chất lượng, giá trị và tính năng từ những thứ họ mua lẫn những thứ họ làm ra. Họ đặt kỳ vọng cao đối với chính mình cũng như người khác.

– Cần ăn mặc chỉn chu: Điều này chẳng có gì bất ngờ. Một người đàn ông ăn mặc đẹp khi họ lựa chọn trang phục, phụ kiện phù hợp với mùa, sự kiện và phong cách riêng của mình. Ăn mặc chỉn chu không phụ thuộc vào giá tiền hay hàng hiệu, mà xuất phát từ việc chăm sóc quần áo cẩn thận, để ý từng chi tiết, phối hợp hài hòa giữa các bộ phận nhằm tạo nên tổng thể phù hợp với hoàn cảnh và sở thích của bản thân. Trang phục còn giúp quý ông thể hiện địa vị xã hội, đồng thời còn được sử dụng để truyền đạt sự tôn trọng đối với chủ tiệc/chủ nhà mà không gợi lên sự ghen ghét hay khoe khoang. Việc ăn mặc chỉn chu cũng là niềm tự hào của quý ông bởi điều đó thể hiện cá tính và gu thẩm mỹ của bản thân.
– Có lối ứng xử thông minh: Về khía cạnh này, các định nghĩa cổ điển hoàn toàn chính xác. Một quý ông thực sự lúc nào cũng ứng xử một cách lịch thiệp, lịch sự và tôn trọng đối phương. Họ sẵn sàng nói “xin vui lòng” và “cảm ơn”, đối xử với người khác theo cách mà người đó cảm thấy thoải mái nhất.

Ứng xử lịch thiệp là yêu cầu tiên quyết của bất cứ ai muốn trở thành quý ông

– Là một người cởi mở: Một quý ông thực sự chưa bao giờ tự cho rằng ý kiến của mình hoàn toàn chính xác và không bị bất cứ ai nghi ngờ. Họ cố gắng học hỏi, cởi mở với những ý tưởng mới, chấp nhận những lời phê bình mang tính chất xây dựng và đương đầu với thất bại như một con đường thiết yếu dẫn đến thành công. Họ không tự cho mình là đúng trong mọi trường hợp, mà đặt mình vào vị trí của người khác để nắm bắt nhiều quan điểm khác nhau cho cùng một sự việc.
– Là người thú vị: Một người đàn ông thú vị dễ dàng trò chuyện với nhiều đối tượng có sở thích khác nhau. Họ quan tâm đến thế giới xung quanh, không ngừng tìm tòi để gia tăng kiến thức theo phong cách mà mình xây dựng.
– “Lời nói đi đôi với việc làm”: Rất đơn giản, một quý ông sẽ luôn thực hiện đúng những gì mình đã hứa.
– Nhận ra sự khác biệt giữa kiêu ngạo và tự tin: Một quý ông tự tin không cố tình tạo ra ấn tượng, họ có thể sở hữu những chiếc siêu xe hoặc đồng hồ trị giá hàng tỉ đồng nhưng không phô trương lộ liễu. Họ cũng có thể nhắc đến thành công của mình nhưng thường kể về quá trình nỗ lực để đạt được thành tích hơn là kể về vinh quang.
– Nắm giữ quyền lực một cách thận trọng: Ngoài việc “quyền hạn luôn đi đôi với trách nhiệm”, thì một quý ông nắm giữ quyền lực trong tay phải tận dụng sức mạnh đó một cách có chủ đích và không ích kỷ. Họ không dùng quyền hành để trả thù, vì lợi ích cá nhân và hạ thấp người khác.
Tại sao những yếu tố trên lại quan trọng thay vì chỉ hướng tới sự giàu có hay địa vị xã hội? Bởi vì, danh xưng quý ông không phải là một đích đến, mà là khát vọng xuất phát từ việc theo đuổi sự hoàn thiện, tự nhận thức và động lực cá nhân.
Mặc dù việc trở thành quý ông nghe có vẻ đáng ngưỡng mộ, nhưng phải sống theo chuẩn mực mỗi ngày đôi khi sẽ trở nên khá khó khăn. Khi một người đàn ông đang trong trạng thái xấu, căng thẳng hay mệt mỏi, anh ta có thể nói hoặc làm những việc không thể kiểm soát được. Trong những tình huống đó, điều quan trọng là phải nói lời xin lỗi kịp thời và thể hiện sự chân thành với đối phương. Đừng cho rằng đây chỉ là lời khuyên sáo rỗng, bởi rất nhiều người không thể trở thành quý ông trong cuộc sống thường nhật chỉ vì nguyên nhân này.