Có lẽ đối với mỗi tín đồ du ngoạn, khái niệm du lịch xa xỉ (luxury travel) sẽ được hiểu theo một nghĩa nào đó. Đối với người này, đó có thể là chuyến du ngoạn trên du thuyền siêu sang trị giá hàng triệu đô-la ở Bắc Cực. Với người khác, đó sẽ là trải nghiệm về một chương trình thực dưỡng được phục vụ theo yêu cầu riêng trong suốt kỳ nghỉ với những bộ cánh được thiết kế và treo ngay ngắn trong tủ phòng khách sạn. Với một số khác nữa, đó có thể là một bữa tối giữa hoang mạc Sahara với thực đơn do đầu bếp gắn sao Michelin đảm trách. Và cho dù đó là lựa chọn nào thì du khách ngày nay vẫn luôn sẵn sàng chi tiền để có được những trải nghiệm đáng nhớ ấy.

Bức tranh toàn cảnh

Theo báo cáo Shaping the Future of Luxury Travel do Amadeus thực hiện, năm 2015, thị trường du lịch xa xỉ cho thấy mức tăng trưởng cao hơn so với mảng du lịch nói chung và được dự đoán sẽ tăng 6,2% trong một thập kỷ tới so với mức 4,8% của lĩnh vực du lịch nói chung.

FEATKynguyentrainghiem_1

Bắc Mỹ và Tây Âu hiện đang đứng ở vị trí đầu bảng trong danh sách các châu lục và vùng lãnh thổ có lượng du khách đi du lịch ở nước ngoài với 64%, dù chỉ chiếm 18% dân số toàn cầu. Tuy nhiên, sự trưởng thành của các thị trường cao cấp và sự giàu có của người dân sẽ khiến cho thị trường du lịch xa xỉ tại châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh hơn thị trường châu Âu trong giai đoạn 2011-2025, và sẽ giảm tốc vào 2015-2025, trong khi châu Âu vẫn tiếp tục tăng trưởng đều đặn. Trong hơn một thập kỷ sắp tới này, vị trí thống lĩnh của Bắc Mỹ trên thị trường du lịch xa xỉ thế giới sẽ bị thay thế bởi Trung Đông và châu Á. Số lượng các chuyến du ngoạn xa xỉ từ 4 quốc gia mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tăng lên với mức tăng trưởng kép thường niên CAGR tương ứng là 4,2%, 9%; 12,8% và 12,2%.

Do sự phát triển ấn tượng của thị trường xa xỉ ở Ấn Độ, thị trường du lịch cao cấp ở khu vực Nam Á sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với bất kỳ khu vực nào khác. Các tiểu quốc gia vùng Himalaya cũng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong lĩnh vực du lịch nói chung. Điều thú vị là thị trường du lịch cao cấp tại Đông Bắc Á, bao gồm Trung Quốc, được dự báo tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với mức tăng trưởng kép thường niên CAGR của lĩnh vực du lịch nói chung, dù hiện nay vẫn tăng trưởng ổn định.
Các khu vực khác, nơi phân khúc du lịch xa xỉ sẽ vượt mặt lĩnh vực du lịch nói chung, bao gồm Tây và Đông Âu, Bắc Mỹ và Đông Nam Á (bao gồm Singapore, Thái Lan và Philippines). Những vùng lãnh thổ này đang cho thấy sự gia tăng của lớp người siêu giàu, những người có xu hướng dẫn dắt trào lưu đầu tư trong ngành công nghiệp du lịch xa xỉ ở quy mô toàn cầu.

Trong năm 2016, ít nhất 30% du khách giàu có trên toàn cầu sẽ chi nhiều tiền hơn cho các chuyến du ngoạn xa xỉ. Trong năm 2015, du khách Đức và Nhật là những «thượng đế» xếp đầu bảng với trung bình 8,5 chuyến đi/năm, trong khi con số này ở du khách Mỹ là 7,0. Ngân sách chi tiêu trung bình mà người giàu chi cho một chuyến du ngoạn là hơn $11.000 mỗi năm. Trong năm 2016, du khách giàu có sẽ chi tiêu nhiều hơn cho mỗi đêm lưu trú ở khách sạn, tăng từ mức $390/đêm lên mức $419/đêm.

Sự chuyển dịch từ giá trị vật chất sang giá trị trải nghiệm

Rất khó để đưa ra định nghĩa đầy đủ về sự xa xỉ. Tuy nhiên, ở các thị trường phát triển và trưởng thành, thuật ngữ này đang ngày càng mang tính trải nghiệm tinh thần hơn là giá trị vật chất. Trải nghiệm xa xỉ là thứ chỉ diễn ra một lần và không thể lặp lại, khiến cho khoảnh khắc diễn ra trải nghiệm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chính vì thế, một xu hướng quan trọng điều khiển tương lai của lĩnh vực du lịch xa xỉ là sự chuyển đổi trong giá trị từ vật chất sang trải nghiệm hơn là tiết kiệm để mua sắm những món đồ xa xỉ sang trọng. Con người đang có xu hướng chi nhiều tiền hơn cho du lịch xa xỉ. Theo báo cáo của Boston Consulting Group, trong số 1.800 tỷ đô-la chi cho các sản phẩm và dịch vụ xa xỉ trên toàn thế giới trong khoảng thời gian 2013-2014 đã có 1 nghìn tỷ được chi cho «những trải nghiệm xa xỉ». 460 tỷ đô-la đã được chi cho những chuyến du lịch sang trọng như chương trình thám hiểm đến Nam Cực hoặc du ngoạn safari được thiết kế theo nhu cầu cá nhân, trong khi chỉ có 170 tỷ được chi cho sản phẩm cao cấp.

FEATKynguyentrainghiem_2

Theo nhận định của Ian Yeoman, Tổng giám đốc của Travel Futurologis, khi người tiêu dùng có tuổi và thị trường trưởng thành, vật chất sẽ không còn đóng vai trò quan trọng nữa, thay vào đó, thời gian và khả năng tạo ra sự giàu có cho bản thân mới có ý nghĩa. Tuy nhiên, có một sự khác biệt nhỏ trong hành vi của du khách ở các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia phát triển. Theo nhận định của Ian Yeoman, du khách thuộc tầng lớp trung lưu từ các thị trường mới nổi coi trọng vấn đề vật chất. Tuy nhiên, với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại các nền kinh tế phát triển, sự xa xỉ không còn mang tính đặc quyền như nhiều người đang tiếp cận. Khi người tiêu dùng già đi, sự xa xỉ sẽ là những gì có xu hướng làm giàu cuộc sống tinh thần hơn là vật chất.

Những trải nghiệm nào được du khách giàu có ưa chuộng?

Theo báo cáo của Amadeus, các chuyến du ngoạn safari ở châu Phi, những hành trình đến Nam Cực, chu du bằng du thuyền trên biển Địa Trung Hải hay việc tham dự các sự kiện VIP như The Masters và Thế vận hội là những hoạt động được lớp du khách giàu có lựa chọn. Các du khách giàu có thích tìm kiếm nơi lưu trú sang trọng với các tiện nghi tuyệt vời cùng những trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ.

FEATKynguyentrainghiem_4

Đối với giới thượng lưu, du lịch là hoạt động gắn liền với việc có những trải nghiệm độc đáo, nơi những món quà lưu niệm là những ký ức lâu dài của thời gian mà họ có được. Họ có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang dã của Serengeti từ trên cao với Serengeti Balloon Safari để bay trên những khinh khí cầu nhiều màu sắc, chiêm ngưỡng đồng cỏ Serengeti với những cuộc di cư khổng lồ của các loài động vật hữu nhũ. Họ cũng có thể khám phá đường biên cuối cùng đầy hiểm trở của thế giới với hành trình độc đáo của Mountain Travel Sobek: ngủ trong một căn chòi gỗ dưới bầu trời đêm Bắc cực, tham quan nơi cư trú của các bộ lạc ở Inuit hẻo lánh, leo núi qua những đường đèo với tầm nhìn rộng khắp những đỉnh núi đá granite cao vút ấn tượng, và chèo thuyền qua những con vịnh hẹp phủ lớp băng mỏng lấp lánh – tất cả đều hiện diện trong một vùng đất hẻo lánh tuyệt đẹp, nơi không có phà cũng chẳng có đường đi, chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền.

Báo cáo của Amadeus cũng cho thấy, châu Âu, Caribe và Hoa Kỳ là những điểm đến hàng đầu đối với các du khách giàu có. Các khách sạn hàng đầu được các du khách triệu đô lựa chọn là The Bellagio (Las Vegas), The Plaza (New York), Mandarin Oriental (Luân Đôn), Hotel du Cap-Eden-Roc – Antibes, Pháp và Raffles (Singapore).

Du ngoạn bằng tàu hỏa cao cấp cũng là một trải nghiệm thú vị. Các thương hiệu tàu hỏa cao cấp được ưa thích nhất hiện nay là Eastern & Oriental Express (Singapore, Malaysia và Thái Lan); Blue Train (Nam Phi), Pride of Africa (Rovos Rail – châu Phi); Maharajas Express (Ấn Độ); và The Orient Express (châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ).

Các du khách giàu có có xu hướng kết hợp mục tiêu kinh doanh và giải trí trong các chuyến đi của mình. Theo nghiên cứu của The Leading Hotels of the World, Ltd., 54% doanh nhân giàu có kết hợp hai mục tiêu này trong các chuyến đi của mình (ví dụ golf, spa).

FEATKynguyentrainghiem_3

Theo báo cáo của Amadeus, du lịch xa xỉ với khoảng cách dài sẽ phát triển nhanh hơn bất kỳ hình thức du lịch nào khác. Điều này được thể hiện qua các số liệu kinh tế du lịch với dự báo rằng khoảng cách của các chuyến du ngoạn xa xỉ ra nước ngoài trong thập kỷ tiếp theo sẽ được dựa trên các xu hướng hiện tại cũng như mức tăng trưởng. Nhiều hãng lữ hành cao cấp ở Trung Đông như Zahid Travel Group đã hợp tác với các đối tác ở Pháp, Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha để giới thiệu các tour du lịch di sản, giúp du khách trải nghiệm vẻ đẹp của các ngôi làng hay điền trang với bề dày lịch sử hàng trăm năm hay nền ẩm thực Michelin.

Đối với du khách triệu đô châu Á, top 3 điểm đến hàng đầu trong thập kỷ tới là Tokyo, Osaka và Hồng Kông. Đồng Yên yếu, cự ly gần và danh tiếng của xứ hoa anh đào về các truyền thống văn hóa độc đáo cũng như vẻ đẹp tự nhiên chính là những yếu tố cơ bản tạo nên nét hấp dẫn cho điểm đến này, đặc biệt đối với những ai tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ và thú vị. Đối với người giàu Trung Quốc, Maldives được xem là điểm đến hàng đầu, nơi trải nghiệm từ thiên nhiên và du lịch sinh thái là 2 trong 3 hoạt động du lịch được mong đợi nhất. Đối với người giàu Nhật Bản, có lẽ không quá ngạc nhiên, Hawaii vẫn là lựa chọn số một.

Người giàu Trung Quốc thích lựa chọn những địa điểm du ngoạn sang trọng, nơi họ vừa thư giãn, nghỉ ngơi, vừa có thể mua sắm những món đồ yêu thích. Nói chung, nhu cầu của người giàu Trung Quốc đối với các trải nghiệm xa xỉ hiện được đánh giá là khá cao, đặc biệt là nhu cầu tìm hiểu những gì liên quan đến lịch sử, nguồn gốc cũng như chất lượng và nghệ thuật thưởng thức rượu vang. Chính vì thế, ông trùm rượu vang người Pháp Bernard Magrez đã giới thiệu tour du lịch trải nghiệm rượu vang «Luxury Wine Experience» đến thị trường châu Á nhằm thu hút giới thượng lưu Trung Quốc. Các trải nghiệm xa xỉ của tour du ngoạn này bao gồm việc đưa đón bằng siêu xe Rolls-Royce, xe máy Harley Davidson, hoặc chỉ đơn giản bằng xe đạp, những buổi dã ngoại tại các khu vườn, các tour thăm hầm rượu, tiệc chiêu đãi dưới ánh nến, thưởng thức trứng cá muối với rượu vang và các chuyến tham quan xung quanh khu vực lưu trú.

Tại Việt Nam, du lịch xa xỉ theo đúng nghĩa của từ này có lẽ vẫn còn là một khái niệm khá xa vời. Theo ông Phạm Mạnh Hà, CEO Công ty Luxury Travel, ở Việt Nam chỉ tồn tại khái niệm du lịch sang trọng. Đây cũng là một phân khúc khá hẹp và chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ so với miếng bánh du lịch nói chung. Ngay cả tại Luxury Travel, thương hiệu chuyên về các tour du lịch sang trọng, lượng khách hàng thuộc phân khúc này cũng chỉ chiếm 3% so với tổng số khách hàng nói chung, dù đây là lớp khách hàng có khả năng chi trả cao và chủ yếu đến từ châu Âu, Úc, Mỹ và Nam Phi và Nam Mỹ. Theo ông Hà, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển phân khúc du lịch sang trọng nhờ sở hữu nhiều khu nghỉ mát đẹp nhất thế giới như Nha Trang hay Đà Nẵng, hoặc những hòn đảo và đồi cát mênh mông ở Phan Thiết. Tuy nhiên, theo nhận định của Robb Report, để phục vụ lớp khách hàng triệu đô với nhiều đòi hỏi khắt khe, các đơn vị làm du lịch Việt chắc chắn phải có chiến lược đầu tư bài bản cả về nhân lực cũng như vật lực. Và điều này hẳn là một bài toán không hề dễ dàng cho những ai muốn phục vụ lớp «thượng đế» giàu có này.