Người ta nói «Hát hay không bằng hay hát», nhưng đối với Hà Trần, hát là nghệ thuật, là thứ cần cả chất lượng lẫn số lượng. Quan trọng hơn, âm nhạc phải kích thích mỗi chúng ta sáng tạo, buộc chúng ta phải đào sâu hơn để tìm về bản thể của mỗi con người.


Chị nói: «Sản phẩm nghệ thuật phải phản ánh trung thực đời sống người làm ra nó». Album «Bản Nguyên» nói về đời sống Hà Trần như thế nào?
Một cuộc sống phong phú và quyết liệt, chắc là vậy (cười). Vào thời điểm Bản Nguyên demo show tại MMF 2014, tôi mặc một chiếc áo in hình con hổ và một phóng viên ảnh nước ngoài đã đăng bài gọi tôi là «fearsome tiger» – một con hổ ghê gớm. Thực sự thì tôi sợ những thứ gì bàng bạc, nhàn nhạt, những thứ âm nhạc dễ dãi nịnh tai. Vì thế, Bản Nguyên sẽ ko phải là thứ âm nhạc phổ thông, mà đi sâu vào tầng lớp khán giả văn minh, cởi mở, tò mò với phong cách mới và có cá tính. Tôi nhận thấy khán giả của mình phần đông rất trẻ, hoặc nếu lớn tuổi, thì là người hay nghe pop-rock phương Tây truyền thống.

Từng đem đến trò chơi điện tử Bản Nguyên Journey, cộng thêm mong muốn kết hợp với các DJ, các nhà thiết kế thời trang, có lẽ «Bản Nguyên» không chỉ là một dự án âm nhạc?
Bản Nguyên trong mong ước của chúng tôi (team Bản Nguyên) là một dự án đa phương tiện mang tính cộng đồng. Tôi muốn thành lập một cộng đồng sáng tạo trên nhiều lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng tư duy, hoặc được truyền cảm hứng từ Bản Nguyên. Đến thời điểm này, chúng tôi có 1 sản phẩm game, 1 AMV, 1 MV, 1 dòng thời trang lấy cảm hứng từ Bản Nguyên là Roots Vietnam (www.rootsvietnam.com), và vài buổi diễn nhỏ tại các rock bar. Công việc tiệm tiến, nhưng tôi có thể thấy Bản Nguyên đã có fan riêng, có người theo dõi (followers). Việc tiếp theo là phải làm được liveshow. Đó mới thực sự là cú bùng nổ lớn, những hoạt động underground hiện tại chỉ nhằm hướng tới cái đích liveshow. Bản Nguyên Remix hay thời trang sẽ đến sau.

Tương tác phải đến từ hai chiều, từ bên Hà Trần thì thấy rõ rồi, vậy còn từ khán giả, chị nhìn thấy họ tương tác lại với mình như thế nào?
Họ theo dõi các show Bản Nguyên, và tôi rất vui vì Bản Nguyên có thể được coi như album có nhiều nhận xét nhất trong thời gian gần đây từ cả báo chí lẫn khán giả, nhiều hơn cả những album trước của tôi. Ở thị trường âm nhạc hiện nay, khi một album xuất xưởng, chỉ có báo chí giới thiệu hay phản hồi của khán giả trên mạng xã hội. Riêng Bản Nguyên có cả một hệ thống khoảng hơn hai chục bài phân tích trên báo và cũng từng đó bài phân tích từ người hâm mộ. Vậy là nó có sức sống thật sự đấy chứ!

Đề cao tính cá nhân, nhu cầu tìm bản thể, hình như Hà Trần luôn tìm được một khía cạnh khác trong con người mình khi sáng tạo?
Tôi không phải người đầu tiên, cũng không phải người cuối cùng đi con đường bản thể. Nghệ thuật phải vậy, nghệ sĩ phải vậy. Đừng nhầm lẫn nghệ thuật với giải trí. Giải trí thì nên theo thị hiếu số đông. Nghệ thuật thì phải định hướng số đông. Đó là cán cân đối trọng cho một nền âm nhạc khỏe mạnh. Người nghệ sĩ không có tính cá nhân thì làm sao đứng riêng biệt!

Theo chị, thế nào là âm nhạc văn minh?
Là âm nhạc đi trước hoặc ít nhất song hành với thời đại chúng ta đang sống. Đó không phải là âm nhạc song hành với văn hóa nền của một đất nước. Tất cả các sản phẩm âm nhạc của tôi đều là sản phẩm nhiều phân khúc khán giả, đa thế hệ người nghe, nghe được ở nhiều không gian khác nhau. Hãy đến dự một show nhạc riêng của Hà Trần, và quan sát khán giả của cô ấy, bạn sẽ thấy rằng sự tự tin của tôi trong âm nhạc là có cơ sở.

Sau «Bản Nguyên», sau khi nói lên được giá trị cốt lõi rồi, kế tiếp sẽ là gì?
Tôi sẽ để âm nhạc cuốn mình đi. Thực ra tôi là người luôn thả lỏng với âm nhạc (go with the flow), tôi không phải một người hoạch định tính toán. Chỉ trong cách làm việc thì tôi mới nghiêm túc kỷ luật mà thôi. Tôi còn đang muốn triển khai một dự án khai thác dân ca Việt, chúng ta có một nền văn hóa dân gian phong phú nhưng «bị» khai thác khá hời hợt. Có lẽ con đường đúng hướng cho tôi sau này là tự viết và sản xuất nhạc của mình. Đã đến lúc rồi!

Xin cám ơn chị về buổi trò chuyện này!


Đôi nét về TRẦN THU HÀ

Hà Trần sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, cha là nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu, mẹ là giáo viên ưu tú Vũ Thúy Hiền, chú là nhạc sĩ Trần Tiến.
Để có được ngày hôm nay, Hà Trần đã phải khổ luyện qua hai ngôi trường để bù đắp cho sự thiếu hụt về chất giọng thiên bẩm. Cô luôn biết vận dụng những kỹ thuật lắt léo vào những bài hát mình thể hiện theo cách tinh tế, không quá phô trương mà nghe rất dễ chịu.
Sau bước nhảy vọt với album «Nhật Thực» ra mắt vào năm 2002, cô được xếp ngang tầm cùng ba diva hàng đầu là Thanh Lam, Hồng Nhung, và Mỹ Linh.
Sau thời gian gần 10 năm thai nghén, dự án nghệ thuật đa phương tiện «Bản Nguyên» của riêng Hà Trần được ra mắt theo một chu trình ngược «trình diễn live trước rồi mới thu âm». Một lần nữa, cô lại thể hiện sức ảnh hưởng của mình tại thị trường âm nhạc nước nhà qua những tác phẩm đầy tính sáng tạo.

«Tôi không phải người đầu tiên, cũng không phải người cuối cùng đi con đường bản thể. Nghệ thuật phải vậy, nghệ sĩ phải vậy. Đừng nhầm lẫn nghệ thuật với giải trí.»