Lần đầu tiên, một tạp chí phong cách sống nổi tiếng sử dụng robot Squire để tạo nội dung cho ấn phẩm tháng Tư.
Đã gần nửa thế kỷ kể từ khi phần phim đầu tiên Episode IV: A New Hope (1977) được trình chiếu, loạt phim Star Wars đã trở thành một tượng đài lớn của nền điện ảnh với sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu. Lần đầu tiên, loạt phim về một thiên hà giả định với những đế chế người máy – từ những cỗ máy đời cũ trông không giống con người cho tới những chiến binh robot hoàn chỉnh, làm việc dưới sự chỉ đạo của những tên độc tài – đã khiến loài người vừa cảm thấy thú vị, tò mò, vừa lo lắng, hoảng sợ: tò mò về một thế giới giả định xen lẫn những lo lắng về sức mạnh hủy diệt của thế giới người máy siêu phàm.
Gần nửa thế kỷ sau, cảm giác phấn khích và lo lắng ấy đang được nhân lên nhiều lần với sự xuất hiện của Sophia – một “nữ người máy” có hình dạng giống con người với đôi mắt nâu và lông mi dài cùng biểu cảm tự nhiên khi trả lời các câu hỏi của truyền thông tại các chương trình truyền hình ăn khách hay các sự kiện tầm cỡ và được Saudi Arabia cấp quyền công dân, mở đầu cho kỷ nguyên của thế hệ robot mới.
Ông David Hanson, cha đẻ của người máy Sophia, chuyên gia nghiên cứu về robot của Mỹ, đồng thời là CEO của công ty Hanson Robotics, đã dự đoán rằng, vào năm 2035, robot có thể sẽ vượt con người gần như ở trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt, một thế hệ người máy mới thậm chí còn có thể thi vào đại học, học thạc sĩ, làm việc và hoạt động trong xã hội với trí thông minh tương tự người 18 tuổi.
Mới đây, việc AI Squire – sản phẩm được AI QLX thiết kế riêng cho Esquire Singapore – tham gia tạo nội dung số tháng Tư của tạp chí phong cách sống nổi tiếng này với tư cách như là một biên tập viên, đang trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của công chúng. Có vẻ như kỷ nguyên của các “tòa soạn robot” đang thực sự bắt đầu…

Những robot “nhà báo” thế hệ đầu tiên
AI Squire không phải là robot “nhà báo” đầu tiên trên thế giới, nhưng chắc chắn là robot đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất nội dung phong cách sống. Trước Esquire, một số tờ báo và tạp chí lớn trên thế giới như AP, The Washington Post, Forbes đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để sản xuất nội dung. Năm 2016, The Washington Post đã bắt đầu sử dụng công cụ Heliograf để tạo ra khoảng 300 bản tin ngắn về Thế vận hội Rio. Trong năm đầu tiên, với việc sử dụng sử dụng Heliograf, tờ báo này đã sản xuất khoảng 850 bài viết, trong đó bao gồm 500 bài viết liên quan đến chủ đề bầu cử, thu hút hơn 500.000 lượt nhấp chuột. Trong khi đó, công cụ Lynx Insights của Reuter được giới thiệu vào tháng 3 năm 2018 đã giúp các biên tập viên tạo nội dung cho tờ báo. Khoảng một phần ba nội dung của Bloomberg sử dụng một số hình thức công nghệ tự động, trong đó có hệ thống Cyborg với khả năng hỗ trợ các phóng viên để tạo ra hàng ngàn bài viết về báo cáo tài chính của công ty mỗi quý. Với khả năng đưa tin chính xác, Cyborg giúp Bloomberg giành lợi thế trong cuộc đua với Reuters, đối thủ chính trong lĩnh vực cung cấp thông tin tài chính kinh doanh hay các quỹ phòng hộ vốn đang áp dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ khách hàng của mình.
Mùa hè 2018, Forbes bắt đầu sử dụng một CMS bán tự động mới có tên gọi Bertie, đề xuất các chủ đề bài viết dựa trên các bài viết trước đó của tác giả bên cạnh các tiêu đề và hình ảnh câu chuyện. Đóng vai trò hỗ trợ đội ngũ biên tập viên và các cộng tác viên cao cấp của Forbes ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, Bertie đã giúp Forbes xuất bản khoảng 300 nội dung mỗi ngày. Theo các chuyên gia trong ngành, nếu một phóng viên kinh tế trung bình một quý sản xuất được 400 bài viết về hoạt động của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, thì hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo 3700 bài, tức tăng gần gấp 10 lần.
(Đọc kỳ 2 tại đây)