Khi những tính năng tinh vi không còn là “hàng hiếm” trên những cỗ máy đếm thời gian cơ học cao cấp.

Đòi hỏi trình độ cơ khí và kỹ nghệ chế tác đỉnh cao, các thiết kế siêu phức tạp như lồng xoay tourbillon hay bộ điểm chuông từng nổi danh là hàng hiếm một thời và chỉ tích hợp trên số ít cỗ máy đếm thời gian nay bỗng “chiếm sóng” thị trường, rồi dần trở thành yêu cầu “phải có” trên các đồng hồ tinh vi nhưng nhỏ nhắn và mỏng mảnh thay vì vẻ ngoại cỡ đầy phô trương như trong quá khứ.

Hẳn thế mà những thiết kế siêu phức tạp này luôn trở thành món đồ đáng khao khát đối với các tín đồ sành điệu. “Thách thức đối với thương hiệu không phải là tạo ra một tính năng siêu phức tạp vi diệu mà phải thoát khỏi những giới hạn thông thường, để thai nghén nên những cỗ máy đo thời gian phức tạp và quý hiếm, không mang nặng tính độc bản mà là trở thành một phần của bộ sưu tập đa dạng hơn”, Chủ tịch thương hiệu Patek Philippe Thierry Stern cho hay. “Điều làm chúng tôi khác biệt so với phần còn lại, theo triết lý của gia tộc Stern, là tạo nên chiếc đồng hồ Patek Philippe siêu phức tạp không chỉ trưng trổ sự tinh vi cơ khí đơn thuần mà còn phải phô diễn sức hút về thẩm mỹ, dễ sử dụng và luôn cho thấy những đặc tính tuyệt vời nhất khi ngự trên cổ tay. Chúng tôi không muốn tạo nên những chiếc đồng hồ quý hiếm chỉ để cất trong két sắt”.

Lời khẳng định đó đã được minh chứng ấn tượng khi Patek Philippe Grandmaster Chime trở thành chiếc đồng hồ đắt giá nhất từng được đấu giá với con số kỷ lục 31 triệu Mỹ kim. Sở hữu bộ vỏ thép cùng 20 tính năng phức tạp, đây là đồng hồ điểm chuông grande sonnerie đầu tiên và tinh vi bậc nhất gia nhập bộ sưu tập đỉnh cao khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 2014 như một phiên bản giới hạn đánh dấu kỷ niệm 175 năm ngày thành lập thương hiệu.

Vacheron Constantin cũng ra mắt những thiết kế phức tạp kết tinh từ những phát kiến đột phá, tiêu biểu như Les Cabinotiers Astronomical Striking Grand Complication Ode to Music, đồng hồ điểm chuông siêu phức tạp có đến 3 bánh răng cho lịch thiên văn, lịch mặt trời và lịch phổ thông; hay chiếc Les Cabinotiers Grand Complication Split-Seconds Chronograph Tempo chế tác từ 1.163 cấu kiện với 24 tính năng phức tạp, nằm gọn trong một thiết kế nhỏ nhắn trên cổ tay. Sẽ thật thiếu sót nếu không đề cập đến siêu phẩm Traditionnelle Twin Beat Perpetual Calendar – một cỗ máy với “trái tim đập theo 2 nhịp”, có khả năng tăng cường mức năng lượng dự trữ lên đến 2 tháng nên chủ sở hữu cũng không còn phải nhọc công khởi động lại đồng hồ sau thời gian dài không sử dụng.

L.U.C Full Strike sở hữu bộ chiêng tích hợp cùng mặt kính sapphire

Trong khi đó, Audemars Piguet khiến giới mộ điệu kinh ngạc bởi mẫu đồng hồ lịch vạn niên có thiết kế siêu mỏng Royal Oak Selfwinding Perpetual Calendar Ultra-Thin được vinh danh tại “Oscar của giới chế tác đồng hồ” GPHG (Foundation of the Grand Prix d’Horlogerie de Genève) với phần bộ máy mang tính cách mạng cao độ khi “hô biến” cac kết cấu phức tạp thành một mặt phẳng đơn nhất mỏng mảnh.

Giới mộ điệu đang chứng kiến một thế hệ mới các nhà chế tác tài năng sử dụng công nghệ mới để ghi dấu trong lịch sử chế tác đồng hồ bằng cách thức sáng tạo và độc đáo nhằm tái thiết kế các tính năng phức tạp, như cách mà bộ phận chế tác đồng hồ cao cấp L.U.C của thương hiệu danh tiếng thế giới Chopard đã làm khi kết hợp di sản truyền thống với công nghệ hiện đại để tạo ra chiếc đồng hồ điểm chuông đầu tiên mang tên L.U.C Full Strike.

Vacheron Constantin Traditionnelle Twin Beat Perpetual Calendar sở hữu “trái tim 2 nhịp đập”, giúp kéo dài năng lượng dự trữ lên đến 2 tháng

Sở hữu bộ chiêng tích hợp thẳng vào mặt kính đồng hồ, siêu phẩm L.U.C Full Strike không chỉ là tạo tác cơ khí để “làm màu”, mà còn góp phần cải thiện trải nghiệm người dùng khi tối giản chi tiết cố định chiêng vốn ảnh hưởng không nhỏ đến thanh âm phát ra từ bộ điểm chuông. Bằng cách vượt ra khỏi khuôn khổ các giới hạn thông thường đó, L.U.C Full Strike đã góp phần khiến cho trải nghiệm đồng hồ siêu phức tạp trở nên “dễ thở” và thú vị hơn rất nhiều.