Giá trị của lịch sử

Hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến giới nhà giàu dần đa dạng hóa danh mục đầu tư, cũng như có một cách nhìn nhận tích cực hơn với trang sức. Theo báo cáo Wealth Insights năm 2012 của Barclay, tỷ lệ cá nhân sở hữu đồ trang sức quý giá đạt 70%, trong khi chỉ mới ở mức 57% vào năm 2007. Các bộ sưu tập trang sức giờ đây đã chiếm khoảng 5% tổng giá trị tài sản của những người được khảo sát. Elizabeth Von Habsburg, Giám đốc điều hành của Winston Art Group, tập đoàn thẩm định nghệ thuật độc lập lớn nhất Hoa Kỳ, nhận định rằng mọi người đang mua đồ trang sức vì xem đây như một “nơi trú ẩn” an toàn mà giá trị vẫn tiếp tục gia tăng.

Vào thời điểm hiện tại, trang sức di sản đang được các nhà đầu tư đánh giá cao bởi tiềm năng đem lại lợi nhuận lớn. Phân khúc này thông thường sẽ phổ biến hơn ở phương Tây, nhưng trong thời gian gần đây đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ khách hàng châu Á, những người đặc biệt xem trọng yếu tố phong thủy và rất kiêng kỵ khi sở hữu một món đồ nào đó từ người đã khuất. Trên thực tế, quan điểm có phần mê tín này đang dần lui vào dĩ vãng bởi số phiên đấu giá đồ trang sức di sản được tổ chức tại Hồng Kông ngày càng gia tăng. Những món trang sức giá trị nhất phải chứng thực được nguồn gốc, đồng thời đặc biệt đề cao đến dấu ấn đáng chú ý về khía cạnh lịch sử hoặc chủ nhân trong quá khứ.

Một trong những món trang sức có nguồn gốc lừng lẫy nhất từng được bán đấu giá là chiếc vòng cổ làm từ ngọc bích, hồng ngọc và kim cương mang tên Hutton Mdivani. Chiếc vòng có tên gọi lấy từ họ của gia đình Hutton và hoàng thân Mdivani, từng được Hoàng tử Alexis Mdivani tặng cho vợ, bà Barbara Hutton – người thừa kế tập đoàn bán lẻ Woolworth, vào năm 1933. Chiến thắng cuối cùng đã thuộc về đại diện của thương hiệu Cartier sau khi trả mức giá 27,44 triệu USD (giá bán kỷ lục đối với đồ trang sức ngọc bích) tại buổi đấu giá về Đồ trang sức và Ngọc bích được nhà Sotheby’s Hồng Kông tổ chức vào tháng 4 năm 2014.

Đến tháng 11 cùng năm, Bonhams Hồng Kông đã bán đấu giá khoảng 90% tác phẩm trong bộ sưu tập Marina B, do chính cháu gái của Giorgio Bulgari chế tác cho thương hiệu trang sức cao cấp mang tên chính cô. Anastasia Chao, Giám đốc bộ phận đồ trang sức của Bonhams Hồng Kông cho biết sự quan tâm của người mua châu Á và phương Tây đối với bộ sưu tập này khá đồng đều. Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố tương phản, chẳng hạn như đường nét hình học cứng cáp với đường cong nhẹ nhàng, hay kim cương trắng với đá màu, cộng với dòng dõi danh tiếng đã góp công lớn giúp nâng cao giá trị cho những tác phẩm của Marina B.

Lấy ví dụ gần gũi hơn, vào tháng 11 năm 2011, Sotheby’s đã tổ chức một buổi đấu giá những món trang sức là di vật của cố ca sĩ Hồng Kông Mai Diễm Phương. Nhà đấu giá này cũng tiến hành bán đồ trang sức của hoàng hậu Uyển Dung, hoàng hậu cuối cùng của Trung Quốc, trong tháng 10 năm 2014. Gần đây, Christie’s đã giới thiệu bộ sưu tập trang sức của gia đình Khổng Tường Hy, nhân vật từng giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính và cũng là người giàu nhất Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20, trong đó có rất nhiều di vật của người vợ Tống Ái Linh – một trong ba chị em họ Tống – nổi tiếng trên chính trường lúc bấy giờ. Bộ sưu tập gồm rất nhiều mẫu trang sức lộng lẫy và độc đáo, May Lim, Phó giám đốc và chuyên gia bộ phận đồ trang sức của Christie’s Hồng Kông, cho biết.

Với sự suy giảm về nguồn cung, trong khi nhu cầu lại ngày một tăng, mặt bằng giá cho các vụ giao dịch đồ trang sức cổ điển đang được đẩy lên nhanh chóng, đến nỗi những chuyên gia trong ngành vẫn chưa thể nhận định và dự đoán chính xác tốc độ tăng trưởng ở mức nào. Chao nhấn mạnh rằng nguồn gốc của mỗi món đồ trang sức sở hữu nét độc đáo riêng và hấp dẫn người mua theo những cách khác nhau. So với kim cương, trang sức di sản thường khiến các nhà đầu tư đi sâu vào tìm hiểu câu chuyện ẩn đằng sau thiết kế hơn.

Theo Brenda Kang, cựu chuyên gia trang sức tại Christie’s và bây giờ là chủ của Revival Jewels, thương hiệu trang sức cổ điển có trụ sở tại Singapore, những món đồ có xuất xứ từ thời kỳ Belle Époque (“Thời kỳ tươi đẹp” của châu Âu) trong những năm 1910, trang sức Cartier theo trường phái Art Deco vào thập niên 1920, hay những thiết kế của Van Cleef & Arpels giai đoạn 1950, thường có sức hút đặc biệt đối với các nhà sưu tập. Kang tin rằng bên cạnh việc đầu tư vào món hàng tiềm năng, người mua còn đánh giá cao tay nghề của thợ kim hoàn thời kỳ trước, giai đoạn khi trang sức vẫn được làm thủ công nên sẽ đặc biệt hơn những loại làm từ máy cắt hiện đại. Đó cũng là lý do tại sao đồ trang sức cổ từ Boucheron, Van Cleef & Arpels và Cartier luôn được đánh giá cao, bởi thủ công là yếu tố cốt lõi trong nghệ thuật của những thương hiệu này.

Gạt niềm đam mê sang một bên, nếu ai muốn khoản đầu tư trị giá vài triệu USD của mình đảm bảo sẽ sinh lời, hãy lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia. Mua đồ trang sức từ một số thương hiệu danh tiếng như đã đề cập ở trên, hoặc Tiffany & Co và David Webb…, những cái tên đã có truyền thống trên thị trường thứ cấp, sẽ là phương án an toàn nhất. Một vài tên tuổi đến từ châu Á cũng rất có tiềm năng nếu bạn muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư, chẳng hạn như Etcetera, theo đề xuất của May Lim. Trên cả yếu tố quý hiếm, chất lượng, xuất xứ hay tay nghề, Quek Chin Yeow, Phó chủ tịch Sotheby’s châu Á, kêu gọi người mua sống thật với cảm xúc của bản thân. “Ướm thử món trang sức lên người, mua những gì bạn thực sự thích và chọn thứ tốt nhất mà bạn có đủ khả năng chi trả”, ông chia sẻ, và tất nhiên cũng khuyên người mua nên nói chuyện với các chuyên gia có uy tín của nhà đấu giá trước khi ra quyết định.