Liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng, lọt vào danh sách quan tâm hàng đầu của truyền thông quốc tế, những công trình của công ty GK Archi tại Việt Nam, Myanmar, Bangladesh, Mông Cổ… ấp ủ khát vọng đưa kiến trúc Việt ra thế giới của nữ CEO kiêm kiến trúc sư Giang Lê.
Có được những thành công ban đầu tại thị trường quốc tế, theo chị lý do nằm ở việc chọn đúng thời điểm, đúng quốc gia để mở rộng, hay còn bởi nguyên nhân nào khác?
Sự thành công không tự nhiên mà tới một cách dễ dàng. Trước hết, kết quả đạt được là nhờ vào chính sách “ngoại” tiến của GK Archi. Là một trong hai người sáng lập công ty GK Archi, tôi muốn thử sức ở môi trường rộng lớn hơn Việt Nam, tạo cho mình nhiều cơ hội để vùng vẫy, va chạm và cọ sát. Tôi muốn giới thiệu tới thế giới khả năng thiết kế của kiến trúc sư Việt. Cần phải có người tiên phong để đưa lĩnh vực kiến trúc, vốn dĩ từ trước tới nay chưa ai nghĩ chúng ta đủ mạnh, vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Kế tiếp, sự thành công đến từ những nhận định về thời điểm phát triển của thị trường mà tôi muốn hướng tới. Các số liệu phân tích, thống kê sẽ là những cơ sở tốt nhất để đánh giá một thị trường trước khi quyết định có nên thâm nhập. Chẳng hạn như khi đọc và phân tích các số liệu tăng trưởng của Myanmar lúc mới mở cửa, tôi cảm thấy đây là cơ hội lớn và thời điểm đúng đắn để thử sức ở quốc gia này.
Ngoài ra, còn phải nhắc đến nội lực của cá nhân và tập thể GK Archi. Dự án đầu tiên chúng tôi có được ở thị trường Myanmar bắt nguồn từ việc khách hàng thật sự tâm đắc với một dự án GK Archi thiết kế tại Việt Nam. Việc tạo dựng cho GK Archi một hồ sơ đủ tầm và đủ lực để khách hàng tham khảo ở các thị trường mới là điều quan trọng. Tóm lại, có rất nhiều yếu tố dẫn đến thành công, và điều này hoàn toàn không đến từ sự may mắn. Đó là sự nỗ lực bền bỉ, lòng yêu nghề đi cùng quyết tâm cao độ.

Dự án chung cư cao cấp The Atrium tại Yangon, Myanmar

Những năm gần đây, kiến trúc Việt đương đại phát triển với những đặc trưng mang bản sắc dân tộc (chất liệu tre, trúc). Theo chị làm sao để chúng ta không chỉ xuất khẩu chất xám mà còn cả tinh thần văn hóa Việt trong kiến trúc?
Rất tiếc, tôi có thể khẳng định, kiến trúc Việt chưa có một đặc trưng mạnh mẽ để ta có thể giới thiệu tinh hoa ấy ra thế giới. Tôi đã từng đi nhiều nước, nhưng chưa thấy công trình mang dấu ấn Việt nào được xây dựng, ngoại trừ một ngôi chùa Việt ở Bodgaya, Ấn Độ.
Mặt khác, để đảm bảo các quy chuẩn và quy định quốc tế, các yếu tố văn hóa, địa phương thường không được đề cập trong yêu cầu của khách hàng. Các công trình GK Archi thiết kế ở thị trường nước ngoài là chung cư cao cấp, cao ốc văn phòng hoặc khách sạn. Đây là những dự án đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật, quy định, tiêu chuẩn thiết kế, nên chúng tôi không thể nào đưa kiến trúc Việt hoặc tinh hoa Việt vào các công trình ở tầm thế giới được.
Với kiến trúc và quy hoạch đô thị trong nước còn nhiều bất cập, công ty GK Archi có suy nghĩ về việc đầu tư phát triển các dự án dành cho cộng đồng? 
Kiến trúc hay quy hoạch thì mục đích cuối cùng vẫn là để phục vụ cộng đồng. Đối tượng sử dụng lớn nhất của công trình vẫn là con người. Tùy vào yêu cầu và tính chất, mà công trình sẽ được phục vụ cho đối tượng cộng đồng nào. Là người thiết kế, ngoài yêu nghề, yêu thích sự sáng tạo, tôi cũng trăn trở với suy nghĩ đóng góp cho cộng đồng, tạo dựng môi trường sống thoải mái, trong lành cho từng đối tượng sử dụng.
Hiện nay, tôi đang định hướng cho đội ngũ GK Archi nhìn nhận yếu tố môi trường, công trình xanh, thiết kế xanh, giảm thiểu sử dụng năng lượng điện, các giải pháp kiến trúc hoặc cân nhắc tới các yếu tố bền vững môi trường trong các thiết kế của mình. Đối với các chủ đầu tư, GK Archi cũng hướng tư vấn sang đầu tư phát triển các công trình xanh để hướng tới yếu tố bền vững trong thiết kế và xây dựng. Cần phải có nhận thức về sự quan trọng của yếu tố môi trường và hành động bảo vệ môi trường để có thể đưa ra giải pháp tối ưu vào trong công trình kiến trúc.
Là một người phụ nữ làm việc trong một lĩnh vực bất cân bằng về giới, chị gặp phải những khó khăn nào khi làm việc? Chị có lời khuyên nào cho thế hệ tiếp nối, đặc biệt là các bạn nữ?
Tại nhiều cuộc họp, báo cáo, thuyết trình, nhìn qua nhìn lại, mỗi mình tôi là phụ nữ giữa hàng chục đấng mày râu khác. Khi mới vào nghề, tôi cảm thấy bỡ ngỡ và nhiều áp lực. Nhưng sau này, tôi cảm thấy bình thản và có phần tự hào. Lĩnh vực của nam giới nhưng nữ giới như tôi vẫn có thể chinh phục được, phần nào đó cũng nhờ vào bản chất luôn tự tin của mình. Tôi không ngại, không sợ khi đối mặt với bất kỳ việc gì. Điều làm tôi cảm thấy thích thú chính là việc cố gắng chinh phục mọi thử thách.
Khi thành lập công ty và vươn ra các thị trường nước ngoài, việc nữ kiến trúc sư đi thương thảo, đàm phán, trình bày các vấn đề về kiến trúc và xây dựng lại càng hiếm hoi hơn. Nhưng nếu có tư duy hướng đến công việc, thì những yếu tố về giới tính không còn là vấn đề. Tôi cần phải là hình ảnh của công ty, cần thể hiện sự bản lĩnh trong công việc qua kinh nghiệm, kiến thức và sự tư vấn của mình, cần chứng minh cho chủ đầu tư thấy được GK Archi là đơn vị phù hợp nhất cho dự án của họ.
Đôi khi, tôi cảm thấy nữ kiến trúc sư còn có những lợi thế riêng. Ví dụ, nữ giới có được sự nhẹ nhàng, mềm mỏng mà nam giới không có được. Nữ giới cũng có nhiều kiên nhẫn để lắng nghe, cảm nhận rõ hơn các yêu cầu của chủ đầu tư. Nhờ những yếu tố khác biệt đó, mà tôi gặt hái được thành công như ngày hôm nay.
Lời khuyên cho các bạn nữ hay nữ kiến trúc sư là hãy thay đổi suy nghĩ, đừng giới hạn bản thân trong cái nhỏ nhoi của giới tính. Hãy nghĩ một cách bình đẳng và tự tin hơn.

“Phụ nữ có thể làm được việc như bất kỳ người nào khác”

Một ngày của chị sẽ diễn ra như thế nào? Với cường độ phải đi công tác nước ngoài nhiều, chị làm cách nào để cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc?
Tôi không thích ngủ nhiều vì cảm thấy đó là sự phí phạm rất lớn về thời gian. Tôi thích dậy sớm thể dục hay bơi lội. Sau đó tôi ăn sáng với gia đình rồi tới văn phòng làm việc. Tôi thích sự yên tĩnh vào sáng sớm, khi mọi việc còn đang chưa bắt đầu. Tôi thường đi làm sớm đầu ngày, yên tĩnh suy nghĩ kế hoạch công việc của từng giờ, từng ngày. Thời gian phải bố trí sao cho hợp lý và hiệu quả. Tôi rất thích tạo cho mình áp lực về thời gian, đặt cho mình một khoảng thời gian ngắn để hoàn thành công việc tốt nhất. Vì thế, thời gian biểu của tôi rất chặt chẽ, chính xác tới từng phút. Giờ nào đi đâu, họp gì, làm gì đều được định sẵn.
Vì ngày của tôi bắt đầu sớm, nên tôi kết thúc ngày làm việc sớm hơn. Nếu không tham dự sự kiện, ăn tối với khách hàng hay bạn bè, tôi thường dùng bữa tối với gia đình. Tôi thích sự quây quần trong bữa ăn. Sau đó, tôi có thể đi nhà sách, đi lang thang trong thành phố hay nghỉ ngơi.
Ngoài đam mê kiến trúc, chị còn quan tâm tới những lĩnh vực nào khác hay có một sở thích nào đặc biệt?
Sau công việc, tôi có đam mê rất lớn với du lịch. Trong hơn 60 nước tôi từng đi qua, chưa nước nào tôi đi theo công ty du lịch. Tôi tự lên kế hoạch, tìm hiểu các địa danh mà mình sắp tới, lên lộ trình đi lại, các điểm tham quan, ăn uống…. Nhờ tự lên kế hoạch nên tôi luôn hiểu và chủ động được mọi việc.
Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện!


Đôi nét về KTS Giang Lê
Năm 2009, kiến trúc sư Giang Lê và một đồng nghiệp sáng lập GK Archi, tách ra từ văn phòng kiến trúc Atelier K của Pháp. Năm 2012, GK Archi đăng ký hoạt động tại Myanmar.
Chỉ sau 4 năm thâm nhập thị trường Myanmar, công ty GK Archi Myanmar đã được tín nhiệm thực hiện thiết kế nhiều dự án quy mô lớn như Sky Thuwunna (20.000 tỉ đồng), Chuang Thar Resort (700 tỉ đồng). Ngoài ra, công ty còn thực hiện nhiều dự án khách sạn Soyombo tại Mông Cổ (820 tỉ đồng), Sabinco Saudi Tower tại Bangladesh (2.000 tỉ đồng)…
Sau những giờ phút bận rộn và những chuyến đi công tác dài ngày, chị thích dành thời gian quây quần cùng gia đình, đi du lịch cùng nhau, hoặc nghỉ ngơi, đi nhà sách, lang thang trong thành phố. Ngoài ra, chị còn là một “phượt thủ” thứ thiệt với hành trình đạp xe ở những cung đường nguy hiểm tại Bolivia, Peru hay hành trình 1.720km xuyên Việt.