Các món đồ được thiết kế trường tồn sẽ không bao giờ lỗi thời.

Mặc dù chúng ta có thể không phải đối mặt với kiểu thắt lưng buộc bụng vốn đã truyền cảm hứng cho chiến dịch “Make Do and Mend” trong Thế chiến thứ hai của nước Anh, nhưng các sự kiện hiện tại – từ đại dịch cho đến hiện tượng nóng lên toàn cầu – đã khiến việc tiêu dùng với nhận thức hướng đến bền vững trở thành ưu tiên cho nhiều người mua sắm. Các thương hiệu xa xỉ với các sản phẩm trường tồn đang đáp ứng được nhu cầu này trên hai khía cạnh: ảnh hưởng của họ đối với môi trường và cung cấp các sản phẩm được thiết kế để duy trì sự hấp dẫn của họ theo thời gian. Khía cạnh thứ hai chính là trọng tâm của Hermès.

Giống như Cucinelli, Hermès tránh chạy theo các xu hướng thời trang để ủng hộ những gì liên quan đến tay nghề thủ công đỉnh cao và thiết kế bền vững. Khi được hỏi về đặc tính nổi bật nhất của thương hiệu, Robert Dumas, cựu giám đốc điều hành và giám đốc nghệ thuật của Hermès, đã từng khuyên một người kế nhiệm: “Hermès khác biệt bởi vì chúng tôi đang tạo ra một sản phẩm mà mình có thể chỉnh sửa”. Bộ sưu tập của công ty bao gồm hơn 50.000 sản phẩm – từ va-li, tách uống trà cho đến trang phục suit và khăn lụa – vì vậy, việc đánh giá lại mọi món đồ được gói cẩn thận trong hộp đựng là một công việc có ý nghĩa đáng kể.

Hermès sở hữu một đội ngũ gồm 78 chuyên gia chỉnh sửa sản phẩm tại 14 xưởng sửa chữa khắp châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ, cung cấp 700 dịch vụ khác nhau. Năm ngoái, họ đã nhận được gần 100.000 yêu cầu chỉnh sửa túi xách, va-li, phụ kiện, và sự gia tăng về nhu cầu sửa chữa sản phẩm đã khiến Hermès phải mở thêm một xưởng bổ sung. Và nếu bạn đang nghi ngờ liệu chiếc cà-vạt sờn có lấy lại được vẻ hoàn hảo sau khi chỉnh sửa hay không, hãy nhớ rằng chính sách của công ty là kiểm tra mọi sản phẩm của Hermès, bất kể kích cỡ lớn, nhỏ hay tình trạng cũ, nát.

Sở hữu đội ngũ nghệ nhân may đo 22 người, xưởng sửa chữa của Paul Stuart chiếm nguyên một tầng lầu tại cửa hiệu chính ở Đại lộ Madison. Giám đốc điều hành Paulette Garafalo cho biết không có gì lạ khi các quý ông chỉnh tề đến xưởng để yêu cầu chỉnh sửa trang phục cho những sự kiện lớn. Nếu không thể giải quyết vấn đề – chẳng hạn như yêu cầu xử lý vết bẩn cho chiếc áo khoác len cashmere của Scotland hoặc thắt lưng da lộn của Ý – các nghệ nhân may đo nội bộ sẽ gửi nó trở lại xưởng sửa chữa để phục hồi.

Garafalo cho biết: “Những đôi tất sẫm màu và những đường may vá thường gợi liên tưởng đến một thời kỳ khó khăn trong quá khứ. Vấn đề ư? Bạn có thể mua một món đồ mới phải không? Chúng tôi mang lại cho khách hàng những thứ tốt nhất – những thứ mà họ sẽ có trong thời gian dài”. Mối quan tâm ngày càng gia tăng của người tiêu dùng xa xỉ đối với vấn đề chỉnh sửa sản phẩm nhằm mục đích sử dụng dài hạn đang chứng tỏ rằng thái độ của họ đang thay đổi. Thực tế, việc chỉnh sửa đã là một vũ khí bí mật của những khách hàng thông thái trong nhiều thập kỷ.

Trong cuốn sách Elegance của mình, nhà nghiên cứu lịch sử trang phục nam Bruce Boyer đã trích ý kiến chia sẻ từ nghệ nhân may đo trang phục cho John D. Rockefeller III tại Pec & Company: “Cứ vài năm, John D. Rockefeller III lại mang những chiếc áo sơ-mi cũ của mình đến để tân trang lại. Tôi làm mới cổ áo, tay áo và… vá một lỗ hoặc thực hiện một khâu chỉnh sửa nào đó, và ông ấy sẽ sử dụng chúng thêm 5 năm nữa. Sau đó, ông ấy sẽ quay lại với những chiếc áo sơ-mi để được xử lý tương tự. Và đó là một cách tiêu dùng thông minh: nếu bạn đầu tư vào những thứ tốt nhất, tại sao lại không nhận được giá trị tương xứng từ đồng tiền mình bỏ ra?” Dịch vụ chỉnh sửa và phục hồi trang phục này từ lâu đã là một phần trong hoạt động của Turnbull & Asser – thương hiệu cao cấp xứ sương mù với những mẫu sơ-mi được thửa riêng cho đặc vụ Kingsman. Hiện Turnbull & Asser sở hữu một kho chứa vải vụn thừa để phục vụ cho mục đích này. Ngay cả đối với những chiếc sơ-mi may sẵn, công ty sẽ cố gắng để phù hợp với chất liệu vải – điều có thể sẽ khó thực hiện bởi màu sắc có thể phai mờ theo thời gian.

Một số thương hiệu đang tiến thêm một bước nữa và bán các sản phẩm đã qua khâu phục hồi như những món đồ sưu tập cho chính khách hàng. Sau khi nhận thấy nhu cầu sở hữu các sản phẩm vintage (sản phẩm chất lượng cao đã qua sử dụng) của Mark Cross trên thị trường thứ cấp, vị CEO Ulrik Garde Due đã quyết định mở hướng kinh doanh mới. “Tại sao chúng ta nên trao cơ hội bán lại các món đồ vintage cho các bên thứ ba?” ông nói. “Chúng tôi thể hiện phong cách vintage cho tương lai. Nghĩa là khi bạn mua một sản phẩm Mark Cross, món đồ đó sẽ tồn tại lâu dài và theo quan điểm thiết kế, sản phẩm đó không bao giờ lỗi thời.” Kỷ niệm 175 năm ngày thành lập vào năm nay, thương hiệu này đã bắt đầu mua các sản phẩm vintage vào năm 2019 – từ ống nhòm xem opera cho đến bóng bầu dục. Nhiều món đồ vintage được thương hiệu chào bán hiện đến từ các khách hàng hiện hữu – những người đang kinh doanh đồ cũ của mình.

Một số thương hiệu tập trung kinh doanh sản phẩm đã qua phục hồi

Một nhóm chuyên đánh giá từng sản phẩm, và nếu thấy tiềm năng để kinh doanh, họ sẽ mua lại; sau đó, công ty có thể lưu kho hoặc đưa vào kinh doanh trực tuyến. “Chúng tôi có một tệp khách hàng hiện hữu muốn mua các món đồ vintage cũng như các sản phẩm mới, và chúng tôi cũng đang nhận thấy một lượng khách hàng hoàn toàn mới đặc biệt thích mua đồ vintage.” – Garde Due nói về sức hút của bộ sưu tập các món đồ vintage.

Thương hiệu giày cao cấp J. M. Weston của Pháp cũng đang biến những đôi giày bị xây xước đã qua sử dụng thành lợi điểm bán hàng. Xưởng sửa chữa chuyên dụng tại trụ sở chính ở Limoges có thể sửa chữa hoặc làm mới hoàn toàn khoảng 10.000 đôi giày mỗi năm. Dựa trên dịch vụ đó, thương hiệu quyết định cung cấp cho khách hàng tùy chọn giao dịch đối với những đôi giày cũ để bán lại. Weston Vintage, thương hiệu mới được ra mắt vào đầu năm nay, chấp nhận những đôi giày cũ tại bất kỳ cửa hàng nào của mình, nơi chúng sẽ được đổi thành khoản tín dụng hoặc nếu chúng không phù hợp, khách hàng sẽ được tận hưởng dịch vụ đánh giày miễn phí. Những đôi giày đã mua sẽ được gửi đến cửa hiệu để tân trang trước khi được chuyển đến quầy bán hàng trong cửa hiệu ở Nhật hoặc Pháp. Và cứ như thế, vòng đời của những đôi giày vintage sẽ được tiếp diễn theo cách bền vững.

(Nội dung trong ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Chín mang chủ đề “Elegance & Sophistication”)